Thái Lan chưa bầu được thủ tướng mới, hệ lụy thế nào?

Tuệ Ngô 20/07/2023 19:35

Việc chưa thể bầu thủ tướng và thành lập chính phủ mới của Thái Lan sẽ gây ra nhiều hệ quả cho kinh tế, trong đó doanh thu ngành du lịch của đất nước dự kiến sẽ bị thiệt hại tới 500 tỉ baht (tương đương 14,5 tỉ USD) và GDP giảm 1%.

Ông Pita Limjaroenrat bắt tay một nghị sĩ sau khi Tòa án Hiến pháp Thái Lan đình chỉ tư cách nghị sĩ của ông hôm 19-7. Ảnh: Reuters

Chưa lập được Chính phủ mới

Quốc hội Thái Lan ngày 19-7 đã bỏ phiếu hủy bỏ đề cử ông Pita Limjaroenrat, lãnh đạo Đảng Tiến bước (MFP), vào ghế thủ tướng. Chủ tịch Quốc hội Thái Lan cho biết: “Ông Pita không thể được đề cử hai lần trong cùng phiên họp quốc hội này. Ông Pita đã thất bại trong cuộc bỏ phiếu vào tuần trước”.

Động thái trên diễn ra sau khi Quốc hội Thái Lan cùng ngày triệu tập để bỏ phiếu lần hai bầu tân thủ tướng. MFP đã trở thành đảng dẫn trước trong cuộc tổng tuyển cử ngày 14-5, giành được 151 ghế ở hạ viện.

Sáng cùng ngày 19-7, Tòa án Hiến pháp Thái Lan đã tạm đình chỉ tư cách nghị sĩ của ông Pita trong khi chờ phán quyết cuối cùng về vụ ông bị tố cáo nắm giữ cổ phần của công ty truyền thông khi ra tranh cử.

Nếu bị buộc tội vi phạm luật bầu cử, cựu ứng cử viên hàng đầu cho chức Thủ tướng Thái Lan có thể phải đối diện một vụ án hình sự.

Trước đó, ở vòng bỏ phiếu đầu tiên hôm 13-7, ông Pita là ứng cử viên duy nhất được đề cử và đưa ra bỏ phiếu tại quốc hội. Tuy nhiên, ông chỉ giành được 324 phiếu, dưới ngưỡng tối thiểu 375 phiếu để đắc cử thủ tướng thứ 30 của Thái Lan.

Bangkok Post dẫn lời ông Thanavath Phonvichai – Chủ tịch Đại học Phòng Thương mại Thái Lan (UTCC) cho biết cuộc bỏ phiếu bầu Thủ tướng Thái Lan được coi là một chỉ số quan trọng về phục hồi kinh tế của đất nước.

Ông dẫn các cuộc khảo sát kinh doanh gần đây do trường thực hiện, trong đó cho thấy, những lo ngại việc thành lập Chính phủ bị trì hoãn có thể ảnh hưởng tới việc hình thành các chính sách mới để kinh tế phục hồi.

“Cả doanh nghiệp và người tiêu dùng đều đang theo dõi chặt chẽ việc lựa chọn Thủ tướng” – ông Thanavath nói.

Đại học Phòng Thương mại Thái Lan ước tính, tác động tới nền kinh tế Thái Lan sẽ ở mức tối thiểu nếu việc bầu thủ tướng và lập chính phủ mới diễn ra trong tháng 8 hoặc tháng 9 bởi thời điểm này nằm trong khuôn khổ ngân sách hiện hành, giúp các kế hoạch đầu tư được triển khai.

Quốc hội Thái Lan nhóm họp ngày 13-7. Ảnh: Reuters

Ông cũng cho biết, nếu việc thành lập Chính phủ kéo dài sau tháng 10, quá trình lập ngân sách có thể bị hoãn lại sang quý II năm sau, từ đó cản trở mức độ tăng cường hoạt động kinh tế. Ông Thanavath chỉ ra, giới chức địa phương đang được khuyến khích tiếp tục các dự án hiện có, trong khi các cơ quan Chính phủ nên tận dụng phân bổ ngân sách để đảm bảo dòng tiền.

“Nếu việc bầu chọn Thủ tướng và thành lập chính phủ diễn ra suôn sẻ mà không có các cuộc biểu tình dữ dội, tạo điều kiện cho việc thực hiện các sáng kiến đầu tư, thì nền kinh tế có thể tăng trưởng 4%.

Tuy nhiên, nếu quá trình bầu chọn và thành lập chính phủ vấp phải các cuộc biểu tình gay gắt, dẫn đến việc các quốc gia khác phát cảnh báo du lịch, thì lượng khách du lịch nước ngoài của Thái Lan trong nửa cuối năm có khả năng giảm 10 triệu. Điều này sẽ dẫn đến tổn thất 500 tỉ baht doanh thu du lịch và giảm 1% GDP. Đây là kết quả không mong muốn” – ông nói thêm.

Kinh tế khủng hoảng?

Trong nửa đầu năm 2023, Thái Lan đón 12-13 triệu du khách nước ngoài. Đại học Phòng Thương mại Thái Lan dự kiến, lượng khách tới Thái Lan sẽ tăng lên 17-18 triệu trong nửa cuối năm.

Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan (FTI) lo ngại, khi lãnh đạo Đảng Move Forward không đảm bảo đủ phiếu bầu trong Quốc hội để trở thành Thủ tướng mới, các cuộc biểu tình lớn trên đường phố có thể bùng nổ, từ đó sẽ ảnh hưởng đến đầu tư nước ngoài và du lịch của Thái Lan.

Rất đông người biểu tình sau khi ông Pita chính thức thất bại

“Bất ổn chính trị của Thái Lan có thể sẽ kéo dài, làm dấy lên lo ngại xảy ra biểu tình ở những người ủng hộ đảng tại nhiều tỉnh, thành. Điều này sẽ làm xấu hình ảnh của đất nước trong cộng đồng quốc tế và giáng một đòn mạnh vào lòng tin đầu tư” – ông Kriengkrai Thiennukul – Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan cho hay.

Theo Bloomberg, ngoài yếu tố chính trị, Thái Lan còn đối mặt với những khó khăn khác như sự chậm chạp trong việc đổi mới, cùng với một loạt các vấn đề khác, khiến “con hổ” này không thể gầm thét.

Tuần trước, hãng tin Bloomberg nhận định Thái Lan, nền kinh tế từng được mệnh danh là “con hổ” Đông Nam Á bị cho là “chẳng bao giờ gầm”, để các nước láng giềng vượt mặt.

Trong suốt hơn 30 năm qua, nền kinh tế của Thái Lan đã trải qua ba lần đảo chính quân sự và giấc mơ phát triển thành một quốc gia giàu có từng trở nên xa vời.

Những người ủng hộ ông Pita xuống đường biểu tình tại Bangkok

Thời điểm trước đây, Thái Lan đứng trên Trung Quốc về GDP bình quân đầu người, nhưng hiện tại đã bị tụt lại phía sau một khoảng cách đáng kể. Dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho thấy, vào năm 2022, GDP bình quân đầu người tại Trung Quốc là 12.720 USD, cao gấp đôi mức chỉ 6.909 USD của Thái Lan. Thậm chí theo Bloomberg, với tốc độ phát triển hiện tại, Trung Quốc có khả năng sẽ tiếp tục gia tăng khoảng cách này lên gấp đôi Thái Lan.

Theo Bloomberg, một trong những nguyên nhân chính khiến Thái Lan tụt hậu trong suốt 40 năm qua là không tận dụng được thời hoàng kim của mình và thiếu tầm nhìn phát triển kinh tế.

Nền dân chủ, một lúc nào đó có vẻ như là nền móng vững chắc cho sự ổn định của Thái Lan từ thập niên 1990, bất ngờ chao đảo sau nhiều thập kỷ đối mặt với xung đột chính trị.

Tình trạng không ổn định đã làm cho nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp do dự và ngần ngại đầu tư thêm tại đất nước này. Hơn nữa, hệ thống pháp luật không ổn định và sự hạn chế về quyền sở hữu đã làm cho dòng vốn nước ngoài chuyển hướng sang các nền kinh tế khác ổn định và phát triển hơn.

Ngành du lịch Thái Lan vẫn đang trì trệ hơn so với trước dịch

Ngoài ra, việc dựa quá nhiều vào ngành du lịch cũng khiến nền kinh tế Thái Lan trở nên càng tổn thương và khó khăn trong việc phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Hơn nữa, dân số Thái Lan đang có xu hướng già đi với 12 triệu người cao tuổi trong tổng số 67 triệu dân. Với một nền kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất xuất khẩu, việc xử lý các công nghệ mới ngày càng nhiều và đòi hỏi sự tham gia của lao động trẻ, có khả năng học hỏi nhanh là một tín hiệu không khả quan.

Theo Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan, quốc gia Đông Nam Á này cần cải thiện nền kinh tế vì phục hồi sau đại dịch không đồng đều.

Ông Kriengkrai nói rằng, nền kinh tế Thái Lan hiện được thúc đẩy nhờ khách du lịch, với lượng du khách Trung Quốc đến Thái Lan nhiều hơn sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại vào đầu năm nay. Nếu khác biệt về chính trị leo thang thành bạo lực, khách du lịch nước ngoài có thể không muốn đến Thái Lan trong bối cảnh đất nước đang phụ thuộc vào nguồn doanh thu này. Nhiều ngành công nghiệp, bao gồm cả thực phẩm và đồ uống, cũng đang được hưởng lời từ sự phục hồi du lịch này.

“Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan hy vọng mọi xung đột chính trị có thể được giải quyết tại Quốc hội. Các chính trị gia nên suy nghĩ và hành động vì lợi ích của đất nước” – ông Kriengkrai nhấn mạnh.

Tuệ Ngô

Đọc nhiều