128027
category
451682

Thập đại quân sư lừng lẫy TQ: Gia Cát Lượng xếp thứ 7, ai là người xếp trên ông?

25/11/2020 05:00

Khổng Minh không phải cái tên duy nhất để lại tiếng thơm vì tài “đa mưu túc trí” trong lịch sử Trung Quốc.

Nhắc đến các vị quân sư tài trí tại Trung Hoa, người ta dễ nghĩ ngay tới Khổng Minh Gia Cát Lượng – người nhiều lần hiến kế cho Lưu Bị, giúp nước Thục tạo thế chân vạc thời Tam Quốc.

Tuy vậy, Khổng Minh không phải cái tên duy nhất để lại tiếng thơm vì tài “đa mưu túc trí”, trang báo điện tử uy tín Sohu gần đây đã đăng tải bảng xếp hạng 10 đại quân sư kiệt xuất nhất trong lịch sử Trung Quốc, cho độc giả thấy rõ tài trí của nhiều vị quân sư lừng lẫy khác.

Tác giả đã sử dụng ba tiêu chí cụ thể để chấm điểm từng nhân vật lịch sử trên thang 30 điểm và đưa ra lý do cho điểm số này. Tuy còn nhiều tranh cãi bên lề, bảng xếp hạng của Sohu vẫn được coi là cách tiếp cận lịch sử thú vị và sáng tạo, đáng để độc giả tham khảo.

Ba tiêu chí được Sohu sử dụng cụ thể như sau:

1. Thực lực quốc gia trước khi khởi binh và so sánh với đối thủ (chênh lệch càng lớn, điểm càng cao)

2. Thành tích của quân sư trước và sau khi tòng quân (chênh lệch càng lớn, điểm càng cao)

3. Kết quả cuối cùng của cuộc chiến (thống nhất được giang sơn tính điểm cao hơn chỉ có quyền lực cát cứ)

Theo thang điểm như trên, Sohu đã công bố bảng xếp hạng “Thập đại quân sư kiệt xuất nhất trong lịch sử Trung Quốc”:

Quân sư Phạm Văn Trình của nhà Thanh. Ảnh: Sohu

Phạm Văn Trình (1597 – 1666) là vị danh thần sống ở thời kỳ chuyển giao giữa nhà Minh và nhà Thanh. Văn Trình vốn có xuất thân cao quý, ông là hậu duệ của Phạm Trọng Yêm, một vị quan có công lớn giúp triều đình nhà Tống đánh đuổi Tây Hạ.

Cuối thời nhà Minh, Phạm Văn Trình thi đỗ đạt cao nhưng chưa được bao lâu thì thủ lĩnh bộ tộc Nữ Chân Nỗ Nhĩ Cáp Xích khởi binh đánh đổ nhà Minh, theo “Thanh Thái tổ Cao Hoàng đế thực lục”.

Văn Trình bị bắt, trở thành quân sư cho Nỗ Nhĩ Cáp Xích. Ông nhiều lần tham mưu, điều binh khiển tướng và đích thân ra trận đánh quân Minh nhưng vẫn không được thủ lĩnh Nữ Chân tin tưởng.

Thời thế xoay chuyển khi con trai của Nỗ Nhĩ Cáp Xích là Hoàng Thái Cực lên ngôi – sáng lập nên triều Thanh, Văn Trình được vị hoàng đế này hết mực trọng vọng và trở thành khai quốc công thần của nhà Thanh.

Quân sư Văn Trình tiếp tục nghĩ ra trăm phương ngàn kế đánh Minh, xúi giục các quan triều Minh làm phản; giúp vua dẹp Triều Tiên, an Mông Cổ và xây dựng thể chế nhà nước mới. Hoàng Thái Cực rất tin tưởng quân sư nên các quốc thư, sắc chỉ đều do Văn Trình soạn thảo. Ban đầu, vua còn xem xét, về sau còn không đọc lại nữa.

“Tuất vô cáo” có ghi, vào năm 1644, khi Đa Nhĩ Cổn tiếp nối sự nghiệp chinh phạt nhà Minh mà Hoàng Thái Cực chưa hoàn thành, Phạm Văn Trình đã dâng sớ khuyên nhủ:

“Trước đây quân ta từng đánh sâu vào nội địa nhà Minh, nhưng chỉ chém giết, đốt phá, cướp bóc, rồi rút lui, cho nên sự nghiệp chinh phạt nhà Minh phải giữa chừng bỏ dở.

