2
category
392252

Thêm một mệnh lệnh “chống giặc” mới của Thủ tướng

Đặng Trường 12/05/2020 10:41

Nếu như “giặc Covid-19” được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xác định là kẻ thù số 1 thì song song đó, người đứng đầu Chính phủ cũng đã xác định được thêm một “kẻ thù mới”. Tại Hội nghị với doanh nghiệp nhằm trao đổi các vấn đề về “nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế sau đại dịch”, Thủ tướng đã nhận định “virus trì trệ” là kẻ thù và phải “chống trì trệ như chống dịch”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị với doanh nghiệp.

Dù đã chuẩn bị nhiều kịch bản tốt nhất nhưng hậu quả mà kẻ thù vô hình Covid-19 gây ra đối với nền kinh tế Việt Nam là không hề nhỏ. Đã có sự tê liệt của nhiều ngành, điển hình như hàng không, du lịch, giáo dục…, trong đó có nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ đứng bên bờ vực phá sản vì các khoản vay cũng như trả lương cho công nhân. Nói như vậy để thấy kinh tế nước ta thực sự đang đối mặt với một thử thách vô cùng cam go với trăm bề khó khăn chồng chất mà nếu không xác định chính xác vấn đề, không chuẩn bị tinh thần tốt và hướng đi đúng thì đất nước rất dễ lâm vào cảnh suy thoái.

Thời gian qua, cả hệ thống chính trị và nhân dân đã thực hiện quyết liệt các giải pháp “chống dịch như chống giặc” theo Chỉ thị 15 và 16 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để bảo đảm an toàn sức khỏe và tính mạng của người dân nhưng nước ta cũng hành động gần như song song các biện pháp để cứu kinh tế, xem như “cứu hỏa” để giành lại “cuộc sống” không kém cam go, khốc liệt so với giành lại “mạng sống”. Tuy nhiên, Thủ tướng đã nói thẳng tinh thần của Hội nghị với doanh nghiệp lần này không phải là dịp để bàn lùi, than nghèo, kể khổ; không phải kể lể, than vãn về những khó khăn của doanh nghiệp mà phải nêu được những trở ngại lớn đối với các ngành, đề xuất ý tưởng, chiến lược để chiến đấu vực dậy nền kinh tế cả nước. Và rất nhanh chóng 5 mũi giáp tiến công đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra nhằm phấn đấu đạt được mục tiêu năm 2020, GDP tăng trưởng trên 5%: Thứ nhất, thu hút đầu tư các thành phần kinh tế trong nước, trước hết là đầu tư tư nhân; Thứ hai, thu hút FDI; Thứ ba, đẩy mạnh xuất khẩu; Thứ tư, thúc đẩy đầu tư công; Thứ 5, khuyến khích tiêu dùng nội địa.

Toàn cảnh hội nghị.

Cũng như bao người dân, Thủ tướng cũng không muốn thấy cũng không chấp nhận trong cuộc chiến cứu kinh tế đó có sự hiện diện của “con virus trì trệ”. Bởi virus Corona nguy hiểm nhưng đến một thời điểm nào đó cũng sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn, còn “virus trì trệ”, nếu không xem nó là kẻ thù cần phải tiêu diệt ngay thì sẽ lây lan rất nhanh trong toàn thể xã hội, tồn tại điều khiển cả lý trí và hành động, làm chậm cả guồng máy khôi phục kinh tế, thậm chí có thể khiến đất nước tiêu vong. Chính vì lẽ đó, tại Hội nghị với doanh nghiệp, một lần nữa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắn nêu vấn đề: “Chúng ta đã chứng kiến tinh thần chống dịch như chống giặc, giờ đây là lúc chống trì trệ như chống dịch. Tinh thần này cần phải được thúc đẩy. Chúng tôi nhiều lần nêu virus trì trệ, vậy virus trì trệ ở đâu? Đừng nhìn người khác, cơ quan tổ chức khác, bộ ngành khác, địa phương khác, virus trì trệ nằm ngay trong chính chúng ta, tổ chức chúng ta, cộng đồng doanh nghiệp chúng ta”. Lời chia sẻ của Thủ tướng không chỉ là hồi chuông thức tỉnh tất cả các doanh nghiệp cùng người dân đang “ngủ đông” tránh dịch mà còn là mệnh lệnh thúc giục cả nước đứng lên tiêu diệt “virus trì trệ”.

Đến nay Việt Nam tương đối thành công trong việc ngăn chặn dịch Covid-19 và chưa có ai tử vong. Nguyên nhân của thành công đó cũng xuất phát từ thời điểm ban đầu, Việt Nam đã coi dịch Covid-19 là “giặc” nên đã nâng cao cảnh giác, có chủ trương, giải pháp phù hợp, kịp thời triển khai thực hiện quyết liệt; ngành Y tế cùng các cơ quan chức năng kiểm soát, giám sát, cách ly nghiêm ngặt những người có nguy cơ nhiễm Covid-19; có phác đồ điều trị rất hiệu quả. Vậy thì với “giặc trì trệ”, nếu mỗi doanh nghiệp, người dân chủ động tích cực tìm biện pháp tháo gỡ, quyết tâm khôi phục kinh tế, chính quyền hỗ trợ cơ chế đắc lực, đồng thời có giải pháp phòng chống, phác đồ điều trị những cán bộ, công chức nhiễm “virus trì trệ” thì lo gì không có những ngày xuân huy hoàng.

Theo Ngân hàng Thế giới, kinh tế Việt Nam có thể sẽ khởi sắc trở lại. Thậm chí, nhà báo David Hutt, chuyên về chính trị Đông Nam Á còn cho rằng: “Việt Nam có thể hồi phục kinh tế nhanh hơn hầu hết các nền kinh tế Đông Nam Á khác”. Không phải người dân Việt Nam nhưng họ còn có suy nghĩ tích cực như vậy thì chẳng có lý do gì mà nhân dân ta lại không có niềm tin.

Trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 ở Việt Nam đang dần ổn định, các biện pháp nới lỏng cách ly xã hội đang được thực hiện thì mệnh lệnh “chống trì trệ như chống dịch” của Thủ tướng như  một liều thuốc kích thích tinh thần doanh nghiệp và người dân sẵn sàng lao vào cuộc chiến với “virus trì trệ” trên mặt trận kinh tế. Và thật tuyệt vời nếu như gần 100 triệu người dân Việt Nam và hàng ngàn doanh nghiệp trong nước cũng hiểu được tinh thần đó để thích nghi và hành động hiệu quả.

Đặng Trường 

Đọc nhiều