The Diplomatic Society: Đại hội XIII và 35 năm thành tựu Việt Nam
Vừa qua, trang The Diplomatic Society của Nam Phi đã đăng tải bài viết đánh giá cao thành tựu 35 năm phát triển mang tính đổi mới sáng tạo của Việt Nam, đồng thời đưa tin về Đại hội Đảng XIII của Việt Nam đang diễn ra tại Hà Nội.
Theo The Diplomatic Society, Đại hội XIII của Việt Nam đang diễn dựa trên ghi nhận thực tế rằng nhân dân là trung tâm của câu chuyện phát triển thành công tại Việt Nam.
Bài viết nhấn mạnh năm 2020 có thể coi là năm thách thức nhất trong quá trình chuẩn bị cho Đại hội XIII. Đại dịch Covid-19 lan rộng trên thế giới, ảnh hưởng đến sức khỏe của phần lớn thế giới, ảnh hưởng đến hoạt động của xã hội, thậm chí dẫn đến tình trạng đình trệ ở nhiều nơi. Đây được xem là năm khủng hoảng trầm trọng nhất trong lịch sử thế giới.
Trong bối cảnh đó, phản ứng của Việt Nam đối với đại dịch đã được Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá cao do đã hành động khẩn cấp nhằm giảm thiểu số ca lây nhiễm và tử vong, dù Việt Nam có chung biên giới với Trung Quốc, nơi phát sinh ra Covid-19.
Với vai trò chủ chốt của Đảng trong việc mở rộng, tăng cường quan hệ quốc tế và phát triển các quan hệ đối tác mới thông qua các diễn đàn song phương và đa phương khác nhau đã nâng cao vị thế toàn cầu của Việt Nam trong những năm gần đây.
Việt Nam được xếp hạng trong nhóm 10 quốc gia phát triển nhanh nhất trên thế giới trong 5 năm qua và là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất. Năm 2020, nền kinh tế Việt Nam đã tạo ra hơn 8 triệu việc làm mới và thu nhập bình quân tăng gần 145%.
Hơn nữa, Việt Nam cũng được công nhận là trở thành một “trung tâm sản xuất” ở châu Á-Thái Bình Dương với quy mô nền kinh tế lớn thứ tư ở Đông Nam Á.
Theo bài viết, Đại hội XIII sẽ định hình khuôn khổ và phương hướng phát triển của Việt Nam trong 5 năm tới và ban lãnh đạo mới được bầu có nhiệm vụ tổ chức thực hiện các quyết định của Đại hội XIII. Một trong những nhiệm vụ chủ chốt này là khai thác lợi thế của bờ biển dài 3.260 km với 44 cảng biển để thúc đẩy Việt Nam trở thành một quốc gia hàng hải quan trọng vào năm 2030.
Kết thúc bài viết, The Diplomatic Society khẳng định khi tính tự lực của một quốc gia trở thành trung tâm đối với sự thịnh vượng của quốc gia đó, thì ý thức này cũng cộng hưởng với ý thức tự lực, tự cường của từng công dân.
Việc thay đổi thói quen tiêu dùng, đa dạng trong kết nối, giao tiếp và tiếp cận thông tin đang dẫn đến các cơ chế trao đổi tiền tệ tích hợp và tạo ra các dòng doanh thu sáng tạo hình thành từ các nền tảng và ứng dụng kỹ thuật số mang tính đột phá. Điều này được ghi nhận rõ ràng trong các dự thảo văn kiện và là dấu hiệu tốt cho thấy sự chuẩn bị sẵn sàng của Việt Nam đối với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đầy mới mẻ.
Bảo Trâm (Lược dịch theo The Diplomatic Society)