Thầy giáo mặc áo dài đi dạy, tại sao không?
Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam mặc áo dài đã để lại những ấn tượng đẹp cho người nước ngoài. Nhưng trang phục này đâu chỉ dành riêng cho phái nữ.
Những năm gần đây, vào dịp lễ tết, chúng ta thường bắt gặp những hình ảnh đẹp khi trẻ em và đấng mày râu cũng mặc những chiếc áo dài “lung linh sắc màu” trên đường phố, ở các điểm du lịch, khu vui chơi…
Tham quan phố đi bộ Nguyễn Huệ, Nhà Văn hóa Thanh niên, Khu cảnh đồi – Phú Mỹ Hưng (TP.HCM)… , điều ấn tượng nhất, đẹp nhất trong tôi là hình ảnh nam giới và trẻ em khoác trên mình chiếc áo dài. Có những gia đình, cả bốn thành viên du xuân đều mặc áo dài. Nhìn hình ảnh ấy, tôi thích thú và rất đỗi tự hào.
Trẻ em mặc áo dài trông thật ngây thơ và đáng yêu. Với nam giới, áo dài vừa đẹp vừa lịch lãm.
Trong các cuộc thi sắc đẹp thế giới, đâu chỉ phái đẹp chọn trang phục áo dài mà các “nam vương” cũng tự tin mặc trang phục này.
Thời đại văn minh, hiện đại, chiếc áo dài càng được tôn vinh để tạo nên nét đẹp riêng của người Việt Nam. Áo dài không chỉ làm toát lên ở vẻ đẹp dịu dàng, nữ tính cho phụ nữ mà còn thể hiện vẻ lịch lãm cho nam giới. Chính vì thế, trong những dịp lễ hội nào đó hay trong điều kiện cho phép, nam giới cũng nên mặc áo dài để lan tỏa nét đẹp này.
Trước hết nên khuyến khích thầy giáo mặc áo dài trong những điều kiện cho phép. Bài viết Thầy giáo nhiều năm mặc áo dài đi dạy trên báo chí rất thú vị. Có nhiều điều kiện phù hợp để thầy Hồ Minh Quang,Trưởng khoa Đông Phương học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, mặc áo dài trên giảng đường, trước hàng trăm sinh viên. Hình ảnh này cần được khuyến khích ở trường học, nhất là giáo viên dạy THPT và giảng viên đại học.
Trong điều kiện thoải mái nhất nên khuyến khích nam giáo viên có thể mặc áo dài đến trường vì môi trường sư phạm chính là nơi “truyền cảm hứng” hiệu quả nhất đối với thế hệ trẻ. Hình ảnh này lúc đầu có thể chưa quen với nhiều người nhưng lâu dần sẽ trở nên quen thuộc và thú vị.
PV/TN