8
category
323359

Thảm án ở Đan Phượng: Khi chủ nghĩa cá nhân thống trị cả lý trí và tâm hồn

Đặng Trường 03/09/2019 16:46

Mấy ngày nay đất Hà thành nói riêng và cả nước nói chung phải khựng lại bởi không khí tang thương bao trùm ở huyện Đan Phượng. Chỉ vì 0,5 m đất mà thảm sát đẫm máu, trớ trêu thay, hung thủ lại chính là người anh ruột và nạn nhân là những người gọi hung thủ là anh, là bác, là ông.

nghican

Tôi biết mấy vị hàng xóm xung quanh sợ hãi, là tôi thì cũng sợ, cũng phải giữ một khoảng cách an toàn với hung thủ, thậm chí là chạy đi xa thật xa chứ dại gì lao vào ngăn cản “con thú” đang khát máu tanh. Người nhà đó, anh em ruột thịt như thể tay chân mà hung thủ còn tự cầm dao chặt đứt hết tình máu mủ thì mình là cái đinh gì, có ai đảm bảo nó không chém cho mình vài nhát nếu nhảy bổ vào can dự. Nhưng… đó là trường hợp tôi chỉ có một mình, đằng này xung quanh hung thủ có rất nhiều người. Một người không thể khống chế nhưng năm, mười người cùng gậy gộc dài tay chắc bẵm, đoàn kết lại, ra đòn cùng lúc, chẳng lẽ không khống chế được tên này?

Cá nhân Đặng Trường vẫn tin vào sức mạnh tập thể, sức mạnh đoàn kết của con người như kiểu “một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao” và nếu khi đó có 10 người nhanh trí, cùng hợp sức thì có lẽ sẽ không có nhiều thương vong như vậy. Tiếc thay, người đàn ông cầm dao đã vô cảm rồi nhưng nhìn những con người bị nỗi sợ hãi lấn át tất cả lý trí và hành động, đứng trơ mắt, khoanh tay bên thi thể nạn nhân càng thấy xót xa làm sao. Điều làm tôi băn khoăn lúc này không chỉ dừng lại ở sự vô cảm mà đó còn là thói quen sống độc lập đến mức ích kỷ, chỉ biết mình của một số người dân.

Nhiều người dân tụ tập hóng tình hình sau khi thảm án đã xảy ra.

Ở đây, tôi mạn phép kể câu chuyện tuyển dụng chức danh CEO của Tập đoàn Công nghệ FPT, tại phòng tuyển dụng, người ta đặt ra một tảng đá to ngay trước cửa và yêu cầu ai trong số những người ứng tuyển nhấc được tảng đá ra ngoài thì người đó sẽ trở thành CEO. Người người cố gắng tự mình đẩy, dịch chuyển tảng đá nhưng bất lực, chỉ duy nhất có một người đã thẳng thắn yêu cầu lại rằng anh ta sẽ bê được tảng đá ra ngoài nếu cho anh ta nhờ mọi người xung quanh chung tay giúp sức và cuối cùng anh ta đã thành công. Mọi người thấy đó, nếu trong đầu có tư duy làm việc tập thể, bỏ qua lợi ích cá nhân thì mọi chuyện khó nhai nhất đều có thể thực hiện được. Trở lại câu chuyện thảm sát ở Đan Phượng, giá như người dân xung quanh bỏ lối tư duy, thói quen hành động, làm việc theo cá nhân nhỏ lẻ đi thì có khả năng đã cứu sống được nạn nhân rồi.

Trên cả nước này, đâu thiếu những vụ thảm sát đẫm máu và tàn độc, có lẽ chúng ta vẫn nhớ Lê Văn Luyện đã xuống tay thế nào với cả gia đình bán vàng ở Bắc Giang; Nguyễn Hải Dương đã ra tay sát hại gần như cả gia đình người yêu ở Bình Phước ra sao rồi đó. Tuy nhiên khác một điểm, họ đều thực hiện hành vi tội ác của mình trong bóng đêm thì thảm sát tại huyện Đan Phượng lại diễn ra ban ngay ban mặt, ngay trước mắt những người láng giềng “tối lửa tắt đèn có nhau” nhưng không hề có những chàng Lục Vân Tiên hành hiệp trượng nghĩa, đồng tâm hiệp lực xả thân cứu người.

Bất giác tôi nhớ lại clip vụ tai nạn giao thông trên một giao lộ tại quận Tân Phú, TP.HCM cách đây không lâu. Người tài xế taxi gây tai nạn đã dừng xe, đứng nhìn nạn nhân (một người đã bất tỉnh, một người đang giãy đành đạch) và thản nhiên bỏ đi. Trong vòng 11 phút mà hình ảnh clip ghi lại, có thêm 4 ô tô con, 1 chiếc xe tải, 32 chiếc xe máy, và cả 1 chiếc xe đạp đi qua vị trí cô gái trẻ đang nằm bất động trên hè phố, giữa đêm khuya. Tổng cộng ít nhất 38 người nhưng không một ai giúp đỡ. Và cuối cùng, nạn nhân đã chết, rất có thể vì không được cứu chữa kịp thời. Tại sao người lái taxi gây tai nạn không đưa nạn nhân đi cấp cứu như yêu cầu của pháp luật, như một lẽ phải làm thuộc về trách nhiệm, và như một đạo lý? Tại sao những người khác lại dửng dưng bỏ mặc đồng loại của mình nằm đó, không một phản ứng, dẫu chỉ là một cú điện thoại gọi cấp cứu, báo cảnh sát?

Chung quy lại câu chuyện thảm sát ở Đan Phượng và vụ tại nạn giao thông ở Tân Phú là những tiếng chuông báo động về sự xuống cấp đau đớn của đạo đức xã hội, các chuẩn mực, giá trị văn hóa truyền thống đang bị phá vỡ nghiêm trọng. Giá trị vật chất đã khiến con người trở nên ích kỷ, máu lạnh, vô cảm để chủ nghĩa cá nhân thống trị cả lý trí và tâm hồn nhưng vẫn khoác những chiếc áo bao biện nhiều lý do (nào là mưu sinh, nghèo đói, bị ức hiếp, bắt nạt nhất thời) tưởng như là đúng. Thế nhưng ít ai nhận ra nó còn nguy hiểm, ghê tởm hơn cả những vụ tàn sát và tai nạn giao thông.

Để ngăn chặn những vấn đề trên không thể chỉ qua vài ba bài học đạo đức ở nhà trường mà nó phải là cả quá trình rèn luyện hình thành nhân cách từ khi là đứa trẻ đến khi trưởng thành, kết hợp giáo dục giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Đặc biệt, đạo đức sẽ được hình thành và tồn tại nếu như xã hội thượng tôn pháp luật, luật pháp tiến bộ, có sức răn đe nhiều hơn. Như ở Mỹ, chỉ cần anh có dấu hiệu tự sát hay phạm pháp thì ngay lập tức, cảnh sát đã có mặt còng tay, đưa về đồn tra hỏi, dập tắt luôn ý nghĩ về hành vi tiêu cực. Bên cạnh đó không thể thiếu cánh tay hỗ trợ đắc lực từ các tổ chức xã hội hoạt động mạnh mẽ góp phần giải quyết kịp thời những bức xúc và uẩn ức của người dân. Hãy tin rằng chúng ta có cách hạn chế bị cuốn vào vòng xoáy bào mòn nhân tính và đạo đức, chỉ có điều chúng ta thực hiện hay không thôi.

Đặng Trường 

Đọc nhiều