Thay đổi cách tính GDP có thay đổi được chất lượng tăng trưởng?

15/12/2019 10:00

Một số ý kiến cho rằng, cách tính GDP mới về cơ bản chỉ thay đổi các chỉ số, còn bản chất của nền kinh tế cũng như mức sống của người dân không thay đổi. Tổng cục Thống kê cho rằng, quan điểm này là chưa đúng.

Ảnh minh họa

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê – TS Nguyễn Bích Lâm, kết quả đánh giá lại quy mô GDP tác động đến các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của nền kinh tế, tạo ra mức tăng đáng kể trong tổng giá trị GDP và GDP bình quân đầu người, từ đó tác động đến định hướng phát triển kinh tế – xã hội do tốc độ tăng trưởng kinh tế qua các năm có sự thay đổi rất nhỏ. Từ những chỉ số này, sẽ là công cụ để Chính phủ có những điều tiết kịp thời, đảm bảo các chỉ số tăng trưởng GDP, CPI, lạm phát được kiểm soát.

Cũng theo TS Nguyễn Bích Lâm, đánh giá lại quy mô GDP tác động đến các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của nền kinh tế, tạo ra mức tăng đáng kể trong tổng giá trị GDP và GDP bình quân đầu người, từ đó tác động đến định hướng phát triển kinh tế – xã hội trong các giai đoạn tiếp theo. Sự gia tăng GDP bình quân đầu người có thể dẫn đến sự thay đổi trong mô hình tiêu dùng hộ gia đình do ước tính mức sống cao hơn hoặc đạt nhanh hơn đến mức quốc gia có thu nhập trung bình cao.

Ông Robert Dippelsman – Phó trưởng phòng thống kê của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng, hiện nay việc rà soát, cập nhật số liệu thống kê về GDP là một việc làm bình thường. Đặc biệt là với các quốc gia đang phát triển và có tốc độ thay đổi nhanh như Việt Nam thì việc thống kê và rà soát lại GDP là rất cần thiết. Hiện nay tất cả các quốc gia trên thế giới đều cần phải rà soát đánh giá lại tốc độ tăng trưởng GDP của mình. Đối với một quốc gia có tốc độ thay đổi nhanh như Việt Nam thì việc này sẽ khó khăn hơn.

Đánh giá về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, các chuyên gia Việt Nam và quốc tế đều ghi nhận nỗ lực vượt bậc của Việt Nam và những nỗ lực đó của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

IMF cho rằng, Việt Nam cùng 4 nền kinh tế khác trong khu vực Đông Nam Á nằm trong top 20 nền kinh tế đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2019. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đánh giá tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2019 đạt 6,8%; Ngân hàng Standard Chartered dự báo tăng 6,9% năm 2019 và duy trì đến năm 2021.

Ngân hàng Phát triển châu Á tiếp tục lạc quan về triển vọng kinh tế VN, theo dự báo mới nhất của ADB, tăng trưởng GDP của VN năm 2019 đạt 6,9%, trong năm 2020 đạt 6,8%, tăng 0,1% so với dự báo của chính ADB hồi tháng 9 năm nay.

TS Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế Xã hội Quốc gia nhận định: Kinh tế 2019 vẫn trên đà phát triển tích cực, kinh tế vẫn giữ được mức tăng trưởng tốt. Những nỗ lực của Chính phủ trong cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ kiến tạo đã tạo niềm tin và sự phấn khởi trong cộng đồng doanh nghiệp.

(Theo LDO)

Đọc nhiều