439
category
352807

Tết Táo quân ở Việt Nam và các nước châu Á có gì đặc biệt?

Thành Nhân 15/01/2020 11:31

Không chỉ Việt Nam mà một số nước ở Châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng có tục lệ cúng ông Công, ông Táo.

Việt Nam

Người dân dành thời gian sắp xếp, sửa soạn ban thờ của gia đình.

Theo phong tục truyền thống của người Việt Nam, hàng năm cứ vào ngày 23 tháng Chạp, các gia đình chuẩn bị lễ vật, mâm cúng, ca chép dâng cúng ông Công ông Táo. Ngày này còn được dân gian gọi với cái tên là Tết Táo quân. Từ xa xưa, người Việt quan niệm rằng Táo quân là vị thần bảo vệ gia đình, và vào cuối năm, Táo quân sẽ lên thiên đình báo cáo mọi chuyện tốt xấu với Ngọc Hoàng. Đêm Giao thừa, Táo quân mới trở lại trần gian để tiếp tục công việc trông coi bếp lửa gia đình.

Mâm cúng ông Công ông Táo của người Việt. (Ảnh: @nghiemthuytrang68)

Mâm cỗ cúng có thể là đồ chay hoặc đồ mặn tùy theo gia cảnh. Ngay từ sáng sớm, một số người dân đi chợ để mua thực phẩm thiết yếu. Nem rán là một trong những món không thể thiếu trong mâm cỗ đang được rán trên chảo.

Mâm cúng ông Công ông Táo của người Việt. (Ảnh: @nghiemthuytrang68)
Người dân thả cá chép tiễn Táo quân chầu trời ngày 23 tháng Chạp. (Ảnh: @pum.nguyenn)

Lễ vật cúng ông Công ông Táo ngày 23 tháng Chạp gồm: Ba chiếc mũ ông Công, ông Táo gồm hai chiếc mũ ông Táo có cánh chuồn, một chiếc mũ bà Táo không có cánh chuồn. Ngoài bộ mũ, các gia đình thường chuẩn bị 1 mâm cỗ mặn cùng các lễ vật khác như bánh kẹo, trầu cau, rượu, hương, đèn nến, lọ hoa tươi, đĩa ngũ quả tươi, tiền vàng và 3 con cá chép sống.

Trung Quốc

Tết Táo quân ở Trung Quốc cũng gần giống như người Việt. Vào ngày 23 tháng Chạp, các vị thần bếp của các gia đình chầu trời, báo cáo với Ngọc Hoàng về những việc làm tốt và xấu của mọi người trong một năm.

Người Trung Quốc gọi vị thần bếp của mình là Táo Vương. Mâm cơm cúng vị thần bếp của người Trung Quốc gồm có nắm gạo nếp, bánh đường, bánh rán chiên giòn và súp đậu.

Người Trung Quốc chuẩn bị đồ vàng mã cho ngày Tết Táo quân. (Ảnh: Xinhua)

Theo quan niệm, Táo Vương của người Trung Quốc chỉ có một ông một bà. Họ thường lập bàn thờ trong bếp với tranh hoặc tượng của ông Táo, bà Táo.

Vào ngày 23 tháng Chạp, người ta thường bôi mật ong lên tranh hoặc tượng Táo Vương. Ở Trung Quốc thay vì cúng cá chép, người ta thường cúng nước và chút cỏ khô, coi đây là thức ăn cho ngựa đưa Táo quân chầu trời.

Hàn Quốc

Lễ vật cúng thần bếp của người Hàn Quốc.

Người dân Hàn Quốc cúng thần bếp vào ngày 29 tháng Chạp và gọi vị thần bếp của mình là Jowangsin. Vào ngày này, người dân xứ sở kim chi thành tâm chuẩn bị một bữa cơm cúng bao gồm hoa quả và các loại bánh gạo rán để tỏ lòng tôn kính.

Theo truyền thuyết, Jowangsin là một phụ nữ, bà là nữ thần mang hình dáng của nước. Sự xuất hiện của bà là để giúp các gia đình người Hàn Quốc rửa trôi đi mọi sự đen đủi, chào đón những điều bình an và tốt đẹp trong năm mới.

Vì vậy, người Hàn Quốc thường đặt một chén nước nhỏ dưới bếp, chén nước này sẽ được người phụ nữ trong nhà thay thường xuyên vào ngày mồng 1 và rằm hàng tháng.

Singapore

Người dân Singapore cũng tiến hành lễ cúng thần bếp vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm như người Việt. Họ có tục lệ đốt hình nhân ông Táo để tiễn về trời. Cũng như trong tín ngưỡng của người Việt, ông Táo về trời báo cáo lại với Ngọc Hoàng tình hình trong một năm qua và mong chờ một năm mới thật nhiều niềm vui và hạnh phúc.

Sau khi báo cáo, đêm giao thừa ông Táo sẽ quay về với trần gian để trông coi việc bếp lửa của mỗi nhà.

Về mâm cỗ cơ bản khá giống của người Việt. Nhưng chỉ khác họ sẽ phết mật ong, đường, rượu ngọt lên môi của hình ông Táo với mong muốn sẽ Táo quân sẽ báo cáo những điều tốt đẹp tới Ngọc hoàng.

Nhật Bản

Người Nhật có nam thần Daikokuten là vị thần chủ sự chuyện nhà cửa, bếp núc và tài lộc của gia chủ. Trong quan niệm văn hóa dân gian của người Nhật, ngài là vị thần của ngũ cốc, là một trong 7 vị thần may mắn.

Vị thần Daikokuten có khuôn mặt to lớn, nụ cười sảng khoái và thường được sơn màu nâu đen. Người Nhật xưa quan niệm vào phiên chợ cuối năm, nếu ai “ăn cắp” được bức tranh hay bức tượng thần Daikokuten mà không bị “bắt quả tang” thì năm mới người đó sẽ gặp được rất nhiều may mắn về tiền tài.

Thần Daikokuten thường cầm theo một cái vồ bằng vàng, đây là cái vồ may mắn, mang lại tiền tài, thần hay được khắc họa ngồi trên chĩnh gạo và có những con chuột chạy quanh bởi chuột trong văn hóa Nhật Bản hàm ý cho việc gia chủ có nhiều của ăn của để, chuột biết nên kéo tới “xin ăn”.

Vào đêm giao thừa, tượng thần Daikokuten sẽ được bày bán nhiều như một món đồ may mắn mang lộc về nhà. Hình ảnh thần Daikokuten trước đây đã từng được khắc họa trên những tờ tiền của Nhật Bản.

Thành Nhân (Tổng hợp)

Tags :
Đọc nhiều