Thanh tra kiểu “Sống chết mặc bay…” và “bệnh sính từ, ngộ chữ?”!
Bộ GTVT nên tập trung nhiều cho chuyên môn, là chất lượng, giá thành công trình… Việc “chữ nghĩa”, không nên làm phức tạp những điều đơn giản và vốn đã quen thuộc!
Có hai thông tin về Bộ Giao thông Vận tải rất đáng suy nghĩ. Một, như tên một bài trên báo “5 năm, 50 cuộc thanh kiểm tra: Cao tốc 34.000 tỷ vẫn sai phạm, hư hỏng” và hai là bài trên báo Lao động “Lại đổi tên, và lần này “xe buýt” thành “xe khách thành phố”!”.
Ở bài báo thứ nhất, Nhà báo Lương Bằng viết: “Từ năm 2014 đến năm 2018, Lãnh đạo Bộ GTVT và các cơ quan tham mưu thuộc Bộ đã tổ chức trên 50 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với dự án. Sau mỗi cuộc thanh, kiểm tra, Bộ GTVT đều có văn bản chỉ đạo VEC chấn chỉnh.
Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu của chủ đầu tư theo quy định. Trong đó, Bộ GTVT là một thành viên của Hội đồng, tham gia các hoạt động của Hội đồng đối với dự án.
Trong quá trình thực hiện dự án, Hội đồng đã có nhiều ý kiến bằng văn bản về công tác quản lý chất lượng công trình. Cơ quan Thường trực Hội đồng tổ chức kiểm tra dự án với tần suất 3 – 6 tháng/lần (tùy thuộc vào tiến độ thi công thực tế), tại các đợt kiểm tra của Cơ quan Thường trực Hội đồng và các chuyên gia đã chỉ ra những tồn tại của dự án cần khắc phục. Các ý kiến của Hội đồng, Cơ quan Thường trực Hội đồng và các chuyên gia đã được Bộ GTVT chỉ đạo Chủ đầu tư và các nhà thầu có liên quan tiếp thu, tổ chức thực hiện.
Báo cáo đánh giá Bộ GTVT đã “thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình”.
Đọc thông tin này xong, tôi không khỏi ngạc nhiên bởi mỗi năm trung bình có tới 10 cuộc thanh, kiểm tra, tức là hơn một tháng thanh, kiểm tra một lần với “đầy đủ trách nhiệm của mình” nhưng rồi vẫn xảy ra hàng loạt sai phạm, công trình xuống cấp nghiêm trọng, nhiều cá nhân bị khởi tố, bắt giam thì thành thật, không hiểu họ đã thanh, kiểm tra cái gì? Trách nhiệm của họ ở đâu? Liệu có cần đến việc thanh, kiểm tra này nữa không?
Về bài báo thứ hai viết: Xe buýt sẽ được đổi tên thành “xe khách thành phố”- đề xuất của Bộ GTVT trong dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi. Tại sao và để làm gì? Không rõ”.
Sự việc này khiến nhớ lại cách đây không lâu, Bộ GTVT đã làm “náo động” dư luận bởi việc “sính từ” khi thay “thu phí” bằng “thu giá” để rồi sau một thời gian, “tít mù vòng quanh”, lại quay về cũ: “Thu phí”.
Thế mà không hiểu vì sao Bộ GTVT lần này lại tiếp tục đưa ra việc đổi tên “xe buýt” thành “xe khách thành phố” vừa dài dòng, vừa không chính xác.
Nói dài dòng bởi nó đang ngắn gọn gồm 2 từ “xe buýt” thành cụm từ nhiều chữ “xe khách thành phố”.
Nói nó không chính xác bởi giờ đây, mạng lưới xe buýt không chỉ nằm gọn trong thành phố mà nó vươn tới nhiều thị trấn và cả những trung tâm ở nông thôn.
Trong khi từ “buýt” vốn phiên âm từ tiếng Pháp “là một loại xe có bánh lớn, chạy bằng động cơ và được chế tạo để chở nhiều người. Từ “buýt” trong tiếng Việt đến từ autobus trong tiếng Pháp; các từ bus, autobus… trong các ngôn ngữ châu Âu có gốc từ omnibus trong tiếng Latinh có nghĩa là “dành cho mọi người”. Đó là chưa kể “buýt” còn mang yếu tố lịch sử và vốn đã rất thân quen trong đời sống người Việt bao năm nay.
Phải chăng gần đây, bộ phận tham mưu của Bộ GTVT nhiều người “sính từ”,“ngộ chữ” nên mới có những sự thay đổi này? Chịu!
Từ hai vụ việc trên, theo tôi, Bộ GTVT nên tập trung nhiều cho chuyên môn, cụ thể ở đây là xem lại việc thanh, kiểm tra đồng thời qui trách nhiệm cho những người làm công tác này, không thể vô trách nhiệm với những kết luận của mình rồi “Sống chết mặc bay…”.
Việc “chữ nghĩa”, xin đừng làm phức tạp những điều đơn giản và quen thuộc!
Bùi Hoàng Tám/DT