28
category
429229

Thảm kịch máy bay làm thay đổi ngành hàng không Mỹ

13/09/2020 10:31

Khoảng 11h30 ngày 30/6/1956, hai máy bay TWA Super Constellation và United DC-7, chở 128 người, bất ngờ đâm nhau ở độ cao hơn 6.400 trên khu vực Grand Canyon.

Vụ va chạm trên không đã xé toạc phần đuôi của chiếc Constellation cũng như cắt đứt phần lớn cánh trái của chiếc DC-7. Chiếc Constellation lao xuống gần như theo chiều thẳng đứng và rơi xuống Temple Butte, khu vực khá bằng phẳng nằm cách sông Colorado khoảng hơn 90 m. Chiếc United DC-7 bay loạng choạng thêm gần 2 km về phía bắc trước khi lao xuống đỉnh Chuar Butte và rơi xuống khe núi.

Vụ tai nạn của hai máy bay chở khách này đã thay đổi ngành hàng không Mỹ theo cách mà ngày nay vẫn có thể nhận thấy. Trước tai nạn ở Grand Canyon, các vụ va chạm trên không khá phổ biến. Bài báo của Aviation Week năm 1956 chỉ ra có 127 vụ va chạm trên không đã xảy ra ở Mỹ giữa năm 1948 và 1955, liên quan tới 30 hãng hàng không thương mại. So với ngày nay, vụ tai nạn lớn nhất của hàng không Mỹ đã cách đây hơn một thập kỷ.

Tuy nhiên, tốc độ tương đối thấp của các loại máy bay khi đó dẫn tới số người chết vì tai nạn khá thấp, chỉ có 226 người thiệt mạng trong 127 vụ. Nhiều người kiểm soát không lưu năm 1955 lo ngại rằng tốc độ cao của nhiều loại máy bay mới có thể dẫn tới nhiều người chết hơn và vụ va chạm ở Grand Canyon chứng minh điều họ lo sợ nhất đã đúng. Nó được xem là vụ tai nạn hàng không thảm khốc nhất của Mỹ cho tới thời điểm đó và đã làm thay đổi hoàn toàn các biện pháp an toàn bay ở Mỹ.

Ảnh minh họa vụ va chạm của TWA Super Constellation và United DC-7 hồi tháng 6/1956. Ảnh: LostFlights Archive.
Ảnh minh họa vụ va chạm của TWA Super Constellation và United DC-7 hồi tháng 6/1956. Ảnh: LostFlights Archive.

Sau khi cả hai máy bay mất tín hiệu vô tuyến, các nhân viên kiểm soát không lưu và nhân viên mặt đất của hai hãng hàng không đã mở cuộc tìm kiếm. Ngay trước lúc mặt trời lặn, sau khi nghe thông tin trên đài về máy bay mất tích, Palen Hudgin, phi công chuyến bay ngắm cảnh cùng anh trai đã quay trở lại nơi họ từng nhìn thấy khói trước đó cùng ngày. Họ có vẻ xác định được đuôi chiếc Constellation và sau khi hạ cánh đã gọi cho hãng TWA để thông báo phát hiện này.

Đầu buổi chiều hôm đó, trung úy Miles Burd, phi công của không quân Mỹ đang cắt cỏ ở nhà thì nhận được điện thoại triệu tập tới căn cứ không quân Luke ở bang Arizona. Burd cùng một phi công khác và nhân viên kỹ thuật đã lên chiếc trực thăng H-19 hướng về phía bắc, bay cùng chiếc H-19 thứ hai do trung úy Daryl Strong điều khiển. Họ đáp xuống bãi đậu xe của một khách sạn gần sông Little Colorado.

Rạng sáng hôm sau, Burd và Strong lên cùng một chiếc H-19, trong khi đại úy Jim Womack và trung úy Phil Prince điều khiển chiếc còn lại. Cùng lúc đó, phi hành đoàn của chiếc SA-16 Albatross từ căn cứ không quân Hamilton ở California đã có mặt và phát hiện vật thể được cho là xác chiếc United, nhưng không thể hạ cánh để xác nhận. Burd và Strong đã bay qua bay lại phía trên hẻm núi này và chuẩn bị chuyển hướng tới sân bay Grand Canyon để tiếp nhiên liệu thì Burd phát hiện tia sáng trên đỉnh Chuar Butte. Không tìm được vị trí thuận lợi để hạ cánh, Burd cố gắng tiến sát và chạm bánh trên đất để nhân viên kỹ thuật cố nhoài người với lấy mảnh vỡ.

Họ quay về và hạ cánh xuống làng Grand Canyon. Burd đã nói với phóng viên đang chờ họ rằng “chúng tôi đã tìm thấy mảnh vỡ để xác minh”.

Các phóng viên cuồng nhiệt vây chặt lấy các phi công ngay cả khi họ vào phòng tắm.

Việc thu hồi những gì còn sót lại của vụ tai nạn máy bay dân sự không phải là nhiệm vụ của lực lượng không quân, nên các phi công đã trở về căn cứ Luke vào sáng thứ Hai. Nhưng các địa điểm tai nạn không thể tiếp cận bằng đường bộ hoặc quá xa để có thể đi bộ tới đó, việc thu hồi mảnh vỡ và thi thể nạn nhân phải phụ thuộc vào trực thăng. Lục quân Mỹ đã lập tức đảm nhận nhiệm vụ này. Máy bay của họ đã tới sân bay Grand Canyon từ giữa sáng chủ nhật và chiến dịch tìm kiếm bắt đầu.

