Thai nhi 32 tuần tuổi mắc bệnh tim hiểm nghèo, các bác sĩ Việt Nam làm điều chưa từng có ở Đông Nam Á
Một thai nhi đang ở tuần thứ 32 không may mắc dị tật tim bẩm sinh nặng đã được ê kíp bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) xuyên tử cung người mẹ, thông van tim thành công trong khoảng 40 phút.
Sau can thiệp, quả tim của thai nhi đã bình thường trở lại, không gặp tai biến nào. Để có được kết quả này, ngoài sự can đảm, không do dự của sản phụ, ê kíp bác sĩ hai bệnh viện đã tính toán rất thấu đáo vì điều này chưa có tiền lệ tại Việt Nam.
“Cân não” trong 6 tuần
“Hiện nay, sức khỏe của thai phụ và thai nhi cùng rất tốt. Bệnh viện sẽ dùng những nguồn lực đang có để chăm sóc miễn phí cho bệnh nhân và dự kiến ngày 8-1 cho bệnh nhân xuất viện” – bác sĩ Trần Ngọc Hải, giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, chia sẻ.
Kể lại quá trình chuẩn bị để phẫu thuật, giám đốc Bệnh viện Từ Dũ nhận xét ca bệnh này làm các y bác sĩ thật sự “cân não” từ lúc thai được 26 tuần tuổi.
Khi đó, thai phụ được Bệnh viện Đà Nẵng chuyển đến Bệnh viện Từ Dũ đầu tháng 11-2023 với chẩn đoán thai có bất thường nặng về tim, một dị tật bẩm sinh không có lỗ van động mạch phổi, thiểu sản thất phải.
Ca bệnh này đã được theo dõi định kỳ và tổ chức ba lần hội chẩn. Lần hội chẩn thứ ba diễn ra vào ngày 3-1, khi tình trạng lúc này có thể đe dọa đến tính mạng của thai nhi.
Các chuyên gia về sơ sinh và tim mạch của Bệnh viện Nhi đồng 1 cùng các chuyên gia về sản của Bệnh viện Từ Dũ thống nhất kết luận: nếu không can thiệp bào thai để nong van động mạch phổi ngay thì khả năng cao thai sẽ mất trong bụng mẹ, còn nếu cho sinh ngay thì khả năng rất cao thai nhi sẽ mất ngay sau khi chào đời do được sinh non kèm bệnh tim nặng.
Từ kết luận này, các chuyên gia sản và nhi của hai bệnh viện thống nhất can thiệp ngay trong bào thai để cứu sống thai nhi còn trong bụng mẹ.
“Có một điều rất quan trọng là khi các chuyên gia tim mạch phẫu thuật, can thiệp được từ trong bào thai thì tỉ lệ thành công cao hơn khi trẻ đã chào đời. Ở trong bào thai, thai nhi có một cơ chế rất hay, đó là cơ chế tự xử lý, tự lành.
Cơ chế này đang hình thành từ những tế bào gốc, sẽ tự chỉnh sửa, tự lành, không để lại sẹo cho cái van này”, bác sĩ Hải cho hay.
Bệnh nhân dũng cảm, tiếp lửa cho hành trình 5 năm chuẩn bị
Trước phẫu thuật, các chuyên gia của Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã ngồi lại và xây dựng thành năm ê kíp phẫu thuật với hơn 20 y bác sĩ.
Đó là ê kíp gây mê cho người lớn, ê kíp can thiệp bào thai, ê kíp nong tim, ê kíp hồi sức sơ sinh nếu phải mổ, ê kíp sản để chuẩn bị mổ lấy thai nếu xảy ra sự cố. Trong đó, bốn ê kíp của Bệnh viện Từ Dũ, một ê kíp nong tim của Bệnh viện Nhi đồng 1.
