129138
category
441323

Thành tựu kinh tế Việt Nam không cần những lời soi mói lệch lạc

Minh Khuê 21/10/2020 20:13

Cuối tháng 9 vừa qua, Tổng cục Thống kê có bài báo cáo về tình hình tăng trưởng GDP sau 9 tháng của Việt Nam trong năm 2020. Theo đó thì GDP cả nước đã tăng trưởng 2,2%, một con số có thể nói là “kỳ tích”, khi kinh tế cả thế giới ảm đạm trước tác động của đại dịch COVID-19. Tín hiệu đáng mừng là thế, nhưng râm ran vẫn có những tiếng nói xách mé, đặt điều về công sức và thành quả mà toàn bộ nền kinh tế đã phải vất vả lắm mới có được.

Nền kinh tế Việt Nam đã phát triển vượt bậc.

Theo dự đoán của Ngân hàng Thế giới World Bank (WB) hồi tháng 7 vừa qua, bức tranh kinh tế thế giới trong năm 2020 được nhuộm một màu xám u tối, hầu hết các nước, vùng lãnh thổ được dự báo tăng trưởng âm vào cuối năm, nguyên nhân chủ yếu là sự đứt gãy chuỗi cung ứng do đại dịch COVID-19. Trong bức tranh ảm đạm đó, những mảng sáng hiếm hoi như một nét chấm phá, khẳng định tiềm năng của những nền kinh tế không những đứng vững trước khó khăn, mà còn vươn lên thành tấm gương cho cộng đồng thế giới. Và một trong những điểm sáng đó, chính là nền kinh tế Việt Nam.

Việt Nam được dự đoán sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 Đông Nam Á.

Thế nhưng, cũng như mọi năm, khi các báo cáo tăng trưởng GDP Việt Nam được công bố thì các tổ chức, phần tử chống phá lại tiến hành “kịch bản” muôn thuở “phân tích”, “đánh giá” bằng đủ mọi lời chê bai, thuyết âm mưu. Sau mấy mươi năm đổi mới, những tưởng minh chứng “mắt thấy tai nghe” về sự phát triển vượt bậc đã đủ để đập tan được những luận điệu lệch lạc, bóp méo nền kinh tế Việt Nam. Nhưng đáng tiếc, sự phát triển ấy lại như cái gai trong mắt những kẻ chỉ mong chờ sự thất bại của dân tộc Việt Nam, khiến chúng cảm thấy lẻ loi, tức tối. Và năm nay, cái gai đấy lại như cứa sâu hơn bao giờ hết vào những con mắt đục ngầu ý nghĩ đen tối. Bởi lẽ, đối mặt với thảm họa, hơn 150 quốc gia, vùng lãnh thổ, kể cả các cường quốc như Mỹ, Nhật, Anh Quốc… đều bị dự đoán GDP âm, còn Việt Nam lại quốc gia duy nhất tại Đông Nam Á có mức tăng trưởng dương. Thêm vào đó, con số 2,2% theo báo cáo của Tổng cục Thống kê thực tế lại rất gần với dự đoán 2,7% của WB, cho thấy viễn cảnh được đề ra cho Việt Nam gần như đã trong tầm tay.

Việt Nam được dự đoán sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 Đông Nam Á.

Và vì không còn lý lẽ nào đủ sức thuyết phục để bày vẽ, bôi bẩn “kỳ tích tháng 9”, nên các phần tử chống phá đành phải dùng đến chiêu bài quen thuộc mang tên “hòn ngọc viễn đông”, hào quang quá khứ của một chế độ đã sụp đổ 75 năm trước. Một lần nữa, các tổ chức, cá nhân chống phá lại lôi luận điệu rằng “những năm 1960 kinh tế Việt Nam Cộng hòa thứ nhì châu Á”, rằng Thủ tướng Lý Quang Diệu muốn Singapore mới thành lập trở thành Sài Gòn thứ hai, rằng chỉ sau 3 thập kỷ đã vượt qua Việt Nam… “Mơ” về quá khứ là thế, mà lại không nhận ra đó chỉ là lời tự huyễn hoặc bản thân. Vì sao? Vì chính thống kê của WB đã phủ định tất cả. Đến năm 1975, GDP đầu người của VNCH chỉ bằng 1/8 Indonesia, Thái Lan, Philippines, còn so với Hồng Kông và Singapore, thì chỉ bằng 1/50 mà thôi, đó là chưa nói đến hàng chục tỷ USD viện trợ và chi tiêu cho quân viễn chinh của Mỹ… Thời thịnh vượng nhất (1972), GDP đầu người của VNCH cũng chỉ ở mức 90USD/người/năm, chỉ cao hơn… Campuchia.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp.

Nếu muốn làm một phép so sánh với cường quốc Singapore, nên chăng các đối tượng hãy so GDP giữa hai nước trong suốt hai thập niên qua? Trong thập niên 2000, nền kinh tế Việt Nam chỉ mới bắt đầu khởi sắc kể từ sau chiến tranh, GDP ở mức 31,17 tỷ USD, bằng 1/3 so với 96,07 tỷ USD của Singapore. Đến giai đoạn 2010, khoảng cách bị thu hẹp khi GDP 115,9 tỷ của Việt Nam đã bằng phân nửa chỉ số 239,8 tỉ nước bạn. Và chỉ cách đây vài ngày, báo cáo Triển vọng Tài chính thế giới của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF đã đưa ra một dự báo đầy tích cực cho nền kinh tế Việt Nam. Với dự đoán quy mô GDP cuối năm đạt 340,6 tỷ USD, Việt Nam có khả năng sẽ vượt qua Singapore (337,3 tỷ), trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 của Đông Nam Á. Và còn nhớ, chỉ hơn 10 năm trước, cũng chính IMF đã dự đoán Việt Nam sẽ phải mất 140 năm để bắt kịp nền kinh tế Singapore. Nhưng chỉ mất hơn một thập kỷ, tất cả đã vượt ngoài sức tưởng tượng của IMF. Nếu không thể gọi là “kỳ tích”, thì có lẽ IMF cũng phải gật đầu thán phục trước những sự phát triển của kinh tế Việt Nam.

Thủ tướng chủ trì Hội nghị đối thoại với nông dân lần 3.

Nền kinh tế Việt Nam sau 30 năm đổi mới, đã phát triển vượt bậc, vượt qua mọi dự đoán, tính toán, và trên hết, vượt qua mọi mưu mô, thủ đoạn phá hoại đất nước của những phần tử cơ hội. Thành quả lớn nhất, không phải là những con số, thành tích, mà là cuộc sống ngày càng đầy đủ, sung túc của mỗi gia đình, là tiếng cười ngày một nhiều dưới từng mái nhà, là bớt đi những cảnh chật vật chạy từng bữa cơm. Vì thế, “kỳ tích” mang tên kinh tế Việt Nam cần những nụ cười, những lời hân hoan, chứ không phải cái nhìn hoài nghi, tiêu cực, miệng lưỡi chê bai và trách móc mà các phần tử đang bày vẽ.

MINH KHUÊ

Đọc nhiều