439
category
459221

“Tao còn sống là nhờ Bác Hồ”

22/12/2020 15:41

Anh hùng Nguyễn Văn Bảy (1936-2019), tên thật là Nguyễn Văn Hoa là con thứ bảy trong gia đình. Do người Nam Bộ hay gọi tên theo thứ tự nên dần dần cái tên Nguyễn Văn Bảy trở thành tên chính. Ông sinh tại xã Hòa Thành, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp.

Lúc sinh thời, đoàn làm phim tài liệu “50 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ” đã tìm đến nhà ông ở tận ấp Hậu Thành, xã Hòa Thành, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp để nghe ông kể chuyện những lần xuất kích trên không bắn rơi máy bay Mỹ, những lần gặp Bác, nhớ lời Bác căn dặn thật cảm động. Nghệ sĩ nhân dân Trà Giang là người từng ái mộ ông bỗng dưng trở thành người dẫn chuyện, bởi ông cũng là người ái mộ chị 50 năm trước.

Ông từng kể lại câu chuyện như là chuyện cổ tích của đời ông. Với giọng khề khà chân chất, ông kể về cuộc đời ông, hồi nhỏ nhà rất nghèo, suốt ngày đi chăn bò, chỉ được học hết lớp ba, về ở nhà chăn bò, làm ruộng. 17 tuổi trốn nhà, đi theo cách mạng, làm du kích.

Năm 1954, 18 tuổi tập kết ra Bắc. Trước khi đi tập kết, bố mua cho một chiếc đồng hồ Thụy Sĩ mà ông còn chưa đọc được chữ số. Năm 1960, được chuyển từ sư đoàn bộ binh sang không quân rồi được chọn đi học lái máy bay ở Liên Xô. Hồi ấy, để được học lái máy bay thì ít nhất cũng phải học hết lớp 10/10 (tương đương lớp 12 bây giờ), trong khi ông mới chỉ có lớp 3 thôi. Phải học văn hóa ở trường Bổ túc văn hóa Lạng Sơn đúng một tuần theo phương châm “cần gì học đó”, nghĩa là bỏ qua hết mọi môn khác, chỉ học toàn đại số, mỗi ngày một lớp, chỉ cố ghi nhớ các hình vẽ, định lý, định luật… để học lái máy bay.

Đoàn học viên Việt Nam được đào tạo lái máy bay MIG-17 chỉ có 34 người. Vậy mà Nguyễn Văn Bảy lọt được. Sau 5 năm học tập, năm 1965, tốp phi công đầu tiên của Việt Nam lái máy bay trở về Gia Lâm, sẵn sàng chiến đấu. Lần đầu tiên, phi công Nguyễn Văn Bảy cất cánh tấn công máy bay Mỹ là 10 giờ ngày 19/6/1965. Do chưa có kinh nghiệm nên bị máy bay Mỹ áp đảo bắn bị thương. Biết là bị thương mà ông vẫn nhất định không nhảy dù, bởi ông nghĩ nhảy dù là cứu mình nhưng coi như mất máy bay. Ông cố lái về và hạ cánh an toàn mới biết mình còn sống, coi lại thì đuôi máy bay nát hết, tới 84 lỗ đạn.

Vậy mà qua những lần tham chiến trên mặt trận không đối không, Nguyễn Văn Bảy đã bắn hạ tổng cộng 7 máy bay Mỹ, 2 chiếc F-105 và 5 chiếc F-4 được xếp hạng ACES của thế giới. Ông là một trong 16 phi công Việt Nam đạt đẳng cấp ACES (một danh hiệu có từ thế chiến II, dành cho những phi công quân sự có số lần bắn hạ máy bay đối phương đạt con số từ 5 trở lên).

