Tham nhũng đi vào ‘lịch sử tư pháp’

05/11/2019 15:23

‘Đây là lần đầu tiên trong lịch sử tư pháp Việt Nam các bị cáo trong một vụ án thừa nhận hành vi nhận hối lộ với số tiền lớn đến như vậy’ – đại biểu Mai Thị Phương Hoa phát biểu trước Quốc hội về vụ án Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn.

Tham nhũng đi vào lịch sử tư pháp - Ảnh 1.
Lực lượng chức năng đã tiến hành khám xét nhà riêng của ông Nguyễn Bắc Son – ẢNh: VŨ TUẤN

Các nguồn lực cho công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật mặc dù đã được quan tâm nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Trình độ nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm của một số cán bộ thực thi pháp luật còn hạn chế, thậm chí có sai phạm, tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ làm ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Công an, đại tướng TÔ LÂM

Ngày 4-11, Quốc hội họp phiên toàn thể để nghe và thảo luận về các báo cáo của Chính phủ về công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, phòng chống tham nhũng, thi hành án; báo cáo của chánh án TAND tối cao, viện trưởng Viện KSND tối cao.

Vụ án hãn hữu

Đề cập đến vấn đề điều tra, xét xử tội phạm tham nhũng, lấy ví dụ vụ Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn bị khởi tố về tội nhận hối lộ với số tiền rất lớn, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho rằng các cơ quan tiến hành tố tụng đã rất nỗ lực để chứng minh được hành vi đưa và nhận hối lộ để xử lý nghiêm minh.

Tuy vậy, đây lại là một vụ án hãn hữu được làm sáng rõ so với rất nhiều án kinh tế mà cơ quan tiến hành tố tụng không chứng minh được hành vi đưa và nhận hối lộ.

Bà Hoa nêu ví dụ: “Vụ án Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam và các đồng bọn trong quá trình bị điều tra về các tội như đánh bạc, tổ chức đánh bạc, rửa tiền thì còn bị khởi tố về hành vi đưa hối lộ. Sau đó được Viện KSND tỉnh Phú Thọ ra quyết định đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự về tội đưa hối lộ do được hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước.

Như vậy, lời khai về việc đưa hối lộ vẫn còn đó. Đáng lưu ý là trong vụ án này, không có bị cáo nào bị truy tố về tội nhận hối lộ”.

Bà đề nghị các cơ quan có trách nhiệm làm rõ nghi vấn nhận hối lộ trong vụ án đánh bạc ngàn tỉ nêu trên, đồng thời đặt ra câu hỏi: “Việc chậm trễ này đã làm cho dư luận bức xúc và cho rằng việc xử lý tham nhũng vẫn còn chưa nghiêm, chưa triệt để.

Đồng thời, dư luận cũng băn khoăn đặt câu hỏi phải chăng hành vi đưa và nhận hối lộ khó chứng minh hay còn có nguyên nhân chủ quan nào khác?”.

Tham nhũng đi vào lịch sử tư pháp - Ảnh 3.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định Mai Thị Phương Hoa phát biểu ý kiến – Ảnh: TTXVN

Cả tấn ma túy chỉ là “phần nổi của tảng băng”

Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an, đại tướng Tô Lâm cho biết trong năm 2019 “công tác đấu tranh với tội phạm ma túy đạt được kết quả rõ nét, trong đó đã phát hiện, triệt phá nhiều đường dây sản xuất, mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia, thu giữ số lượng ma túy đặc biệt lớn (trên 6 tấn ma túy tổng hợp)”.

Ông cũng cảnh báo tình trạng “các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia hoạt động mạnh, lợi dụng VN là địa bàn trung chuyển ma túy đi nước thứ ba, số người nghiện ma túy trong nước tiếp tục gia tăng gây áp lực lớn làm phát sinh tội phạm và tệ nạn xã hội”.

Vấn nạn ma túy cũng chính là sự lo lắng của nhiều đại biểu Quốc hội. “Ma túy là hiểm họa, nếu không ngăn chặn được thì đây là hiểm họa của dân tộc. Số lượng ma túy bắt được qua các vụ án rất lớn, nhưng đây mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm” – đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) bình luận.

Tham nhũng đi vào lịch sử tư pháp - Ảnh 4.

Quá nhẹ tay với tội phạm môi trường

Trình bày báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu vấn đề: “Tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là xử lý rác thải, xả nước thải công nghiệp chưa qua xử lý, ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn và ô nhiễm nguồn nước đáng báo động nhưng công tác phòng ngừa, xử lý chưa đạt yêu cầu, việc xử lý hình sự còn rất thấp so với số vi phạm phát hiện được (chiếm 1,58%)”.