“Dù đã chuẩn bị kỹ, tính mọi tình huống có thể xảy ra để xử lý nhưng trước phẫu thuật tôi cùng giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng không tránh khỏi sự lo lắng và không biết ca bệnh sẽ thành công theo cách nào” – giám đốc Bệnh viện Từ Dũ chia sẻ và thông tin thêm đây là ca bệnh đầu tiên, chưa từng làm trước đó và các phẫu thuật viên đều quyết tâm làm hết sức.
Ca phẫu thuật thông tim xuyên tử cung này đã diễn ra trong vòng 40 phút. Để thực hiện được ca mổ rất khó, chưa từng thực hiện trước đó mà lại thành công như vậy, bác sĩ Hải cho rằng đây là kết quả của một quá trình mà Bệnh viện Từ Dũ đã chuẩn bị hơn 5 năm trước đó. Đó là kết quả từ chương trình can thiệp bào thai, tức là can thiệp sửa chữa những bất thường của thai nhi với nhiều dị tật ở trong buồng tử cung.
Ấn tượng của bác sĩ Trịnh Nhựt Thư Hương – trưởng khoa chăm sóc trước sinh Bệnh viện Từ Dũ – với ca thông tim bào thai đặc biệt này là sản phụ 26 tuổi. Lòng quyết tâm, không do dự của sản phụ đã giúp ê kíp từ chưa thể tự tin được 100% vì là ca đầu tiên đã tăng thêm 100%.
“Chính sự can đảm và quyết tâm của thai phụ mà chúng tôi mới có sự dũng cảm bước vào trận chiến cam go này”, bác sĩ Hương bộc bạch lời bản thân đã nói với sản phụ sau khi bào thai trong bụng cô được thông van tim thành công.
Có nhiều can thiệp như can thiệp trong buồng ối, can thiệp trên màng nhau, can thiệp trên đứa trẻ. Còn trong trường hợp này, các y bác sĩ lại can thiệp tim của một bào thai – đó là một bộ phận rất nhỏ, nằm rất sâu ở trong cơ thể của một bà mẹ.
“Can thiệp tim mạch trong bào thai là một can thiệp phức tạp nhất, sâu nhất, khó khăn nhất vì sự can thiệp trên tim mạch đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối khi em bé không nằm im mà phải tiến hành gây mê cho cả em bé”, bác sĩ Hải nhấn mạnh.
Là bác sĩ trực tiếp can thiệp thông tim bào thai, bác sĩ Đỗ Nguyên Tín – phó trưởng khoa tim mạch Bệnh viện Nhi đồng 1 – nói vì đây là bào thai được thông van tim đầu tiên nên cần nhiều thời gian chuẩn bị, cân nhắc thấu đáo để được an toàn tuyệt đối.
Đến lúc bào thai ở tuần thứ 32 – thời gian không quá sớm để hạn chế tai biến có thể xảy ra và không quá muộn khiến bé có thể chết trong bụng mẹ, ê kíp hai bệnh viện đã bắt tay thực hiện.
“Với lòng quyết tâm và hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi, kể cả “cơ duyên”, chúng tôi đã thông tim bào thai đầu tiên thành công. Tôi kỳ vọng thế hệ bác sĩ trẻ sẽ cứu được nhiều trẻ bị tật bẩm sinh nặng ngay từ bào thai, giúp giảm gánh nặng y tế, chi phí điều trị, thời gian”, bác sĩ Tín chia sẻ.
Sử dụng máy siêu âm hiện đại đi mượn
Với kích thước trái tim của thai nhi chỉ bằng quả chanh, các buồng trong đó chỉ khoảng 2-3cm2, lỗ van động mạch phổi chỉ 4mm, các phẫu thuật viên phải tìm đúng vị trí để nong ra.
Ê kíp đã dùng một cây kim để đi xuyên từ thành bụng, xuyên vào thành tử cung, vào buồng ối, xuyên thành ngực của thai nhi vào thẳng buồng tim, đi tới thất phải, tìm đúng vị trí để thông van tim cho bào thai.
