Tàu ngầm Indonesia đã bị đánh chìm bởi sóng độc ngầm?

Tùng Anh 04/05/2021 10:30

Khi tàu ngầm KRI Nanggala-402 của Indonesia vỡ làm 3 mảnh ở độ sâu 838 mét cùng 53 thành viên thủy thủ đoàn ngoài khơi Bali trong một cuộc tập trận, có nhiều giả thuyết được đưa ra để giải thích nguyên nhân tàu chìm. 

Hiện nhà chức trách Indonesia nghi ngờ con tàu đã bị một dòng chảy ngầm mạnh mẽ, còn gọi là sóng độc (đơn lẻ) trong lòng biển. Theo đó, có bằng chứng cho thấy một đợt sóng ngầm với khả năng tạo ra lực kéo thẳng đứng dưới mặt biển đã xảy ra cùng khoảng thời gian tàu ngầm biến mất vào ngày 21.4.

Vùng nước nguy hiểm 

Eo biển Lombok giữa đảo Bali và Lombok nổi tiếng nguy hiểm các đợt sóng dữ dội trong lòng biển xảy ra gần như hai tuần một lần.

Theo NASA, eo biển này có xu hướng diễn ra sự kết hợp giữa các dòng thủy triều mạnh, đáy đại dương gồ ghề và sự giau nhau giữa một kênh nước nông và một kênh nước sâu “khoảng 14 ngày một lần để tạo ra dòng thủy triều cực mạnh”.

Sóng độc ngầm đã đánh chìm tàu ngầm Indonesia? - ảnh 1
Thành viên Hải quân Indonesia tham gia lễ tưởng nhớ các thành viên thủy thủ đoàn tàu ngầm KRI Nanggala-402 bị chìm.

Hải quân Indonesia tin hiện tượng tự nhiên này có khả năng là lời giải thích hợp lý cho thảm họa tàu ngầm.

Sóng độc trong lòng biển là gì?

Con người không thể thấy sóng độc loại này trên bề mặt đại dương, nhưng trong lòng đại dương, sóng có thể rất lớn.

Theo Chuẩn Đô đốc Muhammad Ali, cựu chỉ huy tàu ngầm KRI Nanggala-402, sóng độc trong lòng biển là “dòng hải lưu có thể kéo tàu ngầm xuống theo phương thẳng đứng và nó chìm nhanh hơn bình thường”.

Các hình ảnh từ vệ tinh Himawari 8 của Nhật Bản và vệ tinh Sentinel của châu Âu cho thấy có nhiều đợt sóng lớn dưới nước trùng hợp với thời điểm tàu KRI Nanggala 402 chìm.

Sóng độc ngầm đã đánh chìm tàu ngầm Indonesia? - ảnh 2
Người thân cầm ảnh chân dung thành viên thủy thủ đoàn tàu ngầm KRI Nanggala-402 bị chìm tại căn cứ hải quân ở Sidoarjo.

“Nó di chuyển từ dưới lên phía bắc và tạo rãnh giữa hai ngọn núi. Cơn sóng có tốc độ khoảng 2 hải lý và thể tích nước vào khoảng hai đến bốn triệu lít”, Chuẩn Đô đốc Iwan Isnurwanto, Tư lệnh hải quân Indonesia cho biết.

Ông cũng nhấn mạnh con sóng này có khả năng cao đã khiến tàu ngầm KRI Nanggala-402 gặp nạn.

Các giả thuyết khác

Một số ý kiến cho rằng tàu ngầm Indonesia đã trúng tên lửa từ tàu nước ngoài, hoặc là bị mất điện.

Nhưng nhà chức trách cho biết vẫn có thể liên lạc với tàu ngầm khi nó bắt đầu lặn để diễn tập phóng ngư lôi và khẳng định “đèn vẫn sáng” – nghĩa là rất ít có khả năng mất điện.

Hải quân Indonesia cũng phủ nhận giả thuyết tàu bị quá tải. Chuẩn đô đốc Iwan cho biết tàu ngầm vốn có 33 chỗ, nhưng đã được cải tiến để phù hợp với nhu cầu chở hơn 50 thủy thủ.

Sóng độc ngầm đã đánh chìm tàu ngầm Indonesia? - ảnh 3
Mảnh vỡ được cho là của tàu ngầm KRI Nanggala-402 gặp nạn, được công bố một cuộc họp báo tại sân bay I Gusti Ngurah Rai.

Tàu ngầm này cũng được thiết kế để mang 8 ngư lôi – nặng khoảng một tấn mỗi quả – nhưng chỉ mang 4 quả vào thời điểm xảy ra thảm họa.

Còn có các nghi ngờ về cấu trúc của tàu ngầm đã yếu đi do tuổi đời quá cao, vì vậy khiến tàu gặp nạn.

Tuy nhiên, hiện chưa thể xác minh điều này vì Indonesia chưa thể trục vớt các bộ phận của tàu ngầm từ dưới đáy đại dương. Vì vậy các điều tra viên cũng khó có thể xác định nguyên nhân chính xác của thảm kịch.

Khả năng trục vớt tàu và thi thể 53 thủy thủ

Để trục vớt con tàu, Indonesia phải bỏ ra chi phí khổng lồ. Chuẩn Đô đốc Goldrick cho biết đã có tiền lệ nâng ít nhất các bộ phận của tàu ngầm từ độ sâu lớn hơn độ sâu tàu KRI Nanggala 402 chìm.

Tuy nhiên, việc trục vớt khoảng 1.300 tấn kim loại từ độ sâu hơn 800 mét dưới đáy đại dương không phải là chuyện dễ dàng.

Hải quân Indonesia có thể gắn ống hoặc bóng chứa không khí hoặc chất lỏng nổi vào thân tàu, hoặc nâng tàu bằng dây cáp thép từ cần trục hoặc sà lan. Cả hai phương án này đều rất tốn kém.

Hơn nữa, việc nâng phần đầu của tàu ngầm cũng có thể gây rủi ro cho đội trục vớt vì phải xử lý chất nổ từ ngư lôi.

Sóng độc ngầm đã đánh chìm tàu ngầm Indonesia? - ảnh 4
Tham mưu trưởng Hải quân Indonesia, Đô đốc Yudo Margono ném vòng hoa tưởng niệm tại địa điểm cuối cùng nhận được tín hiệu của tàu ngầm KRI Nanggala-402

Hiện tại, Indonesia đang tập trung thu hồi các vật phẩm nhỏ hơn nhờ phương tiện vận hành từ xa có thể nâng các vật thể nặng tới 150 kg.

Gia đình của các thủy thủ gặp nạn yêu cầu Hải quân Indonesia ít nhất phải trục vớt được hài cốt người thân của họ lên để có thể an táng. Tuy nhiên, thực tế đáng buồn là có nhiều khả năng 53 thủy thủ xấu số này có thể sẽ mãi mãi nằm dưới biển trong “chuyến tuần tra vĩnh cửu”.

(Theo Reuters)

Đọc nhiều