86
topics
52798

Thế lực thù địch xuyên tạc về tình hình ở Tây Nguyên

12/07/2019 16:16

Ngày 11/7, mạng xã hội xuất hiện nhiều hình ảnh, bài viết chia sẻ về việc lực lượng Công an xuất hiện tại một số tỉnh tại Tây Nguyên để chống phản động Fulro. Cùng lúc, một số tài khoản Facebook cá nhân cũng chia sẻ thông tin này nhưng để “tố cáo” lực lượng Công an “cướp đất”.

Âm mưu xuyên tạc tình hình tại Tây Nguyên

Theo đó, các bài viết trên mạng xã hội đều xưng danh một người tên Lê Hòa, được cho là ở Đắk Lắk tố lực lượng Công an lợi dụng danh nghĩa chống Fulro để cướp đất của dân. Người này cũng thông tin rằng người dân Đắk Lắk đang phản đối vụ việc đền bù cho 1 mẫu đất chỉ với giá 3 triệu đồng thì bị Công an “đàn áp, bắt bớ”. Mặc dù chưa rõ cụ thể sự việc trắng đen ra sao, bài viết vẫn nhận được nhiều lượt chia sẻ, bình luận mang tính chỉ trích.

Thông tin mù mờ

Hiện nay, các phương tiện truyền thông chính thức chưa hề có bất kỳ một thông tin nào về việc có xảy ra tình trạng Fulro hoạt động trở lại tại Tây Nguyên cũng như công tác đối phó của các lực lượng vũ trang. Vậy nên, mọi hình ảnh, bài viết trên mạng xã hội đều có thể là những tin giả nhằm câu like, câu share,… hoặc vì những mục đích gây rối an toàn thông tin khác.

Chưa có cơ sở khẳng định sự việc, mọi hành vi phát tán thông tin, chia sẻ, bình luận vô căn cứ đều có thể trở thành hành vi vi phạm pháp luật về An ninh mạng Đây là điểm quan trọng mà tất cả mọi người cần chú ý. Chúng ta không nên tự đẩy mình và việc vi phạm pháp luật vì những thứ không rõ ràng, không đáng tin trên mạng xã hội như thế.

Mặt khác, với lời vu cáo “Công an cướp đất”, chúng ta hoàn toàn có thể nhận ra đây là một lời bịa đặt.

Thứ nhất, lực lượng Công an chưa từng cướp đất và chưa bao giờ nghĩ đến việc cướp đất! Thử động não mà xem, lực lượng Công an cướp đất để làm gì: Để xây nhà hay để trồng cây…? Đã không ít lần lực lượng Công an bị “gán” cho cái mác cướp đất nhưng thực chất đằng sau những vụ việc như thế, lực lượng này chỉ làm công tác đảm bảo an ninh trật tự. Trên thực tế, ở những dự án, công trình triển khai có cưỡng chế đất đai, mọi người thấy sự xuất hiện của lực lượng Công an nhưng lực lượng này chỉ bảo đảm an toàn, an ninh khu vực mà hoàn toàn không sử dụng cũng như sở hữu phần đất đai thi công. Chưa nói đến việc thi công, triển khai công trình trên đất là đúng hay sai, nhưng chắc chắn việc lực lượng Công an phải duy trì đảm bảo an ninh trật tự là cần thiết. Nếu không có lực lượng Công an, khả năng xảy ra gây rối, đập phá tài sản, đánh người gây thương tích là rất cao. Mà nếu xảy ra những sự việc đó thì chính người dân chịu thiệt hại chứ không phải ai khác. Là lực lượng Công an đang bảo vệ an toàn cho người dân chứ không phải “đàn áp”.

Thứ hai, lực lượng Công an không bao giờ bắt người vô cớ! Trong thông tin được chia sẻ trên mạng, có thông tin cho rằng lực lượng Công an lấy cớ chống phản động để bắt người. Điều này là vô lý. Bởi lẽ, bắt người là biện pháp ngăn chặn có quy định rất rõ ràng trong các văn bản pháp luật của Nhà nước. Một người chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, không có hành vi đe dọa đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội sẽ không bao giờ bị bắt. Hoặc, nếu bị “bắt oan” thì hoàn toàn có quyền khiếu nại, tố cáo và sẽ được bồi thường. Lực lượng Công an là lực lượng thực thi pháp luật, hơn ai hết sẽ rất hiểu và chấp hành nghiêm những quy định của pháp luật.

Thứ ba, lực lượng Công an ra quân đảm bảo an ninh trật tự phải có kế hoạch của cấp có thẩm quyền. Rõ ràng, sự việc tại Đắk Lắk lần này còn chưa có thông tin từ phía Bộ Công an, hay Công an địa phương các tỉnh Tây Nguyên thì lấy đâu ra thông tin mà các cá nhân trên mạng xã hội phát biểu? Nếu được chọn, một người thông minh sẽ tiếp cận thông tin từ phía cơ quan chức năng thay vì các cá nhân không rõ danh tính trên mạng xã hội.

Âm mưu gây rối

Mọi thông tin xuyên tạc về vấn đề đất đai, hoạt động của Công an, quân đội,… đến cùng cũng đều nhằm mục đích kích động người dân biểu tình, gây rối…

Trong quá khứ, bạo loạn Tây Nguyên xảy ra hai năm 2001, 2004 cũng là do xuất phát từ những nhận thức sai lệch của người dân về chính sách, pháp luật cũng như hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước. Đằng sau, một loạt các đối tượng tung tin giả nhằm gây rối tình hình, đánh lừa dư luận…

Vụ việc xuyên tạc về Tây Nguyên lần này rất có thể là một thủ đoạn nhằm gây rối tình hình an ninh, trật tự tại Tây Nguyên thêm một lần nữa của các thế lực thù địch. Sự việc trắng đen rõ ràng rất dễ thấy. Quan trọng là trước mỗi thông tin, mỗi người cần bình tĩnh suy xét và nhìn nhận một cách khách quan. Hãy lên tiếng khi mọi thứ rõ ràng, hãy hành động khi biết được sự đúng đắn. Ở đây, hãy hành động, lên tiếng để đẩy lùi những thông tin mù mờ, sai sự thật đang được lan truyền về tình hình Tây Nguyên.

(Theo Bút Danh)

Đọc nhiều