Tham vọng thực sự của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan muốn nhiều hơn là chỉ kiểm soát vạt đất rộng lớn ở Syria dọc theo biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Nhà lãnh đạo này nói ông muốn có Bom.
Một tháng trước khi tấn công sang các vùng người Kurd ở miền Bắc Syria, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố “không chấp nhận” các giới hạn của phương Tây ngăn ông có được bom hạt nhân.
Trước khi ra lệnh tiến hành chiến dịch Mùa xuân Hòa bình qua biên giới vào miền bắc Syria để dọn dẹp các khu vực người Kurd, Tổng thống Erdogan không hề giấu diếm tham vọng lớn hơn của mình.
“Một số quốc gia có tên lửa với các đầu đạn hạt nhân”, ông nói tại một cuộc họp với đảng cầm quyền hồi tháng 9. Phương Tây khăng khăng “chúng ta không thể có những vũ khí đó. Điều này, tôi không thể chấp nhận”.
Với Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang công khai đối đầu với các đồng minh trong NATO, ngoài việc giành thắng lợi thế khi quyết tấn công quân sự vào Syria rồi rút đi, Tổng thống Erdogan còn có một ý đồ khác. Nếu Mỹ không thể ngăn Ankara đánh đuổi các tay súng Kurd vốn là đồng minh của Washington thì làm sao cường quốc số 1 thế giới có thể ngăn ông chế một vũ khí hạt nhân hoặc theo chân Iran thu gom công nghệ để đạt mục tiêu này?
Đây không phải lần đầu tiên ông Erdogan nhắc đến việc thoát khỏi những hạn chế áp lên các nước đã ký Hiệp ước Không phổ biến Hạt nhân, và cũng không ai dám chắc về ý định thực sự của ông. Erdogan vốn là bậc thầy trong việc giữ cho các đồng minh và đối thủ khỏi sự cân bằng, như Tổng thống Trump đã chỉ ra cách đây 2 tuần.
“Người Thổ Nhĩ Kỳ đã nói nhiều năm qua rằng họ sẽ đi theo những gì Iran đang làm”, theo John J. Hamre, cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ hiện đang điều hành Trung tâm nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược ở Washington. “Nhưng lần này thì khác. Erdogan vừa tạo điều kiện cho Mỹ rút khỏi khu vực”.
“Có lẽ, cũng như người Iran, ông ấy cần chứng tỏ mình đang ở ranh giới hai sân, rằng ông có thể có được vũ khí vào bất kỳ lúc nào”, Hamre nói.
Nhưng các chuyên gia nghi ngờ ông Erdogan có thể cất được một vũ khí trong bí mật. Và bất kỳ động thái công khai nào nhằm đạt được nó đều có thể tạo ra một cuộc khủng hoảng lớn: Nước ông sẽ trở thành thành viên NATO đầu tiên vi phạm hiệp định và tự trang bị cho mình vũ khí tối thượng.
Thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ đã có trong tay các thành phần của một chương trình bom hạt nhân: các kho uranium và các lò phản ứng nghiên cứu, cùng các mối quan hệ bí ẩn với thị trường chợ đen. Nước này cũng đang xây lò phản ứng điện lớn nhất để sản xuất điện với sự giúp đỡ của Nga. Tất cả những điều đó đang gây lo ngại, vì Tổng thống Erdogan không nói sẽ xử lý rác thải hạt nhân thế nào. Nga cũng chính là nước đã giúp Iran xây dựng lò phản ứng Bushehr.
Giới chuyên gia cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ phải mất một số năm mới có được một vũ khí hạt nhân, trừ khi ông Erdogan tự mua về. “Erdogan đang dùng những tuyên bố hạt nhân của mình để lấy lòng những người bài Mỹ ở trong nước, nhưng ông khó mà theo đuổi được các vũ khí hạt nhân”, Jessica C. Varnum, một chuyên gia về Thổ Nhĩ Kỳ tại Trung tâm Middlebury’s James Martin về các nghiên cứu không phổ biến hạt nhân ở Monterey, California, bình luận.
“Vì vậy sẽ có những cái giá đắt về kinh tế và uy tín đối với Thổ, gây thiệt cho túi tiền của các cử tri của Erdogan”.
Những có một yếu tố khác góp phần thúc đẩy tham vọng của Tổng thống Erdogan: Khoảng 50 quả bom hạt nhân Mỹ đang được cất giữ ở Thổ Nhĩ Kỳ. Mỹ chưa bao giờ công khai thừa nhận sự tồn tại của chúng cho đến thứ Tư tuần trước (16/10), khi ông Trump thực sự lên tiếng. Khi được hỏi về sự an toàn của số bom trên, được giữ trong một boongke do Mỹ kiểm soát ở Căn cứ Không quân Incirlik, ông Trump nói: “Chúng tôi tự tin, và chúng tôi có một căn cứ không quân lớn ở đó, một căn cứ không quân rất uy lực”.
Nhưng không phải ai cũng tự tin như vậy, bởi vì căn cứ không quân này thuộc về chính phủ Thổ. Nếu các mối quan hệ với Ankara đổ bể thì Washington chưa chắc tiếp cận được căn cứ đó.
Thổ Nhĩ Kỳ vốn là một căn cứ cho vũ khí hạt nhân Mỹ hơn 60 năm qua. Ban đầu, chúng được trù tính để ngăn chặn Liên Xô, và trở thành lá bài mặc cả trong nỗ lực tháo ngòi cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, khi Tổng thống John F. Kennedy bí mật đồng ý cho di chuyển tên lửa khỏi Thổ Nhĩ Kỳ còn Liên Xô làm điều tương tự ở Cuba.
Các vũ khí chiến thuật đó giờ vẫn còn nguyên. Theo năm tháng, các quan chức người Mỹ bày tỏ lo ngại về số phận của chúng. Chúng không còn tác dụng về chiến lược để đấu với Nga nữa nhưng là một phần chiến lược của NATO trong việc giữ cho các chủ thể của khu vực trong tầm kiểm soát, và khiến cho Thổ Nhĩ Kỳ cảm thấy không cần phải tự sắm bom.
Thanh Hảo/Vietnamnet