“Việc này rất khó, giống như đi tìm hạt cát trong một quả chanh” – bác sĩ Hải ví von. Để làm được điều này, ngoài việc nhân viên y tế phải có tay nghề, ca phẫu thuật còn phải sử dụng các trang thiết bị, dụng cụ để đặt được vào lỗ van động mạch phổi có kích thước rất nhỏ 4mm…
Bệnh viện Từ Dũ còn phải sử dụng một chiếc máy siêu âm chuyên dùng hiện đại nhất do một đơn vị cho mượn có trị giá gần 8 tỉ đồng để giúp các phẫu thuật viên nhìn rõ từng mm, nhìn thấy rõ từng luồng đập… mới có thể thực hiện các thao tác một cách chính xác nhất.
Ngoài ra, để có sự kết hợp ăn ý giữa Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Nhi đồng 1, giám đốc Bệnh viện Từ Dũ cho rằng còn nhờ vào chương trình kết hợp sản – nhi giữa Bệnh viện Từ Dũ với ba bệnh viện nhi đồng trong TP đã được Sở Y tế triển khai từ nhiều năm trước trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Bác sĩ Đỗ Nguyên Tín thông tin ca thông tim bào thai này là ca đầu tiên ở Đông Nam Á nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Đây là điều kỳ diệu, là ước mơ được ấp ủ từ lâu của bác sĩ Tín và nhiều đồng nghiệp.
Kỹ thuật thông tim bào thai chỉ phát triển trong 5 năm trở lại và hiện trên thế giới chỉ có một số nơi như Brazil, Ba Lan… thực hiện thành công. Ca phẫu thuật là hướng đi mới cho y khoa Việt Nam trong phẫu thuật van tim cho trẻ em.
Không phẫu thuật thì dự báo nào cũng xấu
Bác sĩ Đỗ Nguyên Tín chia sẻ từ trước đến nay, việc can thiệp tim bị dị tật bẩm sinh ở nước ta chỉ thực hiện sau khi trẻ được sinh ra với nhiều đợt mổ.
Vì bào thai là tế bào gốc nên khi can thiệp sớm, chúng sẽ tự sửa chữa được, giúp bé không chỉ sống được mà còn hướng đến chất lượng sống tốt về sau.
Với trường hợp thai phụ mang bào thai bị dị tật tim bẩm sinh nặng trên, nếu không can thiệp ở tuần thứ 32 thì nguy cơ tử vong ngay trong bụng mẹ rất cao hoặc em bé được sinh ra nhưng với quả tim không lành lặn, buộc phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật nhưng vẫn không thể bình thường.
Kỹ thuật ngang tầm các nước có nền y tế phát triển
Ca thông tim bào thai này đã được lãnh đạo TP.HCM khen thưởng đột xuất ngay tại Hội nghị triển khai hoạt động trọng tâm 2024 của ngành y tế TP.HCM ngày 5-1, sau một ngày ê kíp đã tiên phong can thiệp thành công. Thực sự khâm phục trước tay nghề của bác sĩ TP.HCM đã vươn tầm ra khu vực.
Phó chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho rằng ca thông tim bào thai do ê kíp bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Từ Dũ là bước tiến mới về kỹ thuật y tế chuyên sâu của TP.HCM, ngang tầm với các nước phát triển trong khu vực.
Phấn khởi, tự hào là cảm xúc của Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Anh Dũng khi các bác sĩ TP.HCM đã xuyên tử cung, thông van tim cho bào thai bị dị tật tim bẩm sinh nặng.
Ông Dũng cho hay trẻ bị dị tật tim bẩm sinh từ lâu là thách thức của ngành y tế. Với kỹ thuật thông van tim bào thai vừa được các bác sĩ TP.HCM thực hiện thành công, hiện chỉ những nước có nền y khoa tiên tiến và hiện đại mới có thể thực hiện được.
Do đó đây như là một sự kiện đặc biệt, minh chứng cho nỗ lực vươn tới tiếp cận những kỹ thuật y tế chuyên sâu của ngành y tế TP.HCM thời gian qua.
Hoài Thu