86
topics
584940

Thêm hai luận điệu xằng bậy bôi nhọ hình ảnh Thủ tướng Phạm Minh Chính

An Diễm 24/01/2022 12:05

Thời gian gần đây, các đối tượng chống phá tập trung khá nhiều luận điệu nhằm hạ thấp uy tín của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Trong hai bài viết mới nhất, có một bài lấy biệt danh thời thơ ấu của ông để chê bai, bài còn lại thì lấy sự kiện xã hội để mỉa mai năng lực của nguời đứng đầu Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Lãnh đạo làm việc như thế nào?

Cựu Tổng thống Mỹ Obama từng có lần tâm sự về bản thân và công việc trong một bài thuyết trình trước đám đông. Ông kể mình là một đứa trẻ có tuổi thơ vất vả, lớn lên trong một gia đình trung lưu nên thấu hiểu cảm nhận của phần lớn người dân Mỹ. Ông nói rằng đứng trước mỗi quyết định hệ trọng, ông có một dàn trợ lý tuyệt vời sẽ đưa ra nhiều phương án, và ông dùng trải nghiệm cuộc sống, quan điểm và những kiến thức quản trị để đưa ra lựa chọn sau cùng. Những trải nghiệm tuổi thơ của một cậu bé nghèo chắc chắn cũng đã góp phần làm nên 2 nhiệm kỳ thành công của một trong những Tổng thống Mỹ nổi bật nhất lịch sử.

Đối tượng Hoàng Dũng vừa dẫn câu chuyện tuổi thơ của Thủ tướng, cũng là một cậu bé nghèo. Theo đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính có bố là công chức và mẹ làm ruộng. Thời gian rảnh, bố mẹ ông làm nghề chèo đò để có thêm thu nhập. Dựa trên câu chuyện này, Hoàng Dũng chế ra biệt danh liên quan đến chèo đò để châm chọc Thủ tướng. Đây là một luận điệu thô thiển đến mức lệch lạc. Không ai có thể chọn lựa được nơi mình ra và lớn lên, nhưng có thể chọn cách phấn đấu, nỗ lực để đạt được thành công trong cuộc sống. Cậu bé nghèo Obama bên Mỹ đã trở thành Tổng thống, còn cậu bé nghèo Phạm Minh Chính cũng đã trở thành người đứng đầu Chính phủ Việt Nam là minh chứng cho những thành công của hai ông trong cuộc sống.

Và cũng như Obama, có lẽ tuổi thơ nghèo khó và những trải nghiệm năm nào đã định hình lên con người của Thủ tướng, bằng những nỗ lực không mệt mỏi trong suốt quá trình công tác. Thành tích ấn tượng nhất của ông đến nay cũng liên quan đến việc “đưa đò”, là dự án đưa điện vượt biển ra đảo Cô Tô thời còn là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh. Cô Tô khi đó là một huyện đảo nhiều tiềm năng nhưng thiếu điện, thiếu nước, kinh tế kém phát triển. Nhờ những chỉ đạo quyết liệt bằng mọi biện pháp của Bí thư Phạm Minh Chính khi đó mà Cô Tô xây được hồ nước ngọt, kéo được điện lưới ra đảo. Kết quả là số khách du lịch đến Cô Tô tăng lên 10 lần, ngân sách thu về Trung ương tăng 12 lần từ du lịch. Nhiều thành công khác trong thời gian này đã giúp ông thăng tiến nhanh chóng lên vị trí Thủ tướng.

Làm lãnh đạo có dễ không?

Hoàn toàn không dễ, không phải người đứng đầu thì muốn làm gì cũng được, mà người đứng đầu phải là người hiểu sâu sắc nhất các quy định, nhiệm vụ, khuôn khổ cần phải tuân theo. Nhiều đời Tổng thống Mỹ bị chỉ trích vì lúc tranh cử hứa một đằng nhưng lúc đắc cử lại làm một nẻo chỉ vì bị cản trở bởi các quy định. Ông Trump bị Quốc hội cản trở chuyện huy động kinh phí xây tường biên giới. Ông Biden bị tòa án bác bỏ lệnh tiêm vaccine bắt buộc cho người lao động. Theo Hiến pháp Việt Nam, Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất và thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội, và cũng phải chấp hành nhiều quy định liên quan đến hoạt động của mình.

Đơn cử, hiện nay có một vấn đề nóng liên quan đến tiền lương và thu nhập của các nhân viên y tế tại Bệnh viện Đa khoa thuộc trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam và Bệnh viện Tuệ Tĩnh Hà Nội. Do đây là hai bệnh viện theo cơ chế tự chủ, khi bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, không có doanh thu thì tiền lương và chế độ của các nhân viên bị ảnh hưởng theo. Tiếng Dân News lu loa trong bài viết rằng Thủ tướng Phạm Minh Chính đang bỏ mặc các bác sỹ ở hai bệnh viện này dù hết lời khen ngợi các bác sỹ trong đại dịch. Thực tế Thủ tướng đã có chỉ đạo, và theo đó các cơ quan quản lý đã phải quyết liệt vào cuộc xử lý.

Đây là vấn đề liên quan đến ngân sách, và cơ chế tự chủ đối với các bệnh viện công lập, hoàn toàn không dễ và không thể giải quyết trong ngày một ngày hai. Khi bệnh viện đã tự chủ thì theo quy định không được phép dùng ngân sách để cứu trợ. Việc đầu tiên là phải có văn bản kiến nghị tạm dừng cơ chế tự chủ của các bệnh viện này, sau đó Bộ y tế mới có thể đề xuất với Bộ Tài chính trình Chính phủ sớm có quyết định bổ sung ngân sách hỗ trợ để chi trả tiền lương cho viên chức, người lao động. Như vậy là dù vào cuộc hết sức quyết liệt, trách nhiệm nhưng Chính phủ cũng phải làm đúng quy trình, quy định và linh hoạt bằng mọi cách.

Không có gì để bình luận nhiều về hai bài viết của Tiếng Dân News và Hoàng Dũng, ngoài việc nó thể hiện những luận điệu xuyên tạc thô thiển. Đây là 2 đối tượng luôn tìm cách lợi dụng mọi sự kiện mà họ nghĩ là liên quan để tung ra các lời lẽ chống phá, bôi nhọ uy tín lãnh đạo Nhà nước, nhưng thực tế thì họ chỉ tự biến mình thành trò cười với những hiểu biết hết sức nông cạn.

An Diễm

Đọc nhiều