Thay đổi biểu giá bán lẻ điện: Cần thiết và cấp bách
Trong bối cảnh nguồn năng lượng sơ cấp tại Việt Nam đã cạn kiệt, nguồn nhiên liệu phải nhập khẩu thì cơ chế giá điện cũng cần điều chỉnh cho phù hợp.
Dự thảo mới không có nhiều thay đổi so với phương án đã được đưa ra để lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương trước đây, khi tiếp tục đề xuất biểu giá bán lẻ điện cho hộ sinh hoạt với 5 bậc thang. Việc điều chuyển từ 6 bậc thành 5 bậc, thực chất là hai bậc đầu tiên (0-50 kWh và 51-100 kWh) của 6 bậc thang được gộp lại cho bậc đầu tiên của khung bậc thang mới (0-100 kWh). Sở dĩ có việc điều chỉnh này là do số lượng người sử dụng chỉ 50 kWh là rất ít nên chúng ta lấy khởi điểm bậc 1 là 100 kWh là hợp lý.
Bộ Công thương khẳng định, thay đổi biểu giá bán lẻ điện lần này không phải tăng giá điện. Việc cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt lần này giữ nguyên mức giá bán lẻ điện bình quân, chỉ điều chỉnh cơ cấu phù hợp thực tế sử dụng điện sinh hoạt của các khách hàng. Việc ghép các bậc với nhau để tăng khoảng cách mức tiêu thụ điện giữa các bậc, và nới rộng khoảng cách mức tiêu thụ của bậc cao hơn nhằm phản ánh đúng tình hình tiêu thụ điện, khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Phương án này cũng giúp hạn chế được một phần tiền điện phải trả tăng cao trong những tháng đổi mùa. Số tiền ngân sách hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ chính sách xã hội cũng không thay đổi khi áp dụng cơ cấu biểu giá mới.
Cũng có những ý kiến cho rằng: “Cách tính giá điện bậc thang đang áp dụng hiện nay là không phù hợp; “Ngành điện đã tính một mức giá có lợi cho mình. Người dân dùng càng nhiều điện thì càng phải nộp nhiều tiền”; “Với biểu giá điện 5 bậc thì người hưởng lợi là ngành điện, người dân sẽ chịu thiệt”… Theo các chuyên gia năng lượng thì đây là những ý kiến nhìn nhận chưa thực sự thấu đáo, phản biện thiếu căn cứ. Bởi điện năng là một loại hàng hóa đặc biệt, việc sản xuất và tiêu dùng diễn ra đồng thời, người dùng sử dụng trước và trả tiền sau.
Hiện nay, nguồn điện năng được sản xuất từ hóa thạch, không tái tạo được như than đá, dầu mỏ… trong khi các nguồn năng lượng tái tạo chưa phát triển mạnh. Vì vậy, nhằm khuyến khích người dân sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, hiện nay nhiều nước trên thế giới đã áp dụng giá điện theo bậc để phù hợp với mức sử dụng điện khác nhau của các hộ dân. Trong đó, giá điện của các bậc tăng dần (sử dụng càng nhiều sẽ phải áp dụng giá điện cao hơn). Số liệu thu thập giá điện sinh hoạt ở các nước Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan cho thấy tỉ lệ giá điện sinh hoạt ở bậc cao nhất so với bậc thấp nhất khoảng 1,65-3 lần. Đối với ngành điện, dù có mấy bậc thì ngành điện cũng không lợi gì, bởi giá điện là Nhà nước quy định và cũng không phải ngành điện tự ý đưa ra nhiều bậc hay ít bậc mà cách chia này sẽ hỗ trợ người dùng.
Báo cáo cho thấy EVN đang lỗ nặng do chi phí giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện trong nước và thế giới tăng đột biến từ đầu năm đến nay làm chi phí sản xuất điện của EVN tăng rất cao. Nên việc điều chỉnh tăng giá điện là cấp bách và hợp lý. Vấn đề là cơ chế điều chỉnh giá thế nào. Ở nhiều nước, giá điện được điều chỉnh rất linh hoạt, giá ban đêm khác giá ban ngày để khuyến khích dùng điện vào ban đêm, tránh căng thẳng lưới điện. Nhưng vấn đề là làm sao để người Việt Nam thích nghi với cơ chế này, sau thời gian dài quen dùng điện bình ổn giá thấp.
Có thể thấy, việc đặt ra yêu cầu phải cải tiến biểu giá bán lẻ điện là cần thiết, không chỉ đáp ứng yêu cầu của quản lý, sản xuất, kinh doanh mà còn cả yêu cầu của dư luận xã hội nhằm mục tiêu: Khắc phục những bất cập của biểu giá bán lẻ điện hiện hành, thực hiện tốt hơn nữa chính sách giá điện; Đảm bảo bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh điện hợp lý, công bằng hơn về chi phí người dùng điện, thuận lợi trong quản lý ngành, kiểm tra giám sát của hộ tiêu dung điện; Nâng cao hơn nữa tính công khai, minh bạch trong việc thực hiện giá bán điện; Khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm…
Diệu Hương