Thế trận lòng dân trước dịch bệnh Covid-19
“Nghìn muôn ức triệu người trong nước/ Xây dựng nên cơ nghiệp nước nhà/ Người, Dân ta, của, Dân ta/ Dân là Dân nước, nước là Nước Dân…/ Sông phía Bắc, bể phương Đông/ Nếu không Dân cũng là không có gì” – Đó là câu nói về sự bất khuất về người Việt trong mọi hoàn cảnh khó khăn của cụ Phan Bội Châu.
Trải mấy ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, Việt Nam ta từng bước qua hơn mười cuộc chiến tranh xâm lược sinh tử lớn nhất, hung bạo nhất đến từ mọi phía ở các thời đại. Dân tộc Việt Nam đều “đứng dậy rũ bùn sáng loà” để rồi giành nền độc lập tự chủ, giữ vững nền độc lập đó và khẳng định với đất trời rằng: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”.
Có thời đại nào của Việt Nam mà không được thành lập nên từ sức dân, không tạo nên bằng lòng dân và phát triển vì nhân dân. Trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào, người Việt cũng đều phải tự chủ “Đem sức ta mà giải phóng cho ta”, “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập”.
Còn nhớ, năm 1945 với 20 triệu đồng bào mà người Việt đã thực hiện cuộc bẻ gãy xiềng xích của hàng nghìn năm phong kiến, cắt bỏ hơn 80 năm đô hộ, quàng cổ của đám thực dân như một chấn động lịch sử.
Rồi đến hôm nay, cách đây hơn 1 tháng về trước, tạo cuộc họp Bộ Chính trị và các bộ, ban, ngành, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắn tin gửi lời kêu gọi toàn quân, toàn dân chính thức bước vào “thời chiến” – cuộc chiến chống “giặc” Covid-19. Kể từ thời điểm đó, tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị… đều hoạt động như “thời chiến”.
Trong tình hình dịch bệnh cấp bách này, Đảng và Nhà nước ta đã nhanh chóng kịp thời đưa ra những quyết sách đúng đắn và kịp thời. Chưa lúc nào lòng nhiệt tình của các lực lượng chức năng ở tuyến đầu chống dịch, những quyết tâm của hệ thống chính trị, của toàn dân, với tinh thần “mỗi người dân là một chiến sỹ trên mặt trận phòng chống dịch bệnh”, lại được thực hiện một cách nhanh chóng, hiệu quả đến như vậy.
Bài học về thế trận lòng dân của cha ông để lại và thế trận lòng dân trong suốt thời đại Hồ Chí Minh đến hôm nay lại được phát huy một cách nhanh chóng, được kế thừa và sáng tạo trong bối cảnh lịch sử như hiện nay.
“Tinh thần chống dịch như chống giặc”, để “không ai bị bỏ rơi lại phía sau” thể hiện thông qua những quyết sách kịp thời của Đảng, Chính phủ với các chủ trương, biện pháp đúng đắn, khơi gợi lên lòng yêu nước, sự đoàn kết và nghĩa đồng bào. Để cả nước cùng chung tay chống dịch trong sự đồng thuận hơn bất kỳ thời điểm nào.
Thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg về việc đẩy mạnh phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực chỉ đạo phát hiện nhanh, kiểm soát chặt chẽ nguồn lây bệnh, thực hiện nghiêm việc cách ly, chuẩn bị sẵn sàng phương án cách ly trên diện rộng.
Sau hai tuần thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 cho thấy, việc kiểm soát sự lây lan của bệnh dịch trong cộng đồng đã được cải thiện rõ rệt so với trước đây. Nhiều chuyên gia, chính quyền cơ sở và người dân đánh giá cao việc giãn cách xã hội và cho rằng, cần tiếp tục thực hiện phương án này để duy trì kết quả đã đạt được.
Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch được thành lập do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam làm trưởng ban, tiếp đến là thành lập ban chỉ đạo ở các ngành, các địa phương đến cơ sở.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ: “Nếu chúng ta chậm trễ, dịch bệnh sẽ hạ knock-out chúng ta; nếu chúng ta không kịp thời, không nhanh chóng thì dịch bệnh sẽ lây lan cấp số nhân, lũy thừa”.
Khi dịch bệnh xuất hiện, trong các tình thế khó khăn, thì các cấp, các ngành mỗi người dân đã nhanh chóng kịp thời san sẻ gánh nặng bằng hàng trăm, hàng ngàn việc làm ý nghĩa, nhân văn ở từng địa phương. Họ cùng với hàng ngàn y, bác sĩ, chiến sĩ quân đội, công an, cán bộ trực tiếp tham gia chống dịch ở tuyến đầu đã không quản ngày đêm kiên trì, bám trụ “trận địa”.
