“Thành phố ma” – Nơi người sống và người chết nuôi nhau
Cách TP. Huế không xa, có một ngôi làng mang tên “thành phố ma”. Ở đây, có một điều kỳ lạ là những người sống rót tiền tỷ “nuôi” người đã chết và cũng có không ít trường hợp người chết “nuôi” người đã sống.
Khu nghĩa địa toạ lạc tại làng An Bằng được mệnh danh là “thành phố ma” của tỉnh Thừa Thiên Huế. Ngôi làng có 95% dân số định cư ở nước ngoài, chủ yếu là nước Mỹ. Nơi đây được xem là khu nghĩa địa đẹp và xa hoa bật nhất Việt Nam. Có hàng nghìn khu lăng mộ xa hoa bậc nhất cả nước. Có lăng tiền tỷ vừa xây xong bị đập xây lại vì không bằng người ta, cái xây sau phải đẹp, phải đắt tiền hơn cái trước mới chịu và nó đã trở thành trào lưu tại ngôi làng này. Nhiều ngôi mộ còn được mắc điện thắp sáng cả đêm, hồ bán nguyệt, tiểu cảnh, nhà vệ sinh, phòng ngủ cho người nằm canh mộ,….
Theo những người cao niên trong làng cho biết, hầu hết các lăng mộ An Bằng đều lấy mẫu thiết kế chung từ lăng vua Khải Định, sau đó việc biến hóa thêm hay bớt tùy thuộc vào sở thích của mỗi chủ nhân. Các lăng mộ thiết kế như lăng mộ vua chúa, cũng tam quan với mái ngói lưu ly, câu đối, bia đá, trụ biểu, la thành,… rực rỡ sắc màu nhờ bàn tay người thợ khảm sành sứ giỏi.
Khu nghĩa địa có quy mô đồ sộ, với diện tích rộng hơn 40 ha, được khoanh làm bốn vùng rộng lớn gồm Bằng Thượng, Trung Hải, Định Hải và An Mỹ. “Làng này tổng cộng có 44 họ tộc với lịch sử gần 500 năm. Các lăng mộ nơi đây đều do con cháu các họ tộc góp tiền xây dựng” hiện nay làng An Bằng có khoảng 10.000 lăng mộ, mỗi ngôi mộ có chi phí trung bình từ 800 triệu đến 2 tỷ, có những ngôi mộ mới xây có giá lên đến 4 tỷ đồng.
Tổng thể khu lăng mộ tại đây độc đáo về kiến trúc, đủ các phong cách Phật, Thiên chúa giáo, Lão Giáo, Hồi giáo, châu Âu… đều xây bằng tiền do con cháu ở nước ngoài gửi về. Chính quyền địa phương cho biết, những năm 90 của thế kỷ trước, những người An Bằng định cư ở nước ngoài ăn nên làm ra ồ ạt gửi tiền về xây lăng mộ để… báo hiếu. Do địa phương chưa có quy hoạch nên mạnh ai nấy làm, từng nhà, từng dòng tộc thi nhau giành đất để xây lăng, đắp mộ. Có nhiều ngôi mộ diện tích lên tới cả ngàn mét vuông. Chỉ trong một thời gian ngắn, những cồn cát xưa kia đã được bịt kín bằng lăng mộ. Lăng mộ “bao vây” nhà ở người dân, dường như nơi đây không có ranh giới giữa người sống và người chết.
Việc người sống rót tiền tỷ vào người chết là điều không bàn cãi, nhưng cũng từ “thành phố lăng” này, những dịch vụ đi kèm đã trở thành “cần câu cơm” của nhiều người đang sống. Dạo một vòng qua khu nghĩa trang, sẽ bắt gặp rất nhiều thợ xây đang cặm cụi bên những lăng mộ. Thỉnh thoảng từng đoàn xe trâu chở cát, vật liệu xây dựng lại đến tập kết tại các điểm xây lăng, làm cho không khí nghĩa trang nhộn nhịp hẳn lên.
Chẳng khác gì cung vua phủ chúa. Những thợ xây mộ tại đây không chỉ biết cách xây mà cần có sự khéo léo, kèm thêm một chút kinh nghiệm. Khi xây những ngôi nhà ở bình thường những chi tiết còn thô thì họ bỏ qua, nhưng xây huyệt mộ chỉ cần sơ suất nhỏ thôi là mình phải làm lại ngay. Không những giỏi nghề mà họ còn phải nghiên cứu về kiểu cách xây, biết kết hợp hài hòa giữa kiến trúc vua chúa và kiến trúc hiện đại. Chính vì vậy, những người thợ ở làng Vinh Thanh rất được lòng người dân An Bằng.
Có nhiều trường hợp thợ nề sau thời gian làm ở đây đã xuất ngoại, họ được các mối ở nước ngoài mời sang. Việc đi xuất ngoại giúp họ thu nhập cao hơn gấp nhiều lần trong nước. Điều đặc biệt của các thợ nề xuất ngoại là giỏi về nghệ thuật điêu khắc đá, vẽ tranh, hoa văn và kỹ thuật gắn miếng vỡ từ loại chén bát có men. Sự khéo léo tinh tế của những thợ kép thể hiện trong tạo hình, đắp nổi, trau chuốt từng chi tiết nhỏ nhất.
Một dịch vụ đặc biệt nữa là việc thuê thắp nhang, bật điện ban đêm, quét dọn lăng mộ,… cũng rất phát triển ở đây. Theo tiết lộ của những người làm công, đối với những công việc đó mỗi tháng một người nhận được từ 2 đến 4 triệu đồng/tháng, lễ tết được thưởng thêm như những công việc khác.
TH