Đại biểu Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) dẫn các số liệu cụ thể: năm 2019 đã phát hiện 22.535 vụ vi phạm pháp luật về môi trường với 2.782 tổ chức và 20.663 cá nhân vi phạm, nhưng cơ quan điều tra chỉ khởi tố được 355 vụ và 395 bị can, xử lý hành chính 19.600 trường hợp, phạt 243 tỉ đồng.

“Tôi cho rằng việc xử lý vừa qua của các cơ quan chức năng là chưa đủ sức răn đe. Gần đây, vụ đổ trộm dầu thải tại khu vực Nhà máy nước Sông Đà khiến nguồn nước bị ô nhiễm làm ảnh hưởng hơn 300.000 hộ gia đình ở Hà Nội.

Vụ cháy ở Nhà máy bóng đèn, phích nước Rạng Đông làm phát tán thủy ngân và một số hóa chất khác làm ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân xung quanh nhà máy. Tình trạng xả thải gây nguy hại môi trường vượt quy chuẩn cho phép tại nhiều khu, cụm công nghiệp.

Tuy nhiên, việc xử lý các vi phạm về bảo vệ môi trường vẫn đang là vấn đề đối với các cơ quan quản lý nhà nước” – đại biểu Hùng nêu.

Xem lại chính sách với người nghiện ma túy

Đa số đại biểu kiến nghị Quốc hội xem xét lại chính sách đối với người nghiện ma túy. Đại biểu Triệu Thanh Dung (Cao Bằng) đặt vấn đề “phải coi hành vi sử dụng trái phép chất ma túy là hành vi vi phạm pháp luật”.

“Hiện nay, 230.000 người nghiện có hồ sơ quản lý, hàng trăm ngàn người sử dụng ma túy, mỗi năm khoảng 1.600 người chết vì nghiện ma túy. Hơn 50% số người nghiện ở độ tuổi thanh thiếu niên, thế hệ tương lai của đất nước đang bị hủy hoại vì ma túy” – đại biểu Dung cảnh báo.

 

“Chiều hướng thuyên giảm” của tham nhũng

“Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm mặc dù vẫn còn phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực và tinh vi hơn, nhất là tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc để vụ lợi” – Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái báo cáo Quốc hội.

Đó cũng là cụm từ quen thuộc trong các báo cáo của Chính phủ mấy năm gần đây. Rất khó để chứng minh nhận định này bằng định lượng, ngoài niềm tin vào các chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng và việc một số vụ án lớn được đưa ra ánh sáng.

Chính vì vậy, khi thẩm tra, Ủy ban Tư pháp đưa ra nhận định mà chủ yếu dựa vào cảm nhận: “Tham nhũng vặt vẫn tiếp tục diễn ra trên nhiều lĩnh vực, nhất là ở cơ sở và chưa bị đẩy lùi”.

Đồng thời với nhận định, báo cáo của Chính phủ cũng đưa ra các con số rất lớn: “Các bộ, ngành, địa phương đã mở trên 135.600 lớp tuyên truyền cho trên 3,2 triệu cán bộ, nhân dân; xuất bản trên 2,4 triệu đầu sách, tài liệu tuyên truyền về phòng chống tham nhũng”.

Rồi “việc kê khai tài sản, thu nhập đạt tỉ lệ 99,9% số người phải kê khai. Công khai bản kê khai đạt tỉ lệ 99,4%”. Nhưng cũng như nhận định nêu trên, các số liệu này rất khó cảm nhận.

Người dân từ lâu đã quen với các khái niệm mang tính hình tượng cao nhưng lại dễ hiểu như “củi lửa”, “cho vào lò”. Một trong số các “củi lửa” như vậy đã đi vào “lịch sử tư pháp VN” như đại biểu điểm danh là vụ Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn và đồng phạm nhận hối lộ cả triệu USD.

Lại nhớ trước thời điểm năm 2005, khi Quốc hội thảo luận dự án Luật phòng chống tham nhũng lần đầu tiên, nhiều đại biểu đã gay gắt coi tham nhũng là “quốc nạn”, là “giặc nội xâm” và cho rằng “đấu tranh này là trận cuối cùng”.

Trong khi trên thực tế, Luật phòng chống tham nhũng kể từ khi “ra đời” đã thi hành được 14 năm.

LÊ KIÊN

(Theo Tuổi Trẻ)

Đọc nhiều