Thành quả từ mối quan hệ nồng ấm Trump – Kim
Nguy cơ Triều Tiên phát động chiến tranh với Mỹ và đồng minh giảm rõ sau cuộc gặp Trump – Kim ở Khu Phi quân sự liên Triều.
Ngay trước khi tuyên thệ nhậm chức tổng thống, Donald Trump nhận được lời cảnh báo từ người tiền nhiệm Barack Obama rằng Triều Tiên sẽ là thách thức về chính sách ngoại giao lớn nhất mà chính quyền mới phải đối mặt.
Song sau hai năm rưỡi nhiệm kỳ của Trump, có vẻ Bình Nhưỡng không còn là vấn đề lớn như cảnh báo của Obama, vì mối quan hệ cá nhân giữa Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bỗng phát triển mạnh mẽ.
Hai hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều hồi tháng 6 năm ngoái và tháng hai năm nay cùng một cuộc gặp ngẫu hứng kéo dài một tiếng hôm 30/6 ở Khu Phi quân sự (DMZ) liên Triều đã chứng tỏ mối quan hệ giữa họ đủ sức giúp hai nước tránh được nguy cơ xung đột quân sự. Dù Triều Tiên vẫn sở hữu tên lửa và bom hạt nhân, giờ đây có rất ít khả năng Bình Nhưỡng sẽ sử dụng chúng để chống lại Washington hoặc các đồng minh châu Á của Mỹ, chuyên gia nhận định.
Điều này có nghĩa dù Trump không đạt được mục tiêu như đã tuyên bố là sẽ đưa Bình Nhưỡng vào tiến trình phi hạt nhân hóa, mối quan hệ thân tình giữa ông với lãnh đạo Triều Tiên đã làm lắng dịu căng thẳng đến mức Triều Tiên có lẽ không còn là mối lo ngại lớn với Mỹ, ít nhất vào thời điểm hiện tại.
Hơn nữa, Nhà Trắng được cho là đang cân nhắc kế hoạch, theo đó, chấp nhận một thỏa thuận đóng băng tạm thời các chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt của Triều Tiên trước khi thúc đẩy Bình Nhưỡng phá bỏ hoàn toàn chúng.
Chưa rõ liệu Trump có chủ ý tính toán rằng cách đối đãi như bạn bè với Kim, trong đó có việc gửi cho lãnh đạo Triều Tiên những bức thư nồng thắm, sẽ giúp kiểm soát mối đe dọa từ Bình Nhưỡng hay không.
Năm 2017, Trump thề trút “lửa và cuồng nộ” cũng như “hủy diệt hoàn toàn” Triều Tiên. Dù ông không làm như vậy, việc mối quan hệ Mỹ – Triều được cải thiện hiện nay cho thấy một giải pháp khá thông minh cho vấn đề từng làm đau đầu ba đời tổng thống Mỹ trước Trump.
“Giữ các căng thẳng với Triều Tiên ở mức thấp và dễ đoán giúp chúng ta có nhiều lợi thế chiến lược hơn trong khu vực”, Mintaro Oba, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách vấn đề Triều Tiên dưới thời chính quyền Obama, nói.
Giới phân tích đánh giá Kim Jong-un lâu nay vẫn tin rằng sở hữu một chương trình hạt nhân đáng tin cậy sẽ củng cố sự tồn tại chính quyền của ông, chủ yếu nhờ tác dụng răn đe trước Mỹ. Vậy nên, ông không có động lực để từ bỏ kho vũ khí hạt nhân, đặc biệt khi Triều Tiên đã phát triển được những vũ khí uy lực, trong đó có bom nguyên tử và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đủ khả năng vươn đến lãnh thổ Mỹ.
Tuy vậy, tại hội nghị thượng định Mỹ – Triều ở Singapore hồi năm ngoái, Trump và Kim đã nhất trí hai bên phải cải thiện mối quan hệ trước khi nghiêm túc đàm phán phi hạt nhân hóa. Điều này phần nào giải thích tại sao Trump dồn nỗ lực để thu phục Kim Jong-un, ngoài lý do chính là muốn xây dựng hình ảnh bản thân như một nhà thương thuyết đại tài, giúp đem về lợi thế trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.
Hai cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều ở Singapore và Hà Nội và cuộc gặp ngắn ở khu vực biên giới liều Triều tuần qua không giúp thúc đẩy Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân nhưng lại giúp hai lãnh đạo theo đuổi con đường ngoại giao thay vì tiến tới chiến tranh. Điều này đã là một chiến thắng với Tổng thống Mỹ, bởi chừng nào ông và Kim vẫn tiếp tục giao thiệp hoặc ít nhất muốn giao thiệp, vấn đề Triều Tiên sẽ không còn là mối lo ngại cấp bách đối với Washington.