Bá tánh cho rằng chúng ta chỉ là những người tham lam tiền của, gia súc, chứ không có chí lớn, nên trong lòng họ vẫn hoài nghi, không có sự tín nhiệm gì đối với chúng ta cả.”

Phạm Văn Trình cũng nhiều lần nhắc nhở tầng lớp thống trị tối cao của nhà Thanh rằng từ xưa tới nay chưa có ai nhờ giết chóc mà giành thiên hạ cả. Nếu muốn giành quyền thống trị toàn quốc thì chỉ có cách thay đổi thái độ, tìm người tài chăm lo cho bá tánh, “cấm ngặt không xâm phạm tới cây kim sợi chỉ của dân”.

Sách lược nay đối với việc khai quốc của triều nhà Thanh đã có tác đụng rất quan trọng.

Quân sư họ Phạm sống đến năm Khang Hy thứ 5 và được trọng dụng trong suốt bốn triều đại. Dù vẫn còn gây nhiều tranh cãi nhưng xét về góc độ một nhà cầm quân, Phạm Văn Trình đã có công lao lớn giúp nhà Thanh lớn mạnh nhanh chóng và thống nhất đất nước.

1. Thực lực quốc gia trước khi khởi binh và so sánh với đối thủ: 7 điểm

2. Thành tích của quân sư trước và sau khi tòng quân: 5 điểm

3. Kết quả cuối cùng của cuộc chiến: 8 điểm

Tổng điểm: 20 điểm.

Quân sư Phạm Lãi có công phò tá Việt Vương Câu Tiễn. Ảnh: Sohu

Quân sư Phạm Lãi (536 TCN – 448 TCN) là người có công giúp trong việc giúp Việt Vương Câu Tiễn tiêu diệt nước Ngô. Phạm Lãi vốn là người nước Sở nhưng nhận thấy mình không thể làm nên nghiệp lớn ở quê nhà nên tới năm 511 TCN, ông đã cùng người bạn của mình là Văn Chủng đến nước chư hầu Ư Việt.

Vào thời điểm đó, vua chúa quý tộc Ư Việt rất cao ngạo, coi thường Phạm Lãi và Văn Chủng. Mãi tới năm 494 TCN, khi nước này đứng trước bờ diệt vong trước nước Ngô thì mới cầu cứu Phạm Lãi.

Theo “Ngô Việt xuân thu”, Phạm Lãi sau này đã dùng mỹ nhân kế dâng người đẹp “”trầm ngư” Tây Thi cho vua nước Ngô là Ngô Phù Sai, khiến ông ta bỏ bê triều chính, giết hại trung thần. Nhờ đó mà Việt Vương Câu Tiễn (lúc này đang bị vua Ngô bắt làm con tin) mới được thả về nước và gây dựng lực lượng đánh bại kẻ thù.

1. Thực lực quốc gia trước khi khởi binh và so sánh với đối thủ: 7 điểm

2. Thành tích của quân sư trước và sau khi tòng quân: 7 điểm

3. Kết quả cuối cùng của cuộc chiến: 7 điểm

Tổng điểm: 21 điểm.

Tể tướng Vương Mãnh phò tá vua từ thuở bần hàn. Ảnh: Sohu

Vương Mãnh (325 – 375) là một tể tướng, quân sư thân cận của Tiền Tần Vương Phù Kiên – một trong 5 vị hoàng đế xuất sắc nhất lịch sử Trung Hoa.

Trái với nhiều vị quan lại trong triều, Vương Mãnh vốn có xuất thân nghèo khó, từng phải đi buôn bán kiếm kế sinh nhai. Vương Mãnh may mắn kết bạn với Phù Kiên khiêm tốn, ham học, hai người cùng nhau cố gắng gây dựng cơ nghiệp.

Đến năm 357, Phù Kiên đảo chính thành công, lên làm hoàng đế nhà Tiền Tần. Vương Mãnh nhờ đó cũng nắm chức tam công – một trong ba chức quan cao cấp nhất trong triều đình.