Có những con người vì đất nước mà sẵn sàng ăn vội bữa cơm, ngủ không đủ giấc, chỗ tạm nghỉ tạm bợ, để bảo vệ sức khoẻ người dân, nhường chỗ cách ly cho người dân. Sự hi sinh thầm lặng trong suốt thời điểm từ dịch bệnh xuất hiện ở Việt Nam đã truyền tới năng lượng sống cho các bệnh nhân, những người đang ở trong các khu vực cách ly và lan tỏa giá trị để mỗi người chúng ta, ai còn thờ ơ, đứng ngoài cuộc trong cuộc chiến chống Covid-19 phải thay đổi hành vi, đóng góp việc làm tích cực hơn.
“Toàn dân kháng chiến” một khẩu hiệu của đất nước cách đây hơn 40 năm đã giúp cho dân tộc Việt Nam “đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào”. Còn hôm nay, tinh thần đó đã chuyển sang những nghĩa cử cao đẹp là phong trào toàn dân ủng hộ tiền, thực phẩm cho các chiến sĩ, cho đồng bào khó khăn trên cả nước.
Theo báo cáo của Ủy ban MTTQ Việt Nam, đến nay, tổng số tiền, hàng tiếp nhận ủng hộ, đăng kí ủng hộ, tin nhắn ủng hộ qua Cổng thông tin nhân đạo quốc gia đã lên tới trên 900 tỷ đồng.
Nhưng cảm động hơn hết là hình ảnh về những mẹ liệt sĩ, những cụ già cao tuổi, các em học sinh,… đã dành dụm tiền tiết kiệm, cân gạo, con gà, quả đu đủ,… để ủng hộ hỗ trợ tại các khu cách ly.
Rồi các cô giáo, thầy giáo vừa dạy trực tuyến, vừa hỗ trợ cho các chiến sĩ bảo vệ tại trạm đo thân nhiệt từng địa phương bằng khẩu trang, mũ kính chắn giọt bắn hoặc tham gia phục vụ hậu cần tại các khu cách ly.
Chưa lúc nào mà thế trận lòng dân được khơi ngợi, mở rộng tại từng xóm, từng thôn, trong từng gia đình. Mỗi người đều có ý thức bảo vệ bản thân, người thân và thực hiện nghiêm túc chỉ thị của Chính phủ.
Thế trận lòng dân vốn là khái niệm chỉ trạng thái chính trị – tinh thần của xã hội, biểu hiện niềm tin, sự đồng thuận, sự cố kết của người dân đối với một chế độ chính trị xã hội nhất định.
Thực tế đó đã được chứng minh: khi nào lòng dân thuận thì nước mạnh, lòng dân ly tán thì nước yếu. Và hôm nay, thế trận đó lại được khơi gợi một lần nữa, một cách nhanh chóng, cấp thiết và cực kỳ hiệu quả.
Kết quả của công tác phòng chống dịch bệnh hôm nay, trong lịch sử của ngày mai sẽ được viết lên bởi chính là do người dân. Do chính những người đứng đầu bộ máy Chính trị, hệ thống Chính phủ đã lấy dân làm gốc, biết giữ vững vai trò trong tư tưởng của người dân là: “lấy dân làm gốc” và khẳng định rõ vai trò: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân, trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân. Phải dựa vào dân không được xa rời dân. Nếu không thế thì sẽ thất bại. Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn. Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết không ai chiến thắng được lực lượng đó.”
Xuất phát điểm đầu tiên mà thành công của công tác chống dịch bệnh Covid-19 của Việt Nam hôm nay được thế giới ghi nhận là đến từ việc tập hợp lực lượng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân là tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc và truyền thống đoàn kết của dân tộc ta.
Với lời hiệu triệu như tiếng gọi non sông “Toàn thể dân tộc Việt Nam ta hãy cùng chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch Covid-19!”. Trong tim người Việt hôm nay đều đang nghe thấy tiếng gọi của Tổ quốc đang gọi tên mình, mỗi cá nhân là một chiến sĩ trong cuộc “chiến tranh nhân dân kiểu mới”. Muôn triệu người như một và mỗi người dân đều có mệnh lệnh trước mặt trận đầy khó khăn này.
Đinh Lực
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả