420
category
324809

Tàu chiến Mỹ thách thức yêu sách đường cơ sở của Trung Quốc ở Hoàng Sa

13/09/2019 20:14

Hạm đội 7 của Mỹ xác nhận tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Wayne E. Meyer đã áp sát nhiều đảo ở quần đảo Hoàng Sa nhằm bác bỏ yêu sách đường cơ sở thẳng của Trung Quốc tại khu vực. 

Đây là lần thứ hai tàu USS Wayne E. Meyer thách thức các yêu sách chủ quyền vô lý của Trung Quốc trên Biển Đông trong thời gian chưa đầy 2 tuần.

Sĩ quan Reann Mommsen, người phát ngôn của Hạm đội 7 Mỹ xác nhận USS Wayne E. Meyer đã áp sát “các hòn đảo” thuộc quần đảo Hoàng Sa ngày 13-9.

“Sự xuất hiện của tàu USS Wayne E. Meyer là lời thách thức của Mỹ với hành động hạn chế quyền qua lại vô hại của Trung Quốc cũng như không thừa nhận tuyên bố của Bắc Kinh đối với cái gọi là đường cơ sở thẳng ở quần đảo Hoàng Sa”, Hãng tin Reuters dẫn lời ông Mommsen nhấn mạnh.

Tàu chiến Mỹ thách thức yêu sách đường cơ sở của Trung Quốc ở Hoàng Sa - Ảnh 1.
Tàu khu trục USS Wayne E. Meyer trong cuộc diễn tập hàng hải đầu tiên giữa Mỹ và ASEAN đầu tháng 9-2019

“Trung Quốc rõ ràng đang âm mưu mở rộng khu vực nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thậm chí cả thềm lục địa ra khỏi những gì họ được luật pháp quốc tế cho phép”, sĩ quan Mỹ cáo buộc.

Hôm 28-8, tàu khu trục USS Wayne E. Meyer đã áp sát đá Vành Khăn và Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng và cải tạo phi pháp, đánh dấu lần đầu tiên một tàu chiến Mỹ áp sát hai thực thể nhân tạo bị Bắc Kinh chiếm đóng trong một chiến dịch “đảm bảo tự do hàng hải” ở Biển Đông.

Reuters bình luận sự xuất hiện của tàu khu trục Mỹ tại Hoàng Sa ngày 13-9 là một tín hiệu đáng chú ý trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc sắp sửa bắt đầu một vòng đàm phán thương mại mới.

Tần suất Mỹ tiến hành các chiến dịch đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông đã tăng đáng kể dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump. Một số các quốc gia đồng minh của Mỹ đã lên tiếng ủng hộ hoạt động này đồng thời cân nhắc đưa tàu tuần tra chung, chẳng hạn như Anh, Nhật Bản.

Tàu chiến Mỹ thách thức yêu sách đường cơ sở của Trung Quốc ở Hoàng Sa - Ảnh 2.
Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của hải quân Anh

Hôm 9-9, Đại sứ Trung Quốc tại Anh Lưu Hiểu Minh đã “lên giọng” với London về vấn đề Biển Đông.

Ông này cảnh báo nếu tàu sân bay HMS Queen Elizabeth hay bất kỳ tàu chiến nào của Anh di chuyển gần các thực thể bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép trên Biển Đông, nhóm tàu chiến của Anh sẽ phải đối mặt với các “phản ứng quân sự” của Trung Quốc.

Ngày 13-9, liên quan đến kế hoạch tuần tra Biển Đông của nhóm tàu sân bay Anh, viết trên Twitter chính thức, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: “Việt Nam hoan nghênh tất cả các hoạt động nhằm đảm bảo quyền tự do hàng hải và bay qua Biển Đông, phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 và đóng góp cho hòa bình, an ninh của khu vực lẫn thế giới”.

Trong diễn biến khác liên quan cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho rằng hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông đang gặp nguy hiểm nếu Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa các thực thể mà Bắc Kinh chiếm đóng trái phép trong khu vực, nhấn mạnh chúng đe dọa trực tiếp tới an ninh vận tải biển.

Bảo Duy/ Tuổi Trẻ 

Đọc nhiều