Dưới thời đại này, Phù Kiên và Vương Mãnh chỉ mất 10 năm (366 – 376) để thống nhất phía Bắc, cùng với Đông Tấn hình thành nên cục diện Nam Bắc đối đầu.

Quân sư họ Vương còn giúp vua chỉnh đốn nội chính. Những ghi chép và đánh giá lưu lại đến ngày nay cho thấy, sự nghiệp của Phù Kiên trong giai đoạn đầu sở dĩ thuận buồm xuôi gió, đều là nhờ có trợ thủ đắc lực Vương Mãnh.

Đáng tiếc thay, Vương Mãng chỉ thọ được đến 50 tuổi, Tiền Tần Vương Phù Kiên sau đó không nghe dặn dò của ông mà vẫn quyết đánh Đông Tấn nên nước mất nhà tan, triều đại huy hoàng sớm sụp đổ.

1. Thực lực quốc gia trước khi khởi binh và so sánh với đối thủ: 8 điểm

2. Thành tích của quân sư trước và sau khi tòng quân: 8 điểm

3. Kết quả cuối cùng của cuộc chiến: 6 điểm

Tổng điểm: 22 điểm.

Gia Cát Lượng là vị quân sư toàn tài nhưng có kết cục không trọn vẹn. Ảnh: Sohu

Sẽ không phải quá lời khi nói Khổng Minh Gia Cát Lượng (181 – 234) chính là vị quân sư nổi tiếng nhất lịch sử Trung Hoa. Sử liệu “Tam quốc chí” cho thấy ông có tài năng trên rất nhiều lĩnh vực, từ chính trị, quân sự, ngoại giao, pháp luật cho tới giáo dục, phong thủy, phát minh kỹ thuật.

Trước kia, khi Gia Cát Lượng còn ẩn mình trên núi Ngọa Long, Lưu Bị đã phải “tam cố thảo lư” (3 lần lui tới nhà tranh để mời bằng được nhân tài).

Sau khi về phò tá Lưu Bị, vị quân sư toàn tài nhanh chóng gặt hái chiến công chiếm cứ Kinh Châu và Ích Châu, giúp chủ soái củng cố quyền lực. Sau đó là một loạt chiến dịch quân sự do quân Thục Hán tấn công vào Tào Ngụy, giúp Lưu Bị có cơ hội phân chia thiên hạ.

Vào năm Thục Hán thứ nhất (221), Lưu Bị chính thức lên ngôi, lập nên nước Thục. Gia Cát Lượng làm tể tướng ở tuổi 40. Quân sư nước Thục đã mất 14 năm để đưa chủ soái của mình lên ngôi vương nhưng đáng tiếc sau này Lưu Bị vì nóng giận mà vội vàng đánh Đông Ngô, dẫn đến kết cục thảm bại.

Là người toàn tài và có nhiều chiến tích nổi bật trong suốt sự nghiệp nhưng Gia Cát Lượng vẫn chỉ đứng ở vị trí thứ 7 trong danh sách là bởi cuối cùng nước Thục đã không thể hoàn thành chiến lược “Long Trung đối sách” mà ông đặt ra.

Chiến lược của Gia Cát chỉ dừng lại ở sự thành lập của nhà Thục Hán, một trong ba chân kiềng của Tam Quốc, để rồi cuối cùng bị nhà Ngụy thôn tính trước khi Trung Quốc thống nhất dưới thời nhà Tấn.

1. Thực lực quốc gia trước khi khởi binh và so sánh với đối thủ: 8.5 điểm

2. Thành tích của quân sư trước và sau khi tòng quân: 8.5 điểm

3. Kết quả cuối cùng của cuộc chiến: 6 điểm

Tổng điểm: 23 điểm.

Quản Trọng được hậu thế ngưỡng mộ không chỉ vì tài trí mà còn nhờ tầm nhìn thông suốt. Ảnh: Sohu

Quản Trọng (723 TCN – 645 TCN) là vị tể tướng hàng đầu dưới thời Xuân Thu. Thuở nhỏ gia cảnh bần khố, ông được phát hiện tài năng rồi được mời vào triều làm đại phu. Quản Trọng từng là người phò tá Công tử Củ.

Sau này nước Tề bạo loạn, Công tử Củ và Công tử Tiểu Bạch tranh nhau cướp ngôi. Công tử Tiểu Bạch chiếm được ngôi vương, liền giết chết Công tử Củ và bắt giam Quản Trọng.

