280
topics
353591

Thẩm định sách giáo khoa sao cho không thiên lệch?

17/01/2020 07:38

Trong mọi nền giáo dục, chất lượng và các chính sách liên quan đến sách giáo khoa luôn nhận được sự quan tâm của nhiều bên có liên quan.

Tranh cãi nảy lửa về việc thẩm định bộ sách công nghệ của GS Hồ Ngọc Đại /// Kim Hiền
Tranh cãi nảy lửa về việc thẩm định bộ sách công nghệ của GS Hồ Ngọc Đại

Trong tuần đầu năm 2020, theo đề xuất của Thủ tướng Chính phủ, đại diện Bộ GD-ĐT và các hội đồng chuyên môn thẩm định sách giáo khoa (SGK) đã có buổi làm việc với nhóm Giáo sư Hồ Ngọc Đại về bộ sách do ông chủ biên. Buổi làm việc cũng chứng kiến quá trình tranh luận gay gắt giữa ông và GS Trần Đình Sử về sách tiếng Việt. Trong bối cảnh này, chúng ta cần một hướng tiếp cận mới cho vấn đề thẩm định SGK ở Việt Nam.

Trong mọi nền giáo dục, chất lượng và các chính sách liên quan đến SGK luôn nhận được sự quan tâm của nhiều bên có liên quan. Gần đây, Việt Nam đã thực hiện chính sách một chương trình nhiều bộ SGK. Đây là một tín hiệu đáng mừng. Đây cũng là một cơ hội để các cơ sở giáo dục có thể lựa chọn bộ sách phù hợp nhất với nhu cầu và nguồn lực của mình. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để các bộ sách khác nhau đều đảm bảo chất lượng và góp phần giúp hệ thống giáo dục đạt được mục tiêu của chương trình mới đặt ra.

Sử dụng các hội đồng chuyên môn để đọc thẩm định sách là một cách làm phổ biến. Phương pháp thẩm định này tiết kiệm nguồn lực và thường hiệu quả đối với các phân môn thuộc khoa học tự nhiên hay kỹ thuật. Đối với những phân môn thuộc các ngành khoa học xã hội, đạo đức, lối sống, quá trình thẩm định bằng hội đồng chuyên môn có thể gây ra nhiều tranh luận. Do đó cần một phương án thẩm định mới.

Dựa trên căn cứ thực chứng

Phương án thẩm định SGK dựa trên căn cứ thực chứng sẽ tránh được những ý kiến thiên lệch, không đủ tính thực tiễn và tính đại diện nếu có của hội đồng chuyên môn. Phương án này dựa trên 3 giả định có tính chất thực tiễn sau: Mọi kết luận trong khoa học đều có không hoàn toàn chính xác. Một chương trình được mô tả dưới dạng tài liệu tốt chưa chắc đã được triển khai tốt ra thành SGK và SGK tốt chưa chắc đã đảm bảo việc dạy và học theo sách đó đã tốt. Chúng ta có thể phát triển và sử dụng hiệu quả các công cụ đo lường chuẩn đầu ra của học sinh, đây là điều mà mọi nền giáo dục tiên tiến đều hướng đến nhằm theo dõi và cải tiến chất lượng giáo dục.

Xác định được chất lượng và giá trị thực sự của một bộ SGK là một công việc quan trọng nhưng vô cùng phức tạp. Mọi kết luận vội vàng chưa dựa trên nhiều nguồn minh chứng xác đáng đều có thể chứa đựng những rủi ro và tác động tiêu cực tới quá trình hiện đại hóa nền giáo dục nước nhà

Điểm mấu chốt của phương án này là thu thập minh chứng một cách khoa học từ nhiều nguồn thông tin và số liệu khác nhau để có cái nhìn toàn diện hơn về các bộ SGK và thực tế triển khai trước khi đưa ra quyết định phê duyệt và đề xuất cải tiến.

Đề xuất này gồm 7 bước sau: Đầu tiên là thống nhất tiêu chí và các công cụ đánh giá hiệu quả triển khai bộ sách. Đại diện các nhóm tác giả cùng tham gia phân tích và chi tiết hóa chuẩn đầu ra của chương trình mới cho từng lớp hoặc khối lớp. Sau khi phân tích, cả nhóm cùng nhau thiết kế cho một bộ công cụ đo lường (ví dụ: các bài kiểm tra đầu lớp, bài kiểm tra trong quá trình học, thi giữa kỳ, thi cuối kỳ, thi cuối năm, các phiếu hỏi, các bảng thu thập ý kiến) nhằm đo lường được các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, năng lực, thái độ của học sinh trong suốt quá trình thử nghiệm. Việc phát triển các công cụ này nên được giao cho một bên độc lập có chuyên môn về đo lường và đánh giá trong giáo dục như Viện Khoa học giáo dục hoặc trung tâm khảo thí của một số đại học có chuyên môn về vấn đề này.

