7
category
515336

Tàu ngầm Trung Quốc chưa kịp thò đầu ra biển đã bị Mỹ – Nhật “tóm sống”!

05/05/2021 11:23

Lực lượng tàu ngầm Nhật Bản và Đài Loan có thể tiến thẳng vào vùng biển sâu, một lợi thế vô cùng to lớn mà các tàu ngầm Trung Quốc không thể có.

Tàu ngầm Trung Quốc nguy kịch: Chưa kịp thò đầu ra biển đã bị Mỹ - Nhật "tóm sống"!

Trong những năm vừa qua, bất chấp việc Bắc Kinh đã đầu tư nhiều nguồn lực để phát triển các lực lượng quân sự khổng lồ của nước này nhưng Hải quân Trung Quốc (PLAN) vẫn tồn tại một số điểm yếu rất khó khắc phục. Một trong số đó là tình thế rủi ro về mặt địa lý.

Chia sẻ trên tờ Nikkei Asia, Tom Shugart – cựu thủy thủ tàu ngầm Hải quân Mỹ cho biết: “Khi bạn nhìn vào các căn cứ tàu ngầm của Trung Quốc thì bạn sẽ thấy rằng mỗi căn cứ như vậy đều bị án ngữ bởi một dải nước nông mà tàu ngầm của họ phải đi qua để tiến ra vùng biển sâu”.

Nhận định trên của Tom Shugart hoàn toàn có cơ sở khi hình ảnh trên Google Earth cũng cho thấy bờ biển Trung Quốc được bao quanh bởi màu xanh nhạt, biểu thị cho những vùng biển nông. Điều này trái ngược với những vùng nước sâu màu xanh đậm xuất hiện ngay bờ biển phía Đông của Đài Loan và Nhật Bản.

Tàu ngầm Trung Quốc nguy kịch: Chưa kịp thò đầu ra biển đã bị Mỹ - Nhật tóm sống! - Ảnh 1.
Trung Quốc bị bao quanh bởi các vùng nước nông, trái ngược hoàn toàn với những vùng nước sâu ngoài khơi bờ biển phía Đông Đài Loan và Nhật Bản. Ảnh: Google Earth

Một khi tàu ngầm đã di chuyển tới các vùng nước sâu, chúng gần như không thể bị phát hiện. Lực lượng tàu ngầm Nhật Bản và Đài Loan có thể tiến thẳng vào vùng biển sâu, một lợi thế vô cùng to lớn mà các đối tác Trung Quốc của họ không thể có.

“Để di chuyển từ vùng nước gần Trung Quốc ra biển khơi, tàu ngầm PLAN sẽ phải đi qua nhiều điểm nghẽn và eo biển khác nhau trong các chuỗi đảo”, cựu thủy thủ tàu ngầm Tom Shugart, người hiện là thành viên cao cấp của Trung tâm An ninh Mỹ mới nhận xét.

“Đây chính là thời điểm mà đối thủ của PLAN, chẳng hạn như lực lượng tàu ngầm Hải quân Mỹ và các nước đồng minh, có thể giám sát chặt chẽ và đánh chặn nếu chúng tham gia hoặc chuẩn bị tham gia vào một cuộc xung đột tiềm ẩn”.

Trong khi đó, theo nhà khoa học chính trị Jeffrey Hornung thuộc tổ chức tư vấn chính sách Rand thì khả năng kiểm soát các điểm nghẽn như vậy là một trong những đóng góp quan trọng nhất của Nhật Bản trong cuộc xung đột tiềm tàng với Trung Quốc.

Thứ Sáu tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã đưa ra một khái niệm mới gọi là “khả năng răn đe tích hợp”, kêu gọi các đồng minh “hợp sức, chung tay” sẵn sàng cho một cuộc chiến trong tương lai.

Chuỗi đảo Nansei (Nansei Islands) của Nhật Bản trải dài từ cực Nam Kyushu đến phía Bắc Đài Loan, gồm tập hợp các nhóm đảo nhỏ hơn là Osumi, Tokara, Amami, Okinawa, Miyako và Yaeyama.

“Vai trò của Nhật Bản phải là kiểm soát các chốt điểm”, chuyên gia Hornung bình luận. “Nếu nhìn vào chuỗi đảo Nansei, bạn sẽ thấy có rất nhiều chốt điểm. Với các khả năng của tàu ngầm, Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản hoàn toàn có thể đảm trách được vai trò đó”.

“Nhật Bản càng tập trung được nhiều vào nhiệm vụ phòng thủ, hoặc bằng tên lửa hành trình chống hạm hoặc máy bay tuần thám P-3C để tìm kiếm và săn lùng tàu ngầm Trung Quốc, thì cảnh giải phóng được rất nhiều nguồn lực cho Mỹ thực thi nhiệm vụ chiến đấu”.

Theo cựu thủy thủ Shugart, người từng là sĩ quan kỳ cựu với 25 năm phụ trách tác chiến chống ngầm, các tàu ngầm điện – diesel của Nhật Bản đặc biệt phù hợp với nhiệm vụ như vậy.

“Hạm đội tàu ngầm điện – diesel mà các đồng minh của chúng tôi như Nhật Bản và Australia sở hữu có thể rất hữu ích cho việc phòng thủ chốt điểm bởi chúng rất yên tĩnh”.

Trong khi đó, các tàu ngầm hạt nhân như của Mỹ lại rất thích hợp hoạt động ở đại dương rộng mở, truy đuổi kẻ thù hoặc sẵn sàng phóng tên lửa từ một vị trí không bị phát hiện.

Tú Anh

Đọc nhiều