Sáng sớm ngày 2/7, đại úy Walter Spriggs và cảnh sát trưởng Howard Proctor lên trực thăng H-21 cùng nửa tấn thiết bị và 5 nhân viên tìm kiếm. Họ đã để ba người tìm kiếm xuống khu vực đông nam của hẻm núi để giảm bớt trọng tải. Spriggs và nhiều phi công lục quân Mỹ từng bay qua nhiều địa hình núi ở Hàn Quốc, nhưng chưa từng gặp địa hình nào hiểm trở như Grand Canyon. Tuy nhiên, các phi công đã nhanh chóng thu xếp hạ cánh xuống một đỉnh núi nhỏ cách địa điểm máy bay TWA gặp nạn khoảng hơn 50 m. Sau khi dỡ hết thiết bị, họ quay lại khu vực đông nam để đón nhóm người còn lại.

Đội tìm kiếm đã chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng: thi thể cháy đen, mất chân mất tay, một đồng gắn chặt lên chiếc nhẫn cưới của một phụ nữ. Trong ngày đầu tiên, thi thể đã chất đầy trong 5 túi lớn. Một vài món đồ không bị hư hại, gồm chiếc thuyền đồ chơi mà 148 bức thư bằng cách nào đó còn sót lại trong hộp thư chuyển phát.

Spriggs và Proctor sau đó tới địa điểm của chiếc United ở Chuar Butte, nơi có độ cao hơn 400 m so với con sông và gần như dốc đứng. Địa hình cùng nhiệt độ cao đã tạo ra các cơn gió xoáy mạnh khiến chiếc trực thăng liên tục chao đảo và rất khó hạ cánh.

Một mảnh vỡ của thân máy bay TWA Super Constellation tại khu vực Grand Canyon, bang Arizona hồi tháng 7/1956. Ảnh: National Park Service.
Một mảnh vỡ của thân máy bay TWA Super Constellation tại khu vực Grand Canyon, bang Arizona hồi tháng 7/1956. Ảnh: National Park Service.

Các phi công của lục quân đã thực hiện thêm 3 chuyến bay vào hẻm núi trong sáng hôm đó, chở quan chức chính phủ và TWA, cùng nhiều thiết bị và túi đựng thi thể. Tới 10h, gió mạnh với vận tốc hơn 100 km/h đã khiến các máy bay phải tạm dừng công tác cứu hộ. Điều này tiếp tục lặp lại trong hai ngày tiếp theo, khi các trực thăng H-21 tiếp tục chở thêm người, vật tư và thêm 21 túi đựng thi thể.

Thi thể 70 hành khách trên chuyến bay của TWA được chôn cất trong ngôi mộ tập thể ở thành phố Flagstaff, bang Arizona sau khi trải qua các nghi lễ tôn giáo.

13 nhà leo núi, 5 người đến từ Colorado và 8 người đến từ Thụy Sĩ, đã được trực thăng thả xuống khu vực máy bay United gặp nạn có địa hình hiểm trở hơn. Trong 4 ngày tiếp theo, họ đã thu gom được toàn bộ 58 thi thể nạn nhân và vận chuyển lên khỏi hẻm núi nhờ hệ thống ròng rọc của người Thụy Sĩ. Nhân viên pháp y đã xác định được danh tính của nửa số nạn nhân.

Cuối cùng, vào ngày 10/7, chuyến trực thăng cuối cùng đã rà soát khu vực này lần cuối để kết thúc tìm kiếm. Trong khi vội vã trở về căn cứ quân sự Fort Huachuca, lục quân Mỹ đã bỏ lại hầu hết thiết bị và vật tư mà họ mang theo.

Các thành viên của không quân cùng 24 sĩ quan lục quân và sĩ quan cảnh sát đã được trao tặng huân chương tại Nhà Trắng.

Vụ tai nạn đã được đưa lên trang nhất của nhiều báo suốt nhiều ngày sau đó, khiến vấn đề an toàn hàng không trở thành mối quan tâm của dư luận. Một tuần sau vụ tai nạn, một phiên điều trần tại Quốc hội đã được tổ chức ở Las Vegas để tìm hiểu điều gì đã xảy ra. Các nhà điều tra xác định rằng hệ thống kiểm soát không lưu lạc hậu của Mỹ, chủ yếu dựa vào tín hiệu trực quan của phi công và ước lượng của nhân viên kiểm soát, là nguyên nhân chính.

Dựa trên kết quả cuộc điều tra, Quốc hội Mỹ năm 1957 thông qua việc thành lập Cục Hàng không Liên bang (FAA) và Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia Mỹ. FAA đã nâng câp hệ thông kiểm soát không lưu cổ xưa của Mỹ. Bắt tay nhau, hai cơ quan liên bang đã biến hàng không thương mại trở thành hình thức giao thông vận tải an toàn nhất thế giới.

Thành Nhân/Time

Đọc nhiều