Thâu tóm nhà máy nước sông Đà, đại gia 8x Nguyễn Văn Tuấn đút túi “lãi khủng”
Kinh doanh lĩnh vực thiết yếu trong lĩnh vực thiết yếu, Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà có biên lợi nhuận ổn định mức cao, lãi hơn 700 triệu đồng/ngày.
Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) đang là tâm điểm chú ý của dư luận những ngày này bởi sự cố về chất lượng nước cung cấp cho một số quận, huyện ở Hà Nội.
Viwasupco là đơn vị cấp nguồn nước mặt từ nhà máy nước mặt Sông Đà và một số nhà máy nước quy mô nhỏ khác cho hầu hết công ty nước sạch còn lại. Kinh doanh trong lĩnh vực thiết yếu nhưng tỷ suất sinh lời của Viwasupco thuộc nhóm đầu thị trường.
Mỗi năm Viwasupco đều ghi nhận hàng trăm tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế. Trong 4 năm trở lại đây, mỗi năm Viwasupco đều đạt doanh thu trên 400 tỷ đồng và lợi nhuận ròng sau thuế xấp xỉ 150 tỷ đồng.
Năm 2018, doanh thu cấp nước của Viwasupco đạt 469 tỷ đồng, lãi ròng 219 tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2017. 2018 cũng là năm thứ 7 liên tiếp lợi nhuận của công ty tăng trưởng kể từ khi hoạt động kinh doanh có lãi vào năm 2012.
Tính từ năm 2012 đến nay, doanh thu của Viwasupco đã tăng gần 1,7 lần và lợi nhuận sau thuế tăng gấp hàng trăm lần (năm 2012 công ty chỉ lãi 215 triệu đồng).
Nửa đầu năm 2019, Viwasupco đạt doanh thu 264 tỷ đồng với lợi nhuận trước thuế hơn 133 tỷ. Tỷ suất lợi nhuận gộp và lợi nhuận trước thuế trên doanh thu lần lượt là 57% và 50%.
Tính riêng 6 tháng, Viwasupco thu về 127 tỷ đồng lãi ròng sau thuế, tăng 31%. Bình quân mỗi ngày, công ty nước sạch sông Đà lãi hơn 700 triệu đồng.
Tại ngày 30/6/2019, tổng tài sản của Viwasupco đạt 1.477 tỷ đồng. Nợ phải trả của Nước sạch Sông Đà là 453 tỷ, trong đó chủ yếu là người mua trả tiền trước. Công ty có khoản vay nợ dài hạn 387 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp đạt 1.023 tỷ, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt 271 tỷ.
Báo cáo thường niên cho thấy Viwasupco là đầu mối cấp nước cho toàn bộ khu vực Tây Nam Hà Nội, gồm ba quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông, một phần quận Cầu Giấy, Đống Đa, Nam Từ Liêm và một số đơn vị nằm dọc hệ thống truyền tải nước Đại lộ Thăng Long.
Trong năm 2018, trung bình mỗi ngày đêm, Viwasupco cung cấp gần 250.000 m3 nước cho thị trường, tương đương hơn 91 triệu m3 nước trong cả năm. So với năm 2017, lượng cung cấp nước năm 2018 của công ty đã tăng 13,3%.
Bên cạnh doanh thu và lợi nhuận liên tục tăng, báo cáo gửi về các cổ đông cũng cho thấy Viwasupco có thể gặp một số khó khăn, đặc biệt là lo ngại về vấn đề cạnh tranh. Những thay đổi bất thường trong nhu cầu của ba khách hàng chính là Viwaco, Hawaco và Nước sạch Hà Đông sẽ ảnh hưởng lớn đến kết quả sản xuất, kinh doanh của công ty.
Hiện Viwasupco có hai cổ đông lớn nhất là Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex sở hữu 60,46% và Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE) sở hữu 35,95%.
Gelex lý giải lý do mua cổ phần của Công ty Viwasupco nhằm mục đích phát triển mảng kinh doanh năng lượng.
Gelex cho biết, kể từ ngày 28/3/2018 (ngày mua) đến hết năm 2018, Công ty Viwasupco đã đóng góp hơn 189,164 tỷ đồng vào lợi nhuận trước thuế của Tập đoàn.
Số tiền chi ra để mua công ty con được ghi nhận hơn 104 tỷ đồng. Như vậy, tổng số tiền thuần thu về từ nghiệp vụ tính đến hết năm 2018 là hơn 85 tỷ đồng.
Trước thời điểm Gelex mua vào, doanh thu và lợi nhuận thuần trước thuế của Công ty Viwasupco từ ngày 1/1/2018 đến ngày 28/3/2018 tương ứng là 95,54 tỷ đồng và 41,29 tỷ đồng.
Hồng Anh (tổng hợp)