Thấy gì từ chuyến thăm của Tổng thống Marcos Jr
Ngày 29/1/2024, Tổng thống Philippines Ferdinand Romualdez Marcos Jr. và Phu nhân đã đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước đang phát triển mạnh mẽ, nhưng cũng cần xét đến đường lối bang giao của Tổng thống Marcos, đặc biệt là các vấn đề trên Biển Đông.
Khẳng định quan hệ Đối tác chiến lược
Nhìn lại lịch sử quan hệ Việt Nam – Philippines, hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 12/7/1976. Đến ngày 17/11/2015, hai bên đã chính thức trở thành Đối tác Chiến lược. Có thể nói, gần 30 năm phát triển quan hệ ngoại giao là một quá trình dài, trong đó đã trải qua không ít những thăng trầm. Nhưng trên hết, tình hữu nghị và hợp tác vẫn là những gì đọng lại sau cùng.
Trong những phát biểu của mình, ông Marcos luôn khẳng định coi Việt Nam là một đối tác quan trọng trong khu vực và cam kết thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực. Dù người ta có thể cho rằng các tuyên bố về quan hệ ngoại giao thường mang tính lễ nghi nhưng không thể phủ nhận rằng Philippines vẫn là một đối tác lớn của nước ta tại khu vực.
Quốc đảo này là nhà nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. Vào tháng 8/2023, trong chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Philippines, Thủ tướng Phạm Minh Chính từng cam kết sẽ mở rộng hợp tác thương mại gạo, xóa bỏ một số rào cản và tương hỗ về an ninh lương thực. Nói cách khác, an ninh lương thực vẫn sẽ luôn sẽ một trong những chất keo kết dính hai nước, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến nền nông nghiệp toàn cầu và đe dọa sự sống của nhiều người trên trái đất.
Thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực
Chuyến thăm của Tổng thống Marcos Jr. đã góp phần thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực, trong đó có kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch, văn hóa, giáo dục, y tế, an ninh, quốc phòng.
Về kinh tế, thương mại, hai bên đã ký kết một số thỏa thuận quan trọng, trong đó có Bản Ghi nhớ Hợp tác về phát triển kinh tế – thương mại, đầu tư, du lịch, nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp, khoa học và công nghệ. Hai bên cũng nhất trí tăng cường trao đổi đoàn, thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước.
Về văn hóa, giáo dục, y tế, hai bên đã ký kết Bản Ghi nhớ Hợp tác về phát triển văn hóa, giáo dục, y tế. Hai bên cũng nhất trí tăng cường trao đổi sinh viên, giáo viên, chuyên gia, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe.
Về an ninh, quốc phòng, hai bên đã trao đổi về tình hình Biển Đông, nhất trí tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực.
Vấn đề Biển Đông
Chuyến thăm của Tổng thống Marcos Jr. được dự đoán sẽ đề cập đến vấn đề Biển Đông. Dưới thời người tiền nhiệm Rodrigo Duterte, khuynh hướng xích lại gần Trung Quốc của ông khiến mối quan hệ của Philippines với đồng minh lâu năm Mỹ có nhiều chuyển biến xấu. Thế nhưng, Tổng thống Marcos Jr. thể hiện một lập trường có phần trái ngược.
Ngay từ khi nhậm chức, ông Marcos Jr. đã nỗ lực hàn gắn những rạn nứt trong mối quan hệ với Mỹ. Tuy nhiên, cùng với đó là những biến cố leo thang căng thẳng trên Biển Đông với Trung Quốc, điển hình là các vụ việc giữa tàu Hải cảnh Trung Quốc và tàu tiếp tế Philippines ở Bãi cạn Scarborough. Những chuỗi sự việc này phản ánh ông Marcos Jr. đang thể hiện một lập trường cứng rắn với Trung Quốc về vấn đề chủ quyền trên biển.
Tuy nhiên, điều này cũng có thể làm dấy lên lo ngại về lập trường của ông đối với các tranh chấp với Việt Nam ở Trường Sa. Quả thực, người ta dễ dàng xâu chuỗi các hành động và cho rằng nếu Philippines cứng rắn với một bên thì cũng sẽ cứng rắn với bên khác. Lập luận này xem ra có cái lý của nó.
Tuy nhiên, ở phương diện ngoại giao và nhất là trong kỷ nguyên “coopetition” – từ ghép giữa cooperation và competition ám chỉ sự cân bằng giữa hợp tác và cạnh tranh – sự cứng rắn trên một phương diện thường không phản ánh đầy đủ mối quan hệ giữa hai nước.
Một mặt, cương quyết với các tuyên bố chủ quyền trên biển của mình không có nghĩa Philippines đối đầu với Trung Quốc về mọi mặt. Trung Quốc vẫn là nhà nhập khẩu lớn nhất của Philippines. Tổng thống Marcos Jr. cũng đã nhấn mạnh quan hệ của Philippines với Trung Quốc, đồng thời bày tỏ mong muốn xây dựng quan hệ tốt đẹp với cả Mỹ và Trung Quốc.
Tương tự, với Việt Nam, Philippines chắc chắn sẽ đặt lên bàn cân lợi – hại và tính nhạy cảm của vấn đề này, nhất là khi họ đang cần mở rộng mối quan hệ thương mại và dù có hàn gắn quan hệ, Philippines cũng không còn mặn mà với việc dựa dẫm vào một đồng minh trong vấn đề chủ quyền.
Chưa kể, trước các yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc, Philippines và Việt Nam có chung một mối bận tậm và đồng quan điểm về Công ước UNCLOS 1982. Việc cân bằng các mối quan hệ và cộng hưởng để gia tăng tiếng nói trong khu vực vẫn là lựa chọn tốt nhất hiện tại cho nhiều bên.
Chuyến thăm của Tổng thống Marcos Jr. đến Việt Nam là một dấu ấn quan trọng trong quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước. Chuyến thăm đã góp phần tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực, đồng thời thể hiện sự điều chỉnh trong chính sách đối ngoại của Philippines đối với Biển Đông.
Hạnh Văn