Thay đổi một buổi sáng, thức tỉnh cả bộ máy

12/07/2025 07:06

“Thứ Sáu, cán bộ đi đánh golf rồi, doanh nghiệp chờ rất khổ.” Một lời kể tưởng như vặt vãnh nhưng lại đập thẳng vào điểm yếu nhức nhối của bộ máy công quyền – sự thiếu trách nhiệm trong những thời khắc người dân cần nhất. Tại một hội nghị đối thoại doanh nghiệp cuối tháng 5, phát ngôn ấy vang lên không phải như lời đồn đoán mà như một cáo trạng từ thực tiễn. Một lát cắt nhỏ nhưng phơi bày rõ ràng một phần căn bệnh: công quyền xa dân, thờ ơ, và đôi khi quên mất lý do tồn tại của mình.

Tổng Bí thư khảo sát mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp tại TP Hồ Chí Minh.

Nhưng ngay sau lát cắt lặng lẽ của chiều Thứ Sáu, một lát cắt khác bắt đầu định hình: Thứ Bảy, nhiều địa phương chủ động mở cửa, bố trí cán bộ làm thêm, tiếp nhận và giải quyết hồ sơ cho người dân và doanh nghiệp. TP.HCM, Đồng Tháp, Lạng Sơn, Bắc Ninh… đều đã có bước đi đầu tiên. Không rầm rộ, không khẩu hiệu, chỉ đơn giản là hành động. Và điều đáng nói là: họ không đợi lệnh.

Đó không phải sự tự phát. Đó là sự lan tỏa từ tinh thần điều hành của Chính phủ hiện nay: hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả. Một chính quyền hai cấp – sau sắp xếp lại địa giới hành chính – không chỉ cần gọn về đầu mối mà còn phải gọn trong hành động. Gọn, nhưng phải bén. Sát dân, sát việc. Không có chuyện “ngồi đó, chờ dân tìm đến”, mà là “tìm đến dân, hỏi dân cần gì, rồi làm cho đến nơi đến chốn”.

Tinh thần ấy được thể hiện nhất quán từ Thủ tướng Chính phủ trong các hội nghị giao ban đến phát biểu chỉ đạo, nhưng đặc biệt là từ Tổng Bí thư Tô Lâm – người nhiều lần nhấn mạnh “phải phục vụ đến khi dân hài lòng mới thôi”. Với tinh thần đó, không có chỗ cho cán bộ “ngồi mát ăn bát vàng”, càng không thể có những chiều Thứ Sáu thảnh thơi trên sân golf trong khi hồ sơ doanh nghiệp đang tắc nghẽn vì thiếu một chữ ký.

Chính quyền hai cấp không chỉ là sự thay đổi về hình thức. Nó là một bước chuyển đổi trong tư duy tổ chức hành chính. Nếu ở mô hình cũ, vẫn còn tình trạng đùn đẩy, né trách nhiệm giữa cấp huyện và cấp xã, thì mô hình mới buộc chính quyền cấp xã – cấp gần dân nhất – phải chủ động giải quyết trực tiếp hàng nghìn thủ tục hành chính. Điều này đòi hỏi không chỉ cán bộ nắm chắc nghiệp vụ, mà còn phải có tinh thần dấn thân, biết lắng nghe, giải quyết rốt ráo, không né tránh, không đẩy khó cho dân.

Việc một số nơi bắt đầu mở cửa hành chính vào Thứ Bảy, không phải là cử chỉ lấy điểm. Nó là sự đối chiếu thẳng thắn giữa hai mảng màu đối lập: sự uể oải, thiếu trách nhiệm từng tồn tại với chuyển động mới, chủ động hơn, gần dân hơn. Có thể chưa đồng bộ, có thể chưa đủ sâu, nhưng đó là tín hiệu rằng bộ máy vẫn còn khả năng thay đổi nếu được đặt dưới đúng áp lực – từ dân, từ thực tiễn, và từ sự dẫn dắt của người đứng đầu.

Thứ Bảy làm thêm chưa chắc là cải cách sâu rộng. Nhưng nó có thể là khởi đầu của một nếp hành chính mới – nơi chính quyền không lấy giờ giấc làm giới hạn, mà lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo cuối cùng.

Giữa hai thái cực – Thứ Sáu xa dân, Thứ Bảy gần dân – chính quyền chọn thái độ nào sẽ quyết định họ thuộc về quá khứ hay đang tiến đến tương lai. Và nếu sự chuyển động ấy được tiếp nối, được thể chế hóa bằng những cơ chế bảo vệ người làm thực, sàng lọc kẻ lười nhác, thì đó mới thực sự là thành công của chính quyền hai cấp: một bộ máy gọn mà không gãy, sát dân nhưng không lùi bước trước yêu cầu đổi mới. Một chính quyền không chỉ đổi tên, mà thực sự đang thay đổi.

Ngọc Lâm 

Đọc nhiều