Sau 14 ngày áp dụng Chỉ thị 16, các chiến lược chống dịch tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam tiếp tục có nhiều thay đổi để khắc phục hạn chế, siết chặt các biện pháp trong 2 tuần tới.
Hàng nghìn xe máy chằng chéo đồ đạc nối đuôi nhau chạy trên quốc lộ. Những đứa trẻ gật gù dựa lưng mẹ cha, mặt bện lớp bụi đường. Chiếc lều dựng tạm giữa chặng đường về quê. Đó là những hình ảnh được chia sẻ suốt tuần qua về hành trình hồi hương gian truân của những người rời tâm dịch TP.HCM, Bình Dương… để về các tỉnh, thành phố khác. Dịch bệnh bùng phát và cách ly xã hội khiến khu vực đầu tàu kinh tế của cả nước – Vùng TP.HCM – đóng băng, buộc những người lao động tha hương phải trở về khi không còn lựa chọn.
Đó là nhu cầu chính đáng của người dân, theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, nhưng ông cũng nhìn nhận tình trạng này làm lộ ra bất cập lớn trong công tác chống dịch tại các tỉnh phía Nam: Thực hiện chưa nghiêm Chỉ thị 16.
Trong khi các chính sách chống dịch đều được đánh giá đi đúng hướng, tổ chức thực hiện là bất cập lớn nhất được chỉ ra trong 2 tuần qua. Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng việc thực hiện Chỉ thị 15, 16 còn “có lúc chập chờn”, thậm chí trì trệ. Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ trưởng tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, cũng đánh giá nhiều giải pháp chống dịch mới chỉ ở “trên giấy”, chưa ra tới thực địa.
Tối 31/7, công điện mới của Thủ tướng được ban hành yêu cầu kéo dài thời gian cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 tại các tỉnh, thành phố phía Nam thêm 14 ngày với thông điệp cứng rắn “ai ở đâu ở đấy”, người dân không di chuyển khỏi tỉnh, thành phố nơi cư trú sau ngày 31/7. Sau 2 tuần, nhiều chiến lược chống dịch một lần nữa được thay đổi theo chiều hướng mạnh mẽ hơn, đặc biệt tại TP.HCM – nơi số ca nhiễm vượt 94.000 (tính đến 1/8).
Một địa bàn, hai chiến lược
Khu rừng đang cháy là phép ẩn dụ được nhiều lãnh đạo Chính phủ sử dụng để miêu tả về tình hình dịch tại TP.HCM và 18 tỉnh, thành phố phía Nam thời gian qua. Từ chiến lược dập từng “đốm lửa nhỏ” là các chùm ca bệnh, Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch chuyển sang khoanh vùng rộng các “đám cháy”, phong tỏa hẹp để dập dịch, và bổ sung thêm mục tiêu bảo vệ các vùng còn an toàn.
Từ chiến lược dập từng “đốm lửa nhỏ” là các chùm ca bệnh, chuyển sang khoanh vùng rộng các “đám cháy”
Đỏ – cam – vàng – xanh trở thành những thuật ngữ mới trong công tác chống dịch để phân nhóm nguy cơ, phân tầng biện pháp. 4 màu sắc biểu thị cho 4 mức: Nguy cơ rất cao – đỏ; nguy cơ cao – cam; nguy cơ – vàng; và bình thường mới – xanh.
Ngay từ khi áp dụng Chỉ thị 16 tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, người được Thủ tướng phân công chỉ đạo chống dịch tại đây, đã chia 19 địa phương này thành 2 nhóm: Nhóm dịch lây nhiễm cao, lây lan rộng (TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An); và nhóm dịch còn ít, tương đối an toàn (khu vực còn lại).
Cùng là địa bàn đang áp dụng Chỉ thị 16 nhưng mỗi nhóm có chiến lược khác nhau. Nhóm thứ hai mục tiêu là giảm F0 như hầu hết tỉnh thành có dịch trên cả nước. Còn nhóm thứ nhất, mục tiêu cao nhất là giảm số ca tử vong.
Trong chuyến làm việc với nhiều tỉnh, thành phố, ông Đam thúc đẩy các tỉnh ở nhóm 2 khẩn trương mở rộng vùng xanh nhằm hình thành vành đai xung quanh TP.HCM, tạo phòng tuyến an toàn để sớm quay trở lại chi viện cho thành phố. Bởi lẽ, việc dập dịch hoàn toàn ở TP.HCM có thể mất hàng tháng, theo đánh giá của ông Đam.