Đến thời điểm trị vì, Tề Hoàn Công tức Công tử Tiểu Bạch gặp nhiều việc triều chính khó khăn do tướng lĩnh nhà Tề vừa phải lo đối đầu với nạn cướp bóc của dân du mục, vừa giải quyết nội chiến. Lúc này vua nói, quần thần cũng không nghe.

Có điển cố kể rằng, Tề Hoàn Công thấy chuyện khó mới cất công đi hỏi Quản Trọng: “Ta đây có 3 tật xấu là háo sắc, nghiện rượu, mê săn bắn. Không biết điều này có ảnh hưởng gì tới việc trị quốc không?”

Quản Trọng đứng trước người từng muốn hại mình, vẫn thẳng thắn đáp: “Háo sắc, nghiện rượu, mê săn bắn đều không có hại cho quốc gia. Không nghe lời hiền tài mới là gây hại cho quốc gia.”

Vua nghe theo lời Quản Trọng, chẳng mấy chốc nước Tề đã diệt trừ man rợ, quần thần tôn kính nhà vua. Từ đó, nước Tề trở thành nước chư hầu lớn mạnh hàng đầu, Quản Trọng được phong làm tể tướng.

Cái hay của quân sư Quản Trọng là biết dẹp đi mối tư thù, không mãi ôm những chuyện hận thù quá khứ mà hướng tới thái bình của con dân nghìn năm.

Trong cuốn “Tứ thư”, Khổng Tử đã từng nhận xét: “Quản Trọng làm tể tướng cho Tề Hoàn Công, giúp Tề Hoàn Công bá chủ chư hầu, làm cho thiên hạ thái bình, đến đời nay dân vẫn còn chịu ơn.

Nếu không có Quản Trọng, sợ chúng ta hôm nay còn đầu bù tóc rối, áo quần rách rưới lang thang khắp đây đó. Quản Trọng đâu có như người thường, vì việc nhỏ mà tự sát ở khe núi để cho chẳng ai biết đến.”

1. Thực lực quốc gia trước khi khởi binh và so sánh với đối thủ: 7.5 điểm

2. Thành tích của quân sư trước và sau khi tòng quân: 8.5 điểm

3. Kết quả cuối cùng của cuộc chiến: 8 điểm

Tổng điểm: 24 điểm.

Y Doãn là người tôi luyện cho 5 triều đại vua nhà Thương. Ảnh: Sohu

Y Doãn (1649 TCN – 1550 TCN) là vị danh tướng nổi tiếng nhất trong triều đại nhà Thương, ông có công phò tá Thành Thang tiêu diệt vua cuối cùng tàn bạo của nhà Hạ, lập nên triều đại mới.

Điều đặc biệt là vị quân sư vốn này có xuất thân rất thấp, ông chỉ là một kẻ nô lệ bồi giá (nghĩa là nô lệ làm của hồi môn theo cô dâu về nhà chồng), giữ nhiệm vụ nấu ăn. Tuy nhiên, theo tập thơ “Kinh Thi – Thương tụng”, Y Doãn là nô lệ của Sân thị – một người thiếp của vua, nên mới được nhập cung.

Một lần nhân cơ hội dâng cơm cho Thành Thang, Y Doãn liền phân tích tình thế thiên hạ, rất được vua tán thưởng, bèn xóa bỏ thân phận nô lệ, phong cho ông ta làm Tể Tướng.

Y Doãn tâm niệm: “Trị đại quốc cũng giống như cho gia vị vào món ăn” – ý chỉ việc dùng người tài phải biết bình tĩnh điều chỉnh cho phù hợp với đại nghiệp. Con cá tanh nếu biết nêm nếm gia vị đúng liều lượng, chỉnh lửa vừa đủ thì cũng sẽ thành món ăn ngon.

Trong suốt cuộc đời mình, Y Doãn đã có công rèn giũa, tôi luyện 5 vị vua nhà Thương và có những đóng góp cho sự thịnh vượng của vương triều này cho tới năm 100 tuổi.

Sử gia thời Xuân Thu Tả Khâu Minh trong “Tả truyện” đã nhận xét “Y Doãn không chỉ là một nhà chính trị kiệt xuất, mà còn là một hình mẫu đạo đức, người như ông chỉ một không hai trong lịch sử”.