Thấy nét mặt cả đoàn tỏ vẻ kinh ngạc, ông cười khà khà giải thích: “Cái máy bay nó cũng giống như cơ thể con người mình vậy, hễ trúng chỗ hiểm thì một phát nó cũng rơi, nhưng không trúng thì dù bị thương bấy bá nó vẫn sống nhăn, điều khiển được, nghĩa là nó chưa sao, máy móc vẫn tốt, vậy sao không ráng cứu nó”.

Ông kể tiếp: Bị đạn lần đầu thì mấy lần xuất kích sau tao rút kinh nghiệm riêng cho mình: “Người Việt Nam đánh giặc theo cách của người Việt Nam, đi học ở nước ngoài cũng chỉ để tham khảo thôi. Ở nước ngoài khác, nước mình khác, nước mình đánh theo kiểu du kích, du là chạy, kích là đánh, nghĩa là vừa chạy vừa đánh”. Rồi ông cười ha hả: “Máy bay nó to, hiện đại hơn mình, bay nhanh hơn mình nhiều lần, trang bị toàn súng hiện đại, trong khi MIG-17 của mình chỉ có 3 khẩu pháo với 200 viên đạn, bởi vậy mình phải bay sát nó mới bắn được, mà mình gần nó quá thì nó không bắn được mình. Mình phải lợi dụng cái lợi thế này nên khi vừa thấy nó tao xiết cò là nó rơi ngay. Máy bay mình chỉ bay 1500km/giờ mà nó bay 2800km/giờ. Nó bay cái vèo, tao hít khói nó còn không kịp, nhưng tao buộc nó phải đánh, dù tao đánh 1 chọi 10. Khi bay lên, ra đa chỉ huy dẫn đường cho mình, bay đến mục tiêu, khi phát hiện được mục tiêu rồi thì đó là việc của phi công, tao nhào vô thì nó phải tránh tao. Nó muốn bắn mình thì nó phải quay lại nhưng hỏa tiễn nó phải cách 2 km mới bắn được, còn tao chỉ cần 200 – 300 mét là tao nhả đạn. Bắn trúng đã tay lắm, trúng lưng nghe tiếng bụp bụp nó sướng, giống như mình giựt câu được con cá bự vậy, cứ thấy một thằng nhảy dù ra là bay về được rồi. Chuyện tiếp theo bắt nó là việc của dân quân…”

Chuyện phi công Việt Nam Nguyễn Văn Bảy chiến đấu trên không, bắn rơi máy bay Mỹ như một huyền thoại. Lời kể của ông giản dị, mộc mạc vậy thôi mà sao thấm thía, sâu sắc vậy, bởi toát lên qua những lời ông kể là cả một tổng kết lớn về lòng dũng cảm, mưu trí, bình tĩnh làm chủ hoàn cảnh trong những cuộc đọ sức với kẻ thù mạnh hơn ta gấp nhiều lần.

Đúng như ông nói, “đánh phải mưu trí, chớ không phải liều mạng ưỡn ngực ra cho nó đánh là chết không kịp ngáp”. Thấm thía nhất là câu nói này của ông: “Tao nghiệm rồi, trong khi đánh nhau thằng nào sợ chết thì mới chết, còn mình bảo vệ Tổ quốc nên không biết sợ là gì, cứ bay lên là quyết chiến thôi”.

Ông kể, “nhưng tao chỉ bắn được 7 chiếc, năm 1967 được tuyên dương anh hùng thì Bác Hồ không cho tao đi đánh nữa. Bác muốn bảo toàn lực lượng miền Nam và muốn tao phải có mặt trong đoàn quân giải phóng Sài Gòn”. Rồi đơn vị cho tao đi học ở Liên Xô một năm, khóa học về chỉ huy. Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, phi công Nguyễn Văn Bảy khắc ghi trong lòng lời Bác dặn trước lúc lên đường đi học lái máy bay ở Liên Xô ngày ấy. Bác nói, “chú là người miền Nam phải học giỏi, lái giỏi để khi thống nhất đưa Bác về miền Nam thăm đồng bào”.

Khi Bác mất, ngày 09