Bước 2 là lập và phản biện kế hoạch thử nghiệm. Các nhóm tác giả lập kế hoạch triển khai thử nghiệm sách trên các mẫu lớp học, giáo viên, học sinh phù hợp với điều kiện thực tế và nguồn lực. Kế hoạch này sẽ được trao đổi công khai giữa các nhóm tác giả và các cơ quan chuyên môn. Mọi thay đổi trong kế hoạch nếu có cần được ghi chép lại và thông báo tới các bên có liên quan trong đó có các nhóm tác giả khác.

Kế đến là triển khai kế hoạch thử nghiệm sách trên các mẫu thử đã được xác định. Thu thập thông tin chính xác và đầy đủ từ các đối tượng tham gia nghiên cứu. Áp dụng nghiêm túc các công cụ đo lường mà tất cả các nhóm tác giả đã thống nhất.

Sau đó sẽ đến phân tích số liệu và tổng hợp minh chứng từ thực tế triển khai thử nghiệm sách trên các mẫu.

Sau đó là viết báo cáo kết quả. Từng nhóm viết báo cáo tổng thuật hiệu quả quá trình thử nghiệm sách. Báo cáo cần viết dựa trên các căn cứ thu thập được từ các quá trình thử nghiệm sách nhằm giúp quá trình giáo dục đạt được mục tiêu của chương trình phổ thông mới. Báo cáo sau khi hoàn thành được gửi cho các nhóm tác giả khác và cho các cơ quan chuyên môn có thẩm quyền.

Kế đến các nhóm báo cáo kết quả thử nghiệm và bảo vệ tính khả thi của phương án triển khai bộ sách dựa trên các minh chứng đã thu thập được trong quá trình thử nghiệm.

Cuối cùng dựa trên kết quả báo cáo và tính thuyết phục của phương án triển khai, các hội đồng và cơ quan có thẩm quyền quyết định về các bộ sách và đưa ra các đề xuất cải tiến cho từng nhóm tác giả.

Hội đồng chuyên môn chỉ là một thành tố

Lợi thế của phương án thẩm định sách dựa trên minh chứng thực chứng là các quyết định về các bộ sách được đưa ra dựa trên nhiều nguồn minh chứng khác nhau mà trong đó ý kiến của hội đồng chuyên môn chỉ là một thành tố. Phương án thẩm định này còn giúp các nhóm tác giả và cơ quan có thẩm quyền hiểu rõ hơn về những vướng mắc có thể gặp phải khi triển khai bộ sách trong thực tế. Tất nhiên, các lợi thế này cũng đi kèm với bất lợi về mặt thời gian và nguồn lực. Để thực hiện được đầy đủ 7 bước đề xuất ở trên, ta cần một đội ngũ không nhỏ những người có chuyên môn và phẩm chất khoa học để triển khai một cách liêm chính và hiệu quả.

Để tăng tính khả thi cho phương án này, ta có thể giới hạn việc thử nghiệm trong một số lượng vài ba bộ sách. Về mặt nguồn lực, các nhóm tác giả có thể gây quỹ ủng hộ thử nghiệm. Với hơn 40 năm triển khai, các cựu học sinh đã từng học theo bộ sách của GS Hồ Ngọc Đại có thể góp công sức và nguồn lực để thực hiện nghiên cứu đánh giá hiệu quả bộ sách này. Thông tin thu được sẽ giúp công chúng và các cơ quan chuyên môn có cái nhìn toàn cảnh hơn về chất lượng cũng như hiệu quả của bộ sách có nhiều tiềm năng này.

Xác định được chất lượng và giá trị thực sự của một bộ SGK là một công việc quan trọng nhưng vô cùng phức tạp. Mọi kết luận vội vàng chưa dựa trên nhiều nguồn minh chứng xác đáng đều có thể chứa đựng những rủi ro và tác động tiêu cực tới quá trình hiện đại hóa nền giáo dục nước nhà. Do đó, phương án thẩm định SGK dựa trên căn cứ thực chứng triển khai là cần thiết để giúp quá trình thẩm định được thực hiện một cách cẩn trọng nhất có thể.

Tiến sĩ Phạm Ngọc Duy (Tiến sĩ nghiên cứu về đo lường và tâm trắc học giáo dục của ĐH Massachusetts Amherst, Mỹ)

Đọc nhiều