1. Thực lực quốc gia trước khi khởi binh và so sánh với đối thủ: 8 điểm

2. Thành tích của quân sư trước và sau khi tòng quân: 8 điểm

3. Kết quả cuối cùng của cuộc chiến: 9 điểm

Tổng điểm: 25 điểm.

Diêu Quang Hiếu là bậc cao tăng nhưng không “trốn đời”. Ảnh: Sohu

Diêu Quảng Hiếu (1335-1418), pháp danh Đạo Diễn, là một trong những mưu sĩ đắc lực của Minh Thành Tổ, ông cũng là một bậc cao tăng từng xuất gia nhưng lại không “trốn đời” mà ra tay phò tá thiên tử.

Để tuân theo lễ chế của triều đình và tôn trọng Hoàng đế, Diêu Quảng Hiếu thượng triều thì mặc quan phục, thoái triều thì mặc tăng phục, mọi người gọi ông là “Tể tướng áo đen” (thời xưa tăng nhân mặc áo khoác đen).

“Tể tướng áo đen” làm quân sư cho Minh Thành Tổ khi vua chỉ ngoài 20 tuổi. Xuất thân là hòa thượng nhưng Đạo Diễn lại đưa ra sách lược chuẩn xác, thân ngồi trong trướng nhưng lại có thể chỉ huy thiên quân vạn mã, quyết định thắng thua ngoài ngàn dặm.

Vị quân sư cũng nổi tiếng có tầm lòng từ bi, thương dân không màng danh lợi. Sử sách có ghi, năm Vĩnh Lạc thứ 2, vùng Chiết Giang, Giang Nam xảy ra lũ lụt, dân chúng bị thiên tai, lương thực thiếu nguy cấp.

Diêu Quảng Hiếu lĩnh mệnh thiên tử, bất chấp tuổi tác cao ngoài 70, thời tiết nóng nực vẫn đến từng nơi đốc thúc các châu, huyện khẩn cấp phát lương thực cứu tế, “nghĩ đến cái đói của người như chính mình đói vậy, cứu tế nhân dân qua thiên tai”.

Ngoài ra, Diêu Quảng Hiếu còn tinh thông Nho giáo, ông từng tham gia biên soạn “Vĩnh Lạc đại điển” và “Minh Thái Tổ thực lục”.

Lý Chí, sử gia nổi tiếng thời nhà Minh đã từng nói: “Trong 200 năm, con dân nhà Minh đã được ấm no, bình yên, quên đi chiến tranh. Tất cả đều là nhờ công của Minh Thành Tổ và Diêu Quảng Hiếu.”

1. Thực lực quốc gia trước khi khởi binh và so sánh với đối thủ: 9 điểm

2. Thành tích của quân sư trước và sau khi tòng quân: 8 điểm

3. Kết quả cuối cùng của cuộc chiến: 9 điểm

Tổng điểm: 26 điểm.

“Mưu Thánh” Trương Lương đã giúp Lưu Bang phân định chiến tranh Hán – Sở. Ảnh: Sohu

Trương Lương (? – trước năm 189) là danh thần khai quốc nổi tiếng thời nhà Hán. Ông cùng với Hàn Tín, Tiêu Hà đóng vai trò quan trọng giúp Lưu Bang đánh đổ nhà Tần và thắng Hạng Vũ trong chiến tranh Hán – Sở rồi sáng lập ra nhà Hán.

Năm 206 TCN, “Mưu Thánh” Trương Lương từng hiến kế cứu chủ soái Lưu Bang “kiếp nạn” Hồng Môn Yến – một bữa ăn được Hạng Vũ dựng lên để tìm kế triệt hạ Lưu Bang.

“Sử ký” kể lại, do thấu hiểu Hạng Vũ là kẻ ngạo mạn, quân sư Trương Lương đã sớm căn dặn chủ soái của mình đến tiệc phải ứng xử khiêm nhường, phải liên tục ngợi khen Hạng Vũ là bậc kỳ tài trong thiên hạ. Quả nhiên sau đó, những lời “mật ngọt” từ miệng Lưu Bang đã khiến Hạng Vũ mủi lòng, quyết định “thả hổ về rừng” mà không động thủ.

