Tham vọng thống trị thị trường tài chính toàn cầu của Trung Quốc
Trong lúc Trung Quốc đang nỗ lực thu hút vốn trên toàn cầu thì Mỹ lại đi theo hướng ngược lại. Mỹ có nguy cơ đánh mất vị trí thống lĩnh trong ngành dịch vụ tài chính quốc tế.
Mỹ hiện vẫn là thế lực thống trị trong ngành dịch vụ tài chính, dẫn đầu gần như tất cả các địa hạt của ngành này, từ các quỹ đầu tư mạo hiểm và quỹ đầu tư nhân đến lĩnh vực ngân hàng và quản lý tài sản. Quy mô và tính thanh khoản của thị trường vốn Mỹ là bệ đỡ duy trì vị thế ưu việt của đồng USD, cho phép người Mỹ chi trả ít hơn khi mua hàng hóa nước ngoài cũng như tài trợ cho việc chi tiêu của chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, vị trí thống lĩnh trong ngành tài chính của nước Mỹ đang ngày càng bị thách thức bởi sự cạnh tranh gay gắt từ nước ngoài cùng các chính sách thiếu tầm nhìn và phản tác dụng từ trong nước. Duy trì tính ưu việt của Mỹ trong lĩnh vực tài chính nên là ưu tiên hàng đầu của chính quyền Biden.
Từ trước tới nay, những thách thức đối với vị thế dẫn đầu của nước Mỹ thường đến từ các trung tâm tài chính lâu đời như London, Hồng Kông và Tokyo. Tuy nhiên Trung Quốc đại lục đang nổi lên trở thành một đối thủ nặng ký trong ngành dịch vụ tài chính những năm sắp tới.
Tháng trước, việc Ant Group hủy vào phút chót đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu tiên (IPO) – dự kiến là lớn nhất thế giới khi huy động được khoảng 34 tỷ USD – là lời nhắc nhở nhiều nhà đầu tư về những rủi ro của thị trường Trung Quốc. Tuy vậy, quy mô của đợt IPO này đã cho thấy khả năng thu hút lượng vốn khổng lồ của Trung Quốc. Bất chấp sự cố lần này, các sàn giao dịch nội địa của Trung Quốc đang rất thuận lợi cho việc phát triển trong tương lai.
Trung Quốc hiện đang đi sau các trung tâm tài chính phát triển và đã quá trễ để nước này bắt đầu mở cửa và thu hút các tổ chức tài chính hàng đầu ở nước ngoài. Thị trường Trung Quốc có nhiều bất cập về các vấn đề quản trị và kế toán, tuy nhiên Bắc Kinh đang nỗ lực cải thiện hệ thống luật lệ trong nước nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế cũng như tăng cường sự minh bạch và cơ chế thực thi pháp luật. Sự phục hồi tương đối nhanh của Trung Quốc sau đại dịch COVID-19 mà không cần một biện pháp kích thích tài chính lớn nào đã cho phép nước này duy trì mức lãi suất cao hơn và đồng tiền mạnh hơn. Điều này đang thu hút dòng vốn đầu tư lớn vào cổ phiếu Trung Quốc và các loại chứng khoán khác. Thượng Hải đứng đầu trong số các sàn giao dịch toàn cầu về số lượng IPO cũng như số vốn huy động được trong chín tháng đầu năm 2020. Các đợt IPO này cho thấy một điều là các doanh nghiệp có thể huy động một lượng vốn lớn mà không cần phụ thuộc vào hệ sinh thái tài chính của Mỹ.
Trong lúc Trung Quốc đang nỗ lực thu hút vốn trên toàn cầu thì Mỹ lại đi theo hướng ngược lại. Nói cho cùng thì sức mạnh của thị trường vốn Mỹ là dựa trên niềm tin vào tính ổn định của kinh tế vĩ mô cũng như chính sách tài khóa và khả năng phục hồi nhanh chóng của một nền chính trị cởi mở.
