Thái Lan: Không biết kiếm tiền ở đâu để trả vì mua tàu ngầm Trung Quốc

23/09/2021 12:11

Năm ngoái, Chính phủ của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã buộc Hải quân Hoàng gia Thái Lan (RTN) phải hoãn lại việc mua hai tàu ngầm lớp Yuan S26T từ Trung Quốc trước sự phản đối gay gắt của cả dư luận và quốc hội nước này cũng như những căng thẳng tài chính do đại dịch COVID-19 gây nên.

GIẤC MƠ TÀU NGẦM CỦA THÁI LAN VẪN CÒN RẤT XA VỜI

Thương vụ mua tàu ngầm Trung Quốc của Thái Lan đã từng là chủ đề bị chỉ trích rộng rãi tại quốc gia Đông Nam Á này cả trước khi đại dịch COVID-19 xuất hiện.

Đến năm nay, lịch sử vẫn tái diễn khi Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã ra lệnh cho RTN dừng chương trình mua sắm tàu ngầm thêm một lần nữa.

Tháng 6/2021, tại một diễn đàn mang tên “Tàu ngầm, An ninh của Thái Lan và sự Ổn định trong Khu vực”, chỉ huy lực lượng tàu ngầm Thái Lan cho biết, vì đại dịch COVID-19, kế hoạch mua sắm ban đầu của TAF phải hoãn lại. Theo thông tin mới nhất thì hoạt động chuyển giao chiếc tàu ngầm đầu tiên phải hoãn tới tận năm 2014.

Nhiều người trong Hải quân Hoàng gia Thái Lan bày tỏ lo ngại việc trì hoãn nhiều năm sẽ làm tổn hại đến uy tín của đất nước và cũng có thể khiến Trung Quốc tức giận Tuy nhiên, Thủ tướng Prayut có lý do để ban hành quyết định này.

Làn sóng COVID-19 mới ở Thái Lan, bắt đầu vào tháng 4 năm nay, đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát khi số lượng lây nhiễm hàng ngày có thời điểm vượt mốc 10.000 người.

Trong khi đó, việc phân bổ vắc-xin của Thái Lan diễn ra chậm chạp và bị cản trở bởi tình trạng khan hiếm. Chính phủ được Quân đội Thái Lan hậu thuẫn không xử lý tốt cuộc khủng hoảng COVID-19 và không có tiền bù đắp cho những tổn thất do tình trạng phong tỏa kéo dài gây nên đã làm dấy lên sự phẫn nộ của công chúng đối với chương trình mua sắm tàu ngầm.

Hai tàu ngầm được đề cập tới ở đây có giá 22,5 tỷ baht, tương đương hơn 683 triệu USD. Số tiền này, theo một hãng tin Thái Lan, có thể được sử dụng để mua 123 triệu liều AstraZeneca, 150 triệu thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) và dụng cụ kiểm tra kháng nguyên nhanh cho khoảng 64 triệu người.

Những tàu ngầm này là một phần trong kế hoạch mua sắm được Hải quân Hoàng gia Thái Lan công bố lần đầu tiên cách đây 6 năm để mua tổng cộng 3 tàu ngầm chạy bằng động cơ diesel của Trung Quốc với giá 36 tỷ baht. Khoản ngân sách 13,5 tỷ baht chi cho việc mua chiếc tàu ngầm đầu tiên đã được phân bổ cho RTN vào năm 2017.

Hải quân Hoàng gia Thái Lan đã ký thỏa thuận mua tàu ngầm S26T được đóng dựa trên tàu ngầm lớp Yuan của Hải quân Trung Quốc (trong ảnh) vào năm ngoái. Ảnh: PLAN

NHỮNG LÀN SÓNG CHỈ TRÍCH MẠNH MẼ

Thương vụ mua tàu ngầm của Thái Lan đã từng là chủ đề bị chỉ trích rộng rãi cả trước khi đại dịch COVID-19 xuất hiện.

Những người phản đối cho rằng Thái Lan không phải đối diện với mối đe dọa hàng hải nghiêm trọng nào vì nước này không phải là quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Những tuyên bố chủ quyền chồng chéo với Campuchia hay Malaysia ở Vịnh Thái Lan đã được xử lý khá tốt thông qua các cuộc đàm phán.

Bên cạnh đó, Vịnh Thái Lan là một vùng nước nông không phù hợp với các hoạt động của tàu ngầm. Một điều đáng lo ngại khác nữa là Quân đội Thái Lan có tiền sử tiêu xài hoang phí.

Năm 2009, lực lượng này đã mua khinh khí cầu Aeros 40D S/N 21 Sky Dragon với giá 350 triệu baht mặc dù chi phí thực tế ước tính chỉ khoảng 30-50 triệu baht. Chiếc phi thuyền đắt tiền này đã gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật và phải ngừng hoạt động chỉ sau 8 năm hoạt động.

Thái Lan “tột cùng cay đắng vì mua tàu ngầm Trung Quốc: Không biết kiếm tiền ở đâu để trả! - Ảnh 3.

Ảnh đồ họa về thông số kỹ thuật và hình ảnh của các tàu ngầm Trung Quốc. Ảnh: Bangkok Post

Hải quân Hoàng gia Thái Lan, được Chính phủ của Thủ tướng Prayut hậu thuẫn, khẳng định rằng Thái Lan cần bắt kịp các nỗ lực hiện đại hóa hải quân trong khu vực để nâng cao khả năng bảo vệ các lợi ích hàng hải của mình.

Liên đội tàu ngầm cuối cùng và duy nhất của Thái Lan từng được RTN sử dụng, gồm 4 chiếc tàu ngầm lớp Matchanu của Nhật Bản, đã ngừng hoạt động vào năm 1951.

Cho đến ngày nay, Thái Lan vẫn thiếu khả năng răn đe đáng tin cậy trên biển trong khi nhiều nước láng giềng như Việt Nam , Indonesia, Singapore và Malaysia đều được trang bị đầy đủ các hạm đội tàu ngầm.

Việc Myanmar mua tàu ngầm lớp Kilo do Nga sản xuất từ ​​Ấn Độ vào năm 2020 và Philippines tìm kiếm khả năng tàu ngầm từ Hàn Quốc càng làm tăng thêm sự lo lắng cho RTN.

Đầu năm nay, RTN đã ra mắt trang Facebook “Thai Submarine” để chia sẻ thông tin chung, lịch sử, phim tài liệu và các nguồn khác liên quan đến tàu ngầm nhằm cố gắng thuyết phục công chúng về nhu cầu mua sắm tàu ngầm.

Tuy vậy, con đường phía trước cho kế hoạch mua tàu ngầm của Thái Lan vẫn đầy rẫy những trở ngại. Hệ thống hành chính quan liêu chậm chạp và kém hiệu quả của Thái Lan, cùng với lợi thế cạnh tranh của đất nước bị giảm sút, đều đã bị COVID-19 vạch trần.

Trong mắt công chúng, những vấn đề này, giữ vai trò trọng tâm đối với sự phát triển trong tương lai của Thái Lan, chắc chắn cấp bách hơn nhiều so với kế hoạch mua tàu ngầm của hải quân.

Anh Tú

Đọc nhiều