Bốn năm sau, giữa lúc chiến tranh Hán – Sở đi vào giai đoạn ác liệt nhất, Trương Lương lại một lần nữa dùng tài ăn nói của mình thu phục danh tướng Hàn Tín để Hàn Tín bỏ qua hiềm khích trở về kề vai chiến đấu với chủ soái.

“Mưu Thánh” còn bày cho Lưu Bang cách dùng của cải, đất đai phong thưởng cho các nước chư hầu để có được sự ủng hộ của họ.

Nhờ những diệu kế này, quân Hán trở nên hùng mạnh và chiến thắng trận đánh then chốt ở Cai Hạ, kết thúc 5 năm ròng Hán – Sở tranh hùng. Nhờ đó, Lưu Bang thống nhất được thiên hạ, lên ngôi hoàng đế và lấy hiệu là Hán Cao Tổ.

Tài năng và tầm nhìn của Trương Lương đã khiến sử gia Tư Mã Thiên hết mực nể trọng.

Trong cuốn “Sử Ký”, Tư Mã Thiên đã xếp câu chuyện của ông vào phần Thế gia, tức là phần dành cho các nước chư hầu, những người có địa vị lớn trong giới quý tộc trong khi Hàn Tín chỉ được cho vào phần Liệt truyện – các sự kiện, câu chuyện ít quan trọng hơn.

Nói về sức hấp dẫn của hình tượng Trương Lương trong văn học sau này, Tiến sĩ văn học Trịnh Văn Định cũng trình bày trong bài nghiên cứu của mình: “Dễ nhận thấy nhất là sức hút của nhân vật lịch sử lừng danh Trương Lương trải dài xuyên suốt lịch sử văn hóa Trung Hoa và hấp dẫn đa số những nhà nho có sáng tác thi ca.

Nổi bật là, những nhân vật quan tâm sâu sắc, say mê và dành cho Trương Lương sự quan tâm đặc biệt nhất thuộc về những thi nhân, những nhà văn hóa và những nhà hoạt động chính trị hàng đầu của Trung Hoa.”

1. Thực lực quốc gia trước khi khởi binh và so sánh với đối thủ: 9 điểm

2. Thành tích của quân sư trước và sau khi tòng quân: 9 điểm

3. Kết quả cuối cùng của cuộc chiến: 9 điểm

Tổng điểm: 27 điểm.

Lưu Bá Ôn đặc biệt giỏi thiên văn. Ảnh: Sohu

Lưu Bá Ôn (1311 – 1375), tên thật là Lưu Cơ, được người đời sau mệnh danh là “Thần cơ diệu toán” bởi ông luôn có mưu kế thần tình, tiên đoán được thời cuộc, đường đi nước bước của quân địch và đặc biệt rất giỏi thiên văn. Bởi vậy nên thành ngữ Trung Hoa mới có câu: “Thông binh pháp ai hơn Tôn Võ. Giỏi thiên văn phải kể Lưu Cơ”

Bá Ôn thường được biết đến với vai trò công thần khai quốc nhà Minh, đi theo phò tá Chu Nguyên Chương hoàn thành đế nghiệp.

Trước khi gặp Chu Nguyên Chương, Lưu Bá Ôn từng được bổ nhiệm làm quan dưới triều Nguyên nhưng thời điểm nay quan lại tham ô, xã hội nhà Nguyên lung lay nên một người thanh liêm như ông nhanh chóng bị đào thải.

Theo cuốn “Sử ký Nhà Minh”, sau này khi Chu Nguyên Chương cùng nghĩa quân Khăn Đỏ đứng lên lật đổ triều đại, vị Hoàng đế tương lai đã mời Lưu Bá Ôn về tham mưu cho mình.

Nghĩa quân Khăn Đỏ lúc này bị kẹp ở “thế gọng kìm”, đứng giữa Trương Sĩ Thành và Trần Hữu Lượng, không biết phải dùng quân đánh ai.

Lưu Bá Ôn do nhìn thấu đối phương đã hiến kế đánh Trần Hưu Lượng trước (vì tên này hiếu thắng và nông nổi), còn Trương Sĩ Thành có thể xử lý sau vì bản chất hắn không có ý định trành giành lãnh thổ. Lưu Cơ “ở trong màn trướng” mà có thể nhìn thấu quân địch như vật quả thực không phải người tầm thường.