“Họ có đủ vật liệu phân hạch để chế tạo đến 65 đầu đạn hạt nhân. Điều đó thật tệ hại nhưng phải chấp nhận thực tế. Chúng ta có thể phải tìm cách ngăn chặn họ hàng ngày”, Harry Kazianis, chuyên gia nghiên cứu Triều Tiên thuộc Trung tâm Lợi ích Quốc gia Mỹ có trụ sở ở Washington, nói.
Mặt khác, đối xử tốt với Triều Tiên sẽ kiềm chế ý định của Bình Nhưỡng về việc tấn công Washington, cho phép chính quyền Mỹ tập trung vào các vấn đề cấp bách khác, Oba nhận xét. Một chính quyền Triều Tiên hòa hoãn hơn sẽ tạo điều kiện để Nhà Trắng “hướng nguồn lực và sự tập trung vào quyền lực của Mỹ và các vấn đề an ninh quan trọng khác”.
Song cách tiếp cận “tạo dựng tình bạn” của Trump đang vấp phải sự chỉ trích từ nhiều người vốn lo ngại rằng khi Tổng thống Mỹ đề cao mối quan hệ cá nhân, ông sẽ gây ảnh hưởng đến mục tiêu ban đầu là xử lý vũ khí hạt nhân Triều Tiên.
Joseph Yun, cựu đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên, cho rằng việc cải thiện quan hệ Washington – Bình Nhưỡng mang lại giá trị nhất định, nhưng theo ông là chưa đủ. “Nếu chính quyền Trump dừng lại bây giờ, tình hình sẽ không khá hơn vì bất cứ ai lên làm tổng thống kế tiếp của Mỹ cũng có thể làm khác đi. Đó là lý do chúng ta cần thấy một mối quan hệ bình thường hóa thực chất và một số tiến triển trong quá trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên trước khi Mỹ chuyển sang chính quyền mới”, ông bình luận.
Nói cách khác, mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên hiện có nhiều dấu hiệu tích cực, nhưng nó chưa chắc đã được bảo toàn khi một tổng thống Mỹ khác lên nắm quyền. Hơn nữa, việc Washington không mạnh mẽ thúc ép phi hạt nhân hóa nhưng vẫn tiếp xúc với Bình Nhưỡng trên thực tế cho thấy Mỹ đã chấp nhận xem Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân và chừng nào Triều Tiên còn sở hữu vũ khí hạt nhân và tên lửa, mối đe dọa vẫn tồn tại.
“Các mối quan hệ cá nhân luôn khó lường, có thể chuyển biến xấu bất cứ lúc nào và các đồng minh ở Seoul và Tokyo, thậm chí ở Washington, không thể đặt cược rằng Bình Nhưỡng không bao giờ tấn công họ”, Duyeon Kim, chuyên gia nghiên cứu Triều Tiên từ Trung tâm An ninh Mỹ Mới, cho hay.
“Mối quan hệ giữa lãnh đạo Mỹ – Triều nồng ấm không có nghĩa là mối quan hệ giữa hai đất nước tốt đẹp”, Duyeon nói thêm, lưu ý rằng Triều Tiên nhiều khả năng sẽ tiếp tục chỉ trích Mỹ nếu không hành động đủ nhanh về viêc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Lúc đó, chiến lược “ngoại giao tình bạn” có nguy cơ gây tổn thương cho Mỹ về lâu dài.
“Cách Trump thực hiện chiến lược ngoại giao này phá hủy uy tín của Mỹ ở châu Á, khiến các đồng minh như Hàn Quốc và Nhật Bản phải đề phòng chúng ta, giúp Kim Jong-un cảm thấy tự tin hơn và tạo điều kiện để Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng”, Ben Rhodes, cố vấn chính sách ngoại giao dưới thời chính quyền Obama, nói.
“Mỹ có thể kiểm soát Triều Tiên trong ngắn hạn nhờ cách tiếp cận trên nhưng bản chất chính quyền Triều Tiên cũng như chương trình vũ khí và tên lửa hạt nhân của họ không thay đổi”, Rhodes nhấn mạnh.
Song theo một số chuyên gia, mối quan hệ Mỹ – Triều giờ đây gần như phụ thuộc vào tình bạn Trump – Kim. Nếu tình bạn này giúp xóa bỏ “bóng ma chiến tranh” và đưa được Washington và Bình Nhưỡng vào lộ trình dài hạn hơn để tiến đến mục tiêu xây dựng hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, đây sẽ là một viễn cảnh đáng mong chờ. “Bước đi tạm thời này là hữu ích ở thời điểm hiện tại”, Yun bình luận.
(Theo VnExpress)