10
topics
428570

Thailand Businnes News: Vì sao Việt Nam trở thành vùng “đất rồng”?

Bảo Trâm 10/09/2020 11:16

Ngày 9/9, trang Thailand Business News đã có một bài viết phân tích lí do vì sao Việt Nam lại trở thành điểm đến tiềm năng, đầy hứa hẹn cho các ông lớn nước Mỹ. Trang báo này cũng nhận định rõ nhờ sự phát triển vượt bậc về kinh tế, cùng mối quan hệ khăng khít đã khiến Việt Nam trở thành điểm đến đầu tiên khi rời khỏi Trung Quốc.

Theo Thailand Business News, kể từ khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao, Mỹ và Việt Nam đã tăng cường mối quan hệ với thương mại song phương tăng từ 450 triệu USD năm 1994 lên 77 tỷ USD năm 2019. Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam trở thành thị trường xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhất của Mỹ.

Suốt 25 năm qua, mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam ngày càng trở nên tốt đẹp, thành công đàm phán hiệp định thương mại song phương. Từ đó giúp dỡ bỏ một số hàng rào thuế quan trong khi giảm thuế đối với nhiều loại hàng hóa trung bình lên đến 40%, bao gồm cả thực phẩm và điện tử. Việt Nam cũng được hưởng quy chế tối huệ quốc (MFN), quy chế quan trọng để trở thành một phần của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Donald Trump

Được biết, Việt Nam là quốc gia có vị trí địa lý gần, mức lương thấp hơn, lao động có tay nghề cao, các hiệp định thương mại và kết nối khu vực, Việt Nam đã trở thành một trong những điểm đến được ưa thích nhất đối với các nhà sản xuất. Các công ty lớn của Mỹ như Apple, Intel, Qualcomm, Universal Alloy Corporation (UAC), Nike và Key Tronic EMS đã chuyển dây chuyền sản xuất sang Việt Nam do chi phí liên quan đến chiến tranh thương mại.

Tất cả những yếu tố này đã giúp gia tăng thương mại giữa hai nước kể từ khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Số liệu xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ (2019) là 61.35 tỷ USD, tăng 29.1% so với năm trước đó. Thương mại của Việt Nam với Mỹ tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất vào năm 2019 ở mức 23 phần trăm so với năm 2018.

Năm 2020, Covid-19 ập đến khiến kinh tế toàn cầu bị suy kiệt. Việt Nam cũng không ngoại lệ, nhưng triển vọng phục hồi vẫn tích cực và là điểm sáng nhất trong số các quốc gia châu Á. Quan điểm này cũng được chia sẻ bởi công ty dịch vụ tài chính UBS trong một nghiên cứu. Trong nửa đầu năm, Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng GDP 1,81. Mặc dù còn khiêm tốn, nhưng tỷ lệ này là đáng khích lệ khi Việt Nam là một trong số ít quốc gia đạt được mức tăng trưởng thuần dương trong thời kỳ đại dịch.

Intel tại Thành phố Hồ Chí Minh

Việc Việt Nam kiểm soát được đại dịch và tiếp tục tăng trưởng đã củng cố thêm vị thế là một môi trường kinh doanh an toàn so với các nước khác. Và các doanh nghiệp Mỹ đã nhận thấy, đơn cử như Apple đã lên kế hoạch chuyển hoạt động sản xuất đáng kể các sản phẩm của mình bao gồm cả AirPods sang Việt Nam, theo Thailand Business News.

Ngay cả trước khi đại dịch xảy ra, thật ra các doanh nghiệp Mỹ đã chủ động muốn dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc. ví dụ như các doanh nghiệp nội thất như Lovesac và Wanek Furniture có trụ sở tại Mỹ đã bắt đầu chuyển sản xuất sang Việt Nam. Công ty Mỹ Nike hiện sản xuất hầu hết giày tại Việt Nam trong khi gã khổng lồ công nghệ Mỹ Google có kế hoạch sản xuất điện thoại thông minh Pixel từ Việt Nam thay vì Trung Quốc.

Gần đây nhất, nhà sản xuất chip Intel của Mỹ, đã đầu tư 1 tỷ đô la Mỹ vào Việt Nam đang tìm cách tăng đầu tư vào Khu Công nghệ cao Sài Gòn của Thành phố Hồ Chí Minh. Universal Alloy Corporation – nhà sản xuất linh kiện máy bay toàn cầu cho các hãng máy bay như Boeing và Airbus, đã khánh thành cơ sở tại Đà Nẵng vào đầu năm nay. Điều này cho thấy vị thế thật sự đặc biệt mà hàng loạt ông lớn đã nhìn thấy ở Việt Nam trước khi có sự cố đại dịch và chiến tranh thương mại, Thailand Business News nhận xét.

Mặc đại dịch, quý I/2020 Việt Nam vẫn là nước xuất siêu

Chưa hết, trang Thailand Business News còn nhấn mạnh rằng, lợi ích của Việt Nam không chỉ phụ thuộc vào quan hệ Mỹ-Trung xấu đi. Mà tất cả là do nguồn lực dồi dào đến từ Việt Nam: lực lượng lao động có kỹ năng và chi phí thấp, cơ sở hạ tầng, chính phủ ổn định, môi trường an toàn. Đặc biệt hơn cả là hàng loạt những hiệp định thương mại tự do của Việt Nam là những gì các nhà đầu tư Mỹ đang tìm kiếm trong thời điểm khó đoán này. Xu hướng này có thể sẽ tiếp tục trong tương lai gần. Và Việt Nam cũng có khả năng tận dụng chuỗi cung ứng bị gián đoạn ở những nơi khác do đại dịch.

Bảo Trâm (Lược dịch theo Thailand Business News)

Đọc nhiều