Nguyên tắc không đổi với cả hai nhóm là áp dụng các biện pháp “sớm hơn một bước, cao hơn một mức” và kiên trì thực hiện ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị tích cực. Khu vực ít ca nhiễm phải truy vết đến cùng, thậm chí F2, F3; nơi nhiều ca nhiễm thí điểm cách ly F0, F1 tại nhà an toàn.
Hệ thống giám sát cộng đồng được chia 2 lớp: Mạng lưới thầy thuốc hỗ trợ qua mạng và lực lượng giám sát từng khu dân cư
Riêng khu vực đỏ toàn vùng như TP.HCM cần một cách tiếp cận khác. Sau khi trao đổi và thống nhất với Thủ tướng, ông Đam cho biết TP.HCM sẽ tập trung vào 3 thay đổi chính: Tiếp tục giãn cách xã hội để giảm lây lan; chăm lo cho người dân qua hệ thống chính quyền và lực lượng thiện nguyện; xây dựng hệ thống giám sát y tế cộng đồng để hỗ trợ người dân ngay khi cần thiết.
Riêng hệ thống giám sát cộng đồng được chia 2 lớp: Mạng lưới thầy thuốc hỗ trợ từ xa qua mạng; và lực lượng giám sát từng khu dân cư. TP.HCM cũng sẽ hướng dẫn người dân tự lấy mẫu xét nghiệm để giảm tải cho đội ngũ y tế đang ngày càng đuối sức sau hơn 3 tháng căng mình chống dịch.
Thay đổi quan điểm về F0
Trong suốt 2 năm kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, ngành y tế luôn kiên định với quan điểm coi F0 là bệnh nhân và tất cả phải được nhập viện điều trị. Khi số ca nhiễm tại TP.HCM gần chạm ngưỡng 4.000, một số chuyên gia dịch tễ đưa ra đề xuất xem xét cách ly F0 tại nhà để giảm áp lực cho ngành y tế. Khi đó, Sở Y tế TP.HCM nhiều lần nhấn mạnh chưa có chủ trương này.
Việc cách ly F0 tại nhà chính thức được áp dụng khi số ca nhiễm tại TP.HCM vượt ngưỡng 16.000
Thế nhưng, chưa đầy nửa tháng sau, chính sách cách ly F0 tại nhà chính thức được áp dụng khi số ca nhiễm tại TP.HCM vượt ngưỡng 16.000, gây quá tải cho hệ thống y tế.
Ngày 20/7, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam lần đầu đưa ra quan điểm coi F0 chưa có triệu chứng chưa phải bệnh nhân.
Qua theo dõi, ngành y tế đánh giá 70-80% F0 không có triệu chứng hoặc tự khỏi sau một thời gian. Nhóm này chỉ cần được cách ly để không lây nhiễm ra cộng đồng và tăng cường sức khỏe sẽ tự khỏi bệnh. Việc kết hợp sử dụng thuốc đông y phối hợp với tây y để tăng sức đề kháng cho F0, F1 cũng chính thức được triển khai.
Thay đổi trong quan điểm về F0 kéo theo những thay đổi trong công tác điều trị. Mục tiêu cao nhất là giảm số ca tử vong, đặc biệt tại điểm nóng như TP.HCM. Đồng thời, bảo vệ thành trì cuối cùng và quan trọng nhất trong chống dịch – lực lượng y tế.
Bộ Y tế chia 3 tầng điều trị, riêng TP.HCM phân thành 3 tầng 5 lớp điều trị. Mỗi lớp được phân công chăm sóc, điều trị các nhóm bệnh nhân từ không triệu chứng, có triệu chứng, triệu chứng nhẹ, triệu chứng nặng đến nguy kịch. Mục tiêu chung của mỗi tầng là giảm tỷ lệ F0 trở nặng, phải chuyển lên tuyến trên.
Bộ Y tế hỗ trợ TP.HCM thiết lập thêm 3 trung tâm hồi sức. Lực lượng y tế tư nhân được huy động triệt để
Cùng với đó, Bộ Y tế liên tục hỗ trợ TP.HCM thiết lập thêm 3 trung tâm hồi sức để điều trị bệnh nhân nặng, bên cạnh Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP.HCM với quy mô 1.000 giường đã được xây dựng trước đó.