Chính phủ Mỹ đã làm suy yếu niềm tin này qua những hành động thiếu tầm nhìn cũng như các sai sót tài khóa diễn ra trong thời gian dài. Nỗ lực loại bỏ các công ty hoạt động hợp pháp của Trung Quốc khỏi các sàn giao dịch của Mỹ có thể tốt về mặt chính trị nhưng cũng sẽ mang tới những rủi ro nghiêm trọng mà hiện không được đánh giá đúng mức. Chính xác là những nỗ lực này đến không đúng thời điểm, nó khiến nhu cầu của Trung Quốc đối với đồng USD giảm đi ngay vào thời điểm nước Mỹ đang phải gánh các khoản nợ lớn. Hy vọng Trung Quốc sẽ không suy nghĩ lại về sự khôn ngoan khi nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ.
Trong khi các nhà đầu tư trên khắp thế giới đang thu lợi từ việc đầu tư vào cổ phiếu tại thị trường Trung Quốc thì Washington lại đang gây khó khăn cho các nhà đầu tư Mỹ tung tiền vào thị trường này. Đúng là nên tránh những rủi ro này, nhưng trừ khi có một biến cố bất thường nào đó xảy ra, Trung Quốc vẫn là nền kinh tế lớn có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới và sẽ vượt qua Mỹ về quy mô trong tương lai gần. Trung Quốc đã soán ngôi Mỹ về số lượng công ty trong bảng xếp hạng 500 công ty, tập đoàn hàng đầu thế giới dựa theo doanh số của tạp chí Fortune. Các trung tâm tài chính khác như Hồng Kông, London, Tokyo và thậm chí cả Thượng Hải sẽ phải cạnh tranh để thu hút các công ty Trung Quốc đến niêm yết trong khi Mỹ đang e ngại điều này.
Một mối đe dọa căn cơ hơn đối với nước Mỹ là thiếu ý chí chính trị để đối phó với tình trạng thâm hụt cơ cấu kéo dài (structural deficit), điều đã làm suy giảm niềm tin vào nền kinh tế và đồng USD. Lãi suất hiện ở mức thấp nhất trong lịch sử và nợ liên bang đang chiếm tỷ trọng lớn chưa từng có trong nền kinh tế kể từ sau Thế chiến II. Nợ công của Mỹ sẽ tiếp tục tăng khi Washington chi tiền cho các biện pháp kích thích và phục hồi kinh tế dưới tác động của đại dịch COVID-19. Khi mức nợ tăng cao, sức hấp dẫn đối với trái phiếu Mỹ sẽ giảm dần. Một hệ thống tài chính đẳng cấp thế giới không thể tồn tại ở một quốc gia không duy trì được chất lượng tín dụng (credit quality) của mình. Khi đại dịch qua đi, điều quan trọng nhất cần làm là chặn đứng đà tăng nhanh của nợ công. Nếu không, đồng đô-la sẽ bị mất giá trị và Washington sẽ không thể tiếp tục thanh toán cho các khoản chi tiêu của mình.
Vị thế thống lĩnh trong ngành dịch vụ tài chính là sức mạnh cốt lõi của nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên vị thế dẫn đầu này không phải đã được định sẵn từ trước. Nếu muốn giữ vững nó, nước Mỹ cần phải phát huy những thế mạnh đã đưa thị trường vốn phát triển và trở thành niềm ao ước của thế giới. Đồng thời, cách tiếp cận để đối phó với Trung Quốc cũng cần khôn ngoan hơn, một trong số đó là tránh những xung đột không cần thiết và tận dụng các cơ hội hiện có để thu hút thêm vốn đầu tư.
Henry M. Paulson Jr., “China Wants to Be the World’s Banker”, WSJ, 9/12/2020. Henry M. Paulson Jr. là Bộ trưởng Tài Chính Mỹ giai đoạn 2006-2009 và là chủ tịch của Viện Paulson.
Người dịch: Nguyễn Thanh Hải