Tập tư liệu “Nhân vật lịch sử vĩ đại” được lưu giữ tại Thư viện Chiết Giang từng kể lại trận thủy chiến trên hồ Bà Dương giữa quân Chu Nguyên Chương và Trần Hữu Lượng.

Trước trận chiến, quân sư họ Lưu dựa vào quan sát thiên văn đã dự đoán đến khi hoàng hôn thì sẽ có gió Đông Bắc thổi. Ông cho thuyền hỏa công ra chất hình nộm nhúng dầu hỏa ra giữa hồ, móc thuyền vào quân địch.

Đợi đến khi gió Đông Bắc thổi, quân binh châm lửa đốt thuyền, lửa lan sang tàu lớn của địch, thiêu rụi tướng sĩ và quân lương. Bằng cách này, quân đội của Chu Nguyên Chương đã dễ dàng giành chiến thắng.

Là người “đa mưu túc trí”, tận tâm tận lực nhưng vẫn vô cùng trung thành, Lưu Bá Ôn đã thành công trong việc phò tá Chu Nguyên Chương lên làm Hoàng đế khai quốc nhà Minh, mở ra một vương triều thịnh vượng. Đáng tiếc rằng sau khi trở thành công thần, Lưu Bá Ôn lại gặp phải nhiều sóng gió, oan khuất. Đến cuối đời, ông đành phải xin cáo quan về ở ẩn tìm sự bình yên.

1. Thực lực quốc gia trước khi khởi binh và so sánh với đối thủ: 10 điểm

2. Thành tích của quân sư trước và sau khi tòng quân: 9 điểm

3. Kết quả cuối cùng của cuộc chiến: 9 điểm

Tổng điểm: 28 điểm.

Khương Tử Nha là bậc thầy của các quân sư. Ảnh: Sohu

Cái tên đứng đầu trong danh sách Thập đại quân sư chắc hẳn không phải một người tầm thường, bởi vị quân sư này bắt đầu phò tá quân vương khi đã bước sang tuổi 80 nhưng lại giúp gây dựng triều đại lâu dài nhất lịch sử Trung Quốc (800 năm) – nhà Chu. Ông chính là Khương Tử Nha (1156 TCN – Khoảng 1017 TCN) hay Khương Thượng, vị khai quốc công thần của triều đại nhà Chu.

“Sử ký” dẫn rằng, Khương Tử Nha từng làm quan cho Trụ Vương của nhà Thương, nhưng vì thấy vua Trụ vô đạo, lạm sát bách tính, bỏ bê triều chính nên ông quyết định rời bỏ bạo chúa để đi tìm đấng minh quân. Khương Tử Nha gặp được Cơ Xương thủ lĩnh bộ tộc Chu và sau này là người xây nền móng triều đại nhà Chu.

Ông đã có công phò tá Chu Văn Vương (Cơ Xương) và Chu Vũ Vương, diệt trừ Trụ Vương nên được cắt cho mảnh đất phong ở vùng biên giới. Khương Thượng trở thành quân chủ khai lập nên một nước chư hầu mới là nước Tề.

Theo nhiều đánh giá, những hệ tư tưởng của Nho giáo, Đạo giáo, Binh pháp… đều lấy tư tưởng của ông làm gốc. Không thể phủ nhận tầm ảnh hưởng của ông tới những bậc hiền triết, tướng sĩ của thế hệ sau.

Tư tưởng quân sự của ông trong “Binh pháp Lục Thao” có thể coi là bộ binh pháp lâu đời nhất Trung Quốc; các nhà cầm quân nổi tiếng như Tôn Vũ, Gia Cát Lượng… cũng đều từng hấp thu tinh hoa trong tác phẩm này.

Dân gian Trung Quốc cũng lưu truyền câu nói rằng “Khương Thượng trước, Tôn Tẫn sau, năm trăm năm trước Gia Cát Lượng, năm trăm năm sau Lưu Bá Ôn”.

1. Thực lực quốc gia trước khi khởi binh và so sánh với đối thủ: 10 điểm

2. Thành tích của quân sư trước và sau khi tòng quân: 10 điểm

3. Kết quả cuối cùng của cuộc chiến: 10 điểm

Tổng điểm: 30 điểm.

T.H

Đọc nhiều