Ba trung tâm này gồm: Bệnh viện Hồi sức Covid-19 500 giường tại TP Thủ Đức do Bệnh viện Việt Đức phụ trách. Trung tâm Hồi sức tích cực tại Bệnh viện dã chiến số 16 do Bệnh viện Bạch Mai phụ trách; và Trung tâm Hồi sức 500 giường tai Bệnh viện dã chiến số 13 do Bệnh viện Trung ương Huế đảm nhiệm.
Lực lượng y tế tư nhân cũng được huy động triệt để. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhiều lần dành thời gian làm việc với các bệnh viện tư. Ông kêu gọi tất cả bệnh viện, không phân biệt lớn hay nhỏ, công hay tư và đội ngũ y, bác sĩ cùng tham gia chống dịch với tinh thần khẩn trương nhất để chạy đua với thời gian, hạn chế số ca tử vong đang ngày càng tăng tại TP.HCM.
Ngày 1/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục có văn bản hỏa tốc đề nghị các tỉnh, thành phố tăng cường nhân lực y tế chống dịch để hỗ trợ các địa phương có ca nhiễm cao như TP.HCM và một số tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang…
Chuyển hướng tiêm vaccine
Trong cuộc làm việc với TP.HCM hôm 20/7, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ Y tế và lãnh đạo TP.HCM cùng thống nhất quan điểm tiêm vaccine theo đối tượng thay vì theo vùng, đồng thời, các khu vực phong tỏa sẽ được triển khai tiêm sau.
TP.HCM đặt mục tiêu trong tháng 8 cơ bản tiêm phủ 2/3 người trên 18 tuổi và dự kiến cần khoảng 5 triệu liều vaccine
Tuy nhiên, những ngày đầu của đợt tiêm thứ 5 tại TP.HCM cho thấy tiến độ quá chậm. 5 ngày kể từ khi bắt đầu, tốc độ chỉ đạt 60% kế hoạch. Yêu cầu mới được cả Chính phủ và Bộ Y tế đặt ra là TP.HCM phải đẩy nhanh việc tiêm vaccine, đặc biệt trong bối cảnh lượng lớn vaccine sẽ sớm về nước thời gian tới.
Ngày 30/7, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết sẽ giao TP.HCM lập kế hoạch tiêm vaccine nhanh nhất có thể. Đồng thời, thay vì tiêm theo đối tượng như trước đây, thành phố sẽ tiêm theo cụm với mong muốn đẩy nhanh tiến độ, sớm đạt miễn dịch cộng đồng.
Cùng ngày, lãnh đạo TP.HCM cho biết sẽ mở rộng đối tượng tiêm vaccine Covid-19 ra tất cả người dân trên 18 tuổi sinh sống tại TP.HCM, không cần có hộ khẩu. TP đặt mục tiêu trong tháng 8 cơ bản tiêm phủ 2/3 người trên 18 tuổi tại thành phố và dự kiến cần khoảng 5 triệu liều vaccine để đạt tiến độ này.
Từ nhiều tuần nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ Y tế liên tục khẳng định dành ưu tiên cao nhất cho TP.HCM trong phân bổ vaccine. Thực tế, đợt tiêm vaccine thứ 5, TP.HCM cũng là địa phương được phân bổ nhiều vaccine nhất cả nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định cuộc chiến đấu chống dịch Covid-19 còn trường kỳ, vất vả
Ngày 30/7, một lần nữa, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam “tha thiết” kêu gọi các địa phương “nhường một phần vaccine cho TP.HCM tiêm trước” để sớm đạt miễn dịch cộng đồng với tinh thần cả nước hướng về TP.HCM. Như vậy, TP.HCM sẽ kêu gọi người lao động ngoại tỉnh ở lại tiêm vaccine. Sau đó, thành phố có thể tổ chức cho công nhân đi làm, lao động trong trạng thái “bình thường mới”.
Thống nhất với quan điểm này, Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi các địa phương trên cả nước chia sẻ, ưu tiên vaccine cho TP.HCM, Hà Nội và một số tỉnh nhiều khu công nghiệp.
Sau 14 ngày áp dụng Chỉ thị 16 tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định cuộc chiến đấu này còn trường kỳ, vất vả. Người đứng đầu Chính phủ một lần nữa nhắc nhở các địa phương nguyên tắc phòng ngừa là cơ bản, là chiến lược, cộng với vaccine và ý thức của người dân, các biện pháp công nghệ thì mới thích ứng với điều kiện chống dịch trong tình hình mới.
Thu Hằng