130115
topics
518543

Thị sát biên giới mà cũng xuyên tạc được?

Hải Anh 10/05/2021 15:52

Vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát trên tuyến biên giới Tây Nam, khu vực Đồn Biên phòng Vĩnh Ngươn, Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang, đốc thúc chống dịch, động viên lực lượng tuyến đầu. Tuy nhiên lợi dụng sự kiện này những đối tượng chống phá lại tìm cách bới móc, xuyên tạc để hạ bệ hình ảnh người đứng đầu Chính phủ.

Luận điệu xuyên tạc Thủ tướng Chính phủ của các đối tượng.
Luận điệu xuyên tạc Thủ tướng Chính phủ của các đối tượng.

Từ mạng xã hội, các đối tượng Đường Văn Thái, Khanh Nguyen Van, Kim Van Chinh, viết bài công kích việc thị sát biên giới Tây Nam của Thủ tướng. Chúng lấy hình ảnh Thủ tướng dùng gậy chỉ bản đồ để xuyên tạc rằng Thủ tướng đi chỉ đạo chiến dịch tấn công COVID tay dùng gậy chỉ bản đồ nhưng mắt nhìn phía trên nhằm đánh lạc hướng bọn virus. Đúng là phong cách của cựu sỹ quan tình báo Tổng cục 5, “chỉ một đằng, nhìn một nẻo”.

Thật nực cười, chỉ một hình ảnh, cử chỉ rất đỗi bình thường dưới ngòi bút của những kẻ chống phá lại trở thành chuyện bịa đặt. Hành động chỉ tay và nhìn theo lời nói của người khác có gì là sai? Thực chất, mục đích sâu ra của chúng là mượn cớ để hạ bệ hình ảnh Thủ tướng. Tuy nhiên, điều đó chỉ khiến người dân càng thấy được cái tâm, nỗ lực chống dịch không ngơi nghỉ của Thủ tướng, Chính phủ.

Tình hình dịch Covid-19 tại Campuchia đã bùng phát mạnh trong hơn một tháng qua, diễn biến khó lường. Các đối tượng trong nước móc nối với người nước ngoài, tổ chức đưa người nhập cảnh trái phép, trốn cách ly theo quy định. Thêm một lần nữa, lực lượng Bộ đội biên phòng cùng các lực lượng khác, chính quyền các địa phương phải căng sức chặn dịch trên tuyến biên giới này. Và từ đầu tháng 2 đến nay đã phát hiện, xử lý gần 32 nghìn người nhập cảnh Việt Nam trái phép; tiếp nhận hơn 11.600 người Việt Nam nhập cảnh, cư trú, lao động trái phép do các nước trao trả qua cửa khẩu, bàn giao cho địa phương cách ly theo quy định. Tính từ đầu năm 2021 đến nay, lực lượng biên phòng cả nước đã phát hiện 520 vụ xuất nhập cảnh qua biên giới với gần 1.500 người, trong đó, có 48 vụ với 236 người nhập cảnh trái phép, 472 vụ với 1.217 người xuất cảnh trái phép.

Thiết nghĩ chỉ lọt một người nhập cảnh trái phép nhiễm Covid-19, tình hình trong nước sẽ tồi tệ đến thế nào? Áp lực và khó khăn là trong công tác phòng, chống dịch là rất lớn bởi người Việt tại nước bạn… đang có xu hướng hồi hương bằng cả con đường chính ngạch lẫn “tiểu ngạch”. Do đó, Thủ tướng đã lựa chọn biên giới Tây Nam để thị sát, chứng tỏ ông là một người rất quan tâm, nỗ lực đến công tác phòng chống dịch tại biên giới thời điểm này. Và có lẽ ông hiểu rõ được nếu Việt Nam không kiểm soát nổi biên giới này thì có thể thất bại nặng nề trong công tác phòng dịch lần này, không chỉ gây tổn hại về con người mà có thể gặp khủng hoảng kinh tế rất lớn, tiêu hao ngân sách gấp bội.

Người đứng đầu Chính phủ đánh giá Tây Nam bộ là khu vực trọng điểm vì tình hình lây nhiễm của Campuchia, khả năng xâm nhập ca lây nhiễm vào Việt Nam. Việc kiểm soát biên giới đường bộ chúng ta đã làm tốt. Nhưng công tác kiểm soát biên giới trên biển là một vấn đề thách thức với tất cả các tỉnh trên khu vực này. Vì thế, khi khảo sát Kiên Giang, đặc biệt Hà Tiên, ông đã đặt ra vấn đề phải thành lập bệnh viện dã chiến tại đây để chúng ta có thể chủ động và tích cực khi có kịch bản xấu xảy ra.

Đặc biệt trong chuyến thị sát tình hình cấp bách, không thể chần chừ, dịch bệnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào, bất cứ nơi nào, Thủ tướng đã dành thời gian tìm hiểu hết sức kỹ lưỡng về các phương án ứng phó với dịch bệnh, củng cố lực lượng tuần tra, kiểm soát biên giới và cơ sở vật chất, trang bị cho các lực lượng chống dịch, các cơ sở cách ly, điều trị… Thủ tướng yêu cầu chuẩn bị kỹ lưỡng cho tất cả mọi phương án, nhất là việc chuẩn bị các bệnh viện dã chiến, trong bối cảnh An Giang có đoạn biên giới dài hơn 98km, giáp hai tỉnh của Campuchia.

Trong tháng đầu tiên sau nhậm chức, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các thành viên Chính phủ đối mặt nhiều thách thức, nhất là làn sóng Covid-19 quay trở lại. Nhưng chúng ta có thể thấy những quyết sách, nỗ lực chống dịch không ngừng nghỉ, gác lại việc chưa cần thiết, nỗ lực cao nhất phòng chống dịch an toàn. Từ khi bùng dịch đến nay, Thủ tướng liên tiếp chủ trì nhiều cuộc họp để chỉ đạo tăng cường, chấn chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, kể cả các cuộc họp khẩn, trong ngày nghỉ lễ. Hai công điện cũng được người đứng đầu Chính phủ ban hành nhằm tăng cường, chấn chỉnh công tác này.

Hiện nay, tình hình dịch bệnh vốn dĩ đã phức tạp, đây là lúc cả hệ thống chính trị lẫn người dân Việt Nam đoàn kết phòng chống dịch bệnh, tuân thủ nghiêm túc quy tắc 5K “Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế” để dựng nên bức tường thành chống Covid-19 thành công. Những kẻ chống phá ngoài việc chầu chực, soi mói diễn biến, sự việc trong nước còn lợi dụng công tác ngăn chặn hoạt động nhập cảnh trái phép của nước ta để đổ thêm dầu vào lửa, xuyên tạc đủ điều hạ bệ hình ảnh lãnh đạo, hạ bệ những gì họ nỗ lực phòng chống dịch.

Hải Anh

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.

Đọc nhiều