Thách thức cho lao động Việt khi đón sóng chuyển dịch của Nhật Bản
Sau sự lạc quan ban đầu, người lao động còn nhiều điều phải chuẩn bị để hưởng lợi từ làn sóng đầu tư mới của doanh nghiệp Nhật.
Cuối tháng 7, Tổ chức xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (Jetro) xác nhận, 15 trên 30 doanh nghiệp được hỗ trợ kinh phí trong dự án đa dạng chuỗi cung ứng sang ASEAN, chọn Việt Nam là điểm đến. Trước đó, trong cuộc khảo sát thực hiện cuối năm ngoái của Jetro, hơn 40% trong 3.500 doanh nghiệp Nhật cho biết xem xét mở rộng hoạt động tại Việt Nam trong 3 năm tới.
Trong bối cảnh việc làm có phần ảm đạm vì đại dịch, làn sóng dịch chuyển này là một tin vui với thị trường lao động Việt Nam khi kỳ vọng sẽ có nhu cầu tuyển dụng lớn từ các doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy lao động Việt sẽ gặp không ít thách thức khi đón làn sóng dịch chuyển từ Nhật.
Đầu tiên, nguồn cung lao động cho công ty Nhật tại Việt Nam đang tăng, đồng nghĩa với mức độ cạnh tranh cao hơn. Báo cáo thị trường tuyển dụng quý II/2020 của Navigos Search cho biết, trong bối cảnh sản xuất và kinh doanh khó khăn, một số công ty Nhật đang giảm giờ làm, giảm lương hoặc điều chỉnh nhân sự. Một số khác, do tình hình của công ty mẹ tại Nhật gặp khó nên phải tạm đóng cửa nhà máy, chưa xác định được khi nào thì hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ được tái khởi động.
“Hiện nhiều ứng viên thất nghiệp do công ty đóng cửa hoặc vẫn có việc làm nhưng bị giảm lương, thưởng. Đặc biệt, thị trường có một lượng khá dồi dào ứng viên nói tiếng Nhật trở về từ Nhật”, nhóm chuyên gia theo dõi về tuyển dụng lao động ngành sản xuất của công ty Nhật khu vực phía Bắc thuộc Navigos, cho hay.
Thứ hai, các ý định chuyển dịch đầu tư đều mang tính dài hạn nên không thể có cơ hội ngay trước mắt. Trong quý vừa qua, các công ty của Nhật mới thành lập tại Việt Nam chưa thể đi vào hoạt động sản xuất được do ảnh hưởng từ đại dịch. Đặc biệt, nhiều chuyên gia cấp cao người Nhật hiện giữ vị trí chủ chốt trong nhà máy chưa có điều kiện sang Việt Nam, dẫn đến việc ra quyết định tuyển dụng một số vị trí bị trì hoãn theo.
Nếu việc kiềm chế Covid-19 tiến triển tốt, dự kiến trong quý IV năm nay sẽ có những sự biến động rõ rệt trong dịch chuyển đầu tư, từ đó sẽ có ảnh hưởng đến nhu cầu tuyển dụng của một số doanh nghiệp.
Dự báo, các nhà đầu tư Nhật Bản mới sẽ tập trung vào khu vực Khu công nghiệp Thăng Long 3 (Vĩnh Phúc) và Khu công nghiệp Đồng Văn 3 (Hà Nam). Tuy nhiên, làn sóng mới này không phải là nơi cung cấp việc làm “trong mơ”. Giới tuyển dụng cho hay, doanh nghiệp Nhật sẽ tiếp tục giữ quan điểm yêu cầu cao nhưng khả năng trả lương có thể không cạnh tranh lắm do khó khăn hoặc siết chặt chi phí.
Thứ ba, người lao động Việt Nam được đánh giá cao ở nhiều mặt nhưng cũng có những vấn đề phải cải thiện. CEO người Nhật của một công ty về sơn nội thất đề nghị không nêu tên đánh giá, nhiều lao động Việt Nam có tay nghề rất cao, có thể hoàn thành công việc nhưng lại thiếu cầu tiến.
“Các bạn thiếu suy nghĩ làm cách nào để hoàn thành công việc nhanh hơn, đẹp hơn và đặt mình ở phương diện khách hàng thì họ sẽ đòi hỏi bạn làm gì. Ví dụ, trong nhà hàng, nếu không có quản lý giám sát thì các bạn sẽ lướt điện thoại hay ăn uống, mặc dù khách hàng đang ngồi ở đó”, vị này nhận xét.
Một CEO khác đề nghị giấu tên nói rằng, nhiều lao động chưa có niềm tự hào đối với công ty mình đang làm việc. “Mặc dù vấn đề lương bổng cũng rất quan trọng. Nhưng nếu vì đồng lương mà các bạn sẵn sàng nhảy sang công ty kế bên là một điều đáng tiếc”, vị CEO cho biết.
Bà Nguyễn Thị Tường Hải, Nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc Dũng Giang Nozomi, một công ty phái cử lao động sang Nhật Bản đánh giá, làn sóng chuyển dịch của các công ty Nhật là cơ hội rất lớn cho lao động trẻ Việt Nam, với nhiều lựa chọn hơn mà không nhất thiết phải bôn ba qua Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan.
Từng công tác tại Jetro TP HCM và kinh qua một số vị trí quản lý tại các công ty Nhật Bản ở Việt Nam trước khi sáng lập công ty riêng, bà Hải đồng thuận rằng điểm mạnh của lao động Việt là khéo tay, làm ra sản phẩm tốt nhưng hạn chế là chưa phân biệt rõ ràng trách nhiệm và nghĩa vụ, dễ lơ là, mất tập trung. Ngoài ra, chất lượng nói chung của lao động về chuyên môn cũng cần nâng cao.
“Tôi cho rằng cần phải có những chiến lược cụ thể hơn về vĩ mô cho thị trường lao động để thực sự nắm bắt cơ hội này. Một trong những vấn đề dài hạn là giáo dục, thị trường vẫn đào tạo “thầy” nhiều hơn “thợ”, và thiếu chuyên sâu cái doanh nghiệp cần. Do đó, chúng tôi vẫn thích tuyển dụng các em ‘như tờ giấy trắng’ để doanh nghiệp tự đào tạo, dù mất thời gian nhưng được cái mình cần”, bà Hải nói.
Một trong những lý do doanh nghiệp Nhật chọn Việt Nam, theo đại diện Jetro Hà Nội, là có lợi thế hơn hẳn các quốc gia trong khu vực khi đông đảo người lao động biết tiếng Nhật. Nhưng thách thức khác là xu hướng mới, các doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam không chỉ tuyển người Việt.
Hiện tại, một số công ty Nhật đang tìm ứng viên người Hàn Quốc để làm việc trong các mảng cung cấp hàng hóa cho đối tác Hàn Quốc, đơn cử là phục vụ những thương hiệu điện tử hàng đầu từ Hàn Quốc và các nhà cung cấp của thương hiệu này tại Việt Nam.
Để thích ứng với Covid-19, một số doanh nghiệp Nhật bắt đầu chuyển hướng bán hàng cho các tập đoàn Việt Nam và Hàn Quốc. Vì thế, họ muốn tuyển lao động người Hàn hoặc người Việt nói được tiếng Anh có chuyên môn cao, thay vì tuyển ứng viên nói được tiếng Nhật như trước đây.
Viễn Thông/VNE