Tẩu tán tài sản tham nhũng rất tinh vi

13/08/2019 10:16

Hình thức hợp thức hóa, tẩu tán tài sản từ tham nhũng rất đa dạng, tinh vi, do đó cần có biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa từ gốc.

Tại báo cáo thẩm tra việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn và giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018 thuộc lĩnh vực Ủy ban Tư pháp phụ trách, Ủy ban này đánh giá, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng qua công tác thi hành án còn thấp.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo Ủy ban Tư pháp, báo cáo của Chính phủ chưa đánh giá về thực trạng việc hợp thức hóa, tẩu tán tài sản từ tham nhũng; tình trạng đối phương có hành vi tham nhũng bỏ tốn ra nước ngoài… để có giải pháp ngăn chặn kịp thời.

Chia sẻ với những đánh giá của cơ quan thẩm tra, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho hay, phòng chống tham nhũng không chỉ là chỉ đích danh kẻ tham nhũng, đưa các đối tượng đó ra trước pháp luật, xử phạt bao nhiêu năm tù mà quan trọng hơn là phải thu hồi tài sản do tham nhũng mà có bởi tài sản ấy là của nhà nước và nhân dân.

Thực tế cho thấy, nhiều cán bộ, quan chức sẵn sàng hy sinh đời bố, củng cố đời con, đời cháu, họ sẵn sàng chịu án tù để đem lại nguồn lợi cho cả gia đình và gia tộc.

Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ tại các kỳ họp trước của Quốc hội cho thấy, tỷ lệ thu hồi tài sản do tham nhũng mà có rất thấp: đối với đất đai chưa được 50%; đối với tài sản là tiền chỉ được hơn 15%.

“Như vậy, phần lớn tài sản từ tham nhũng bị thất thoát. Các đối tượng dùng nhiều mưu ma chước quỷ để chuyển đổi tài sản tham nhũng, chia nhỏ chúng ra cho vợ con, người thân trong gia đình, thậm chí tẩu tán ra nước ngoài trước khi cơ quan điều tra có quyết định điều tra và cuối cùng rất khó xử lý.

Thời gian trước, chúng ta biết ở một số địa phương, con cái của những vị quan chức dù còn rất nhỏ nhưng đã đứng tên nhiều miếng đất, nhiều biệt thự và tài sản kếch xù khác.

Có thể thấy, hình thức hợp thức hóa, tẩu tán tài sản từ tham nhũng rất đa dạng, tinh vi, đòi hỏi các cơ quan tố tụng phải am hiểu, có biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa.

Nếu không xử lý tốt thì tài sản tham nhũng bị tẩu tán, kẻ tham nhũng cao chạy xa bay ra nước ngoài khiến cơ quan chức năng phải vất vả truy lùng, di lý. Trường hợp Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy và một số trường hợp khác là ví dụ”, ông Lê Như Tiến chỉ rõ.

Ông Lê Như Tiến. Ảnh: Tuổi trẻ 
Ông Lê Như Tiến. Ảnh: Tuổi trẻ 

Chính vì thế, ông đề nghị khi phát hiện tham nhũng, cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án phải phối hợp chặt chẽ với nhau để xử lý nhanh các vụ án đó, có biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa để tài sản không bị chuyển dịch, tẩu tán, kẻ tham nhũng không có cơ hội cao chạy xa bay ra nước ngoài. Bên cạnh đó, cần bổ sung, lấp kín những kẽ hở của Luật Hình sự, Luật Tố tụng hình sự, đặc biệt là cần bổ sung ngay các biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa.

Chẳng hạn, nếu tài sản tham nhũng là ngoại tệ, bất động sản phải phong tỏa ngay, đồng thời có sự kiểm soát, ngăn chặn, phòng ngừa đối với các đối tượng có dấu hiệu tham nhũng như cấm đi khỏi nơi cư trú, cấm xuất cảnh. Yêu cầu này, theo ông Tiến, xuất phát từ thực tế nhiều cán bộ, quan chức lấy cớ đi chữa bệnh, công tác ở nước ngoài rồi cao chạy xa bay.

Để làm được điều này, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội lưu ý phải ngăn chặn, phòng ngừa từ gốc và có liên quan mật thiết đến kê khai tài sản.

“Ở Việt Nam, không phải ai cũng kê khai tài sản. Nhiều trường hợp các đối tượng tham nhũng tẩu tán, dịch chuyển tài sản từ trước khi kê khai. Bên cạnh đó, chúng ta có kê khai nhưng lại để trong ngăn kéo tủ mà không hề có sự liên thông.

Kê khai tài sản nhưng phải làm sao để các đối tượng không chuyển dịch tài sản do tham nhũng mà có cho con cháu, người thân, không chuyển dịch ra nước ngoài.

Muốn vậy, kê khai tài sản phải công khai minh bạch và như đã nói, phải có cơ chế phòng ngừa chuyển dịch tài sản”, ông Lê Như Tiến cho biết.

Cũng theo ông, Việt Nam có nhiều cơ quan để kiểm soát được vấn đề này: cơ quan kiểm tra của Đảng, thanh tra của Nhà nước, Chính phủ, giám sát của các cơ quan dân cử, đặc biệt có tai mắt của nhân dân, các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể, mặt trận.

“Hàng xóm, cử tri nơi đối tượng tham nhũng cư trú, cử tri nơi đối tượng đó công tác… đều có thể biết đối tượng đó có bao nhiêu mảnh đất, nay ở biệt thự này, mai ở biệt thự khác, chuyển dịch tài sản cho con cháu thế nào… Tại sao chúng ta chưa phát huy hết khả năng giám sát của nhân dân? Đó là câu hỏi đặt ra cho các cơ quan bảo vệ pháp luật”, ông Lê Như Tiến nhấn mạnh.

(Thành Luân /Theo Đất Việt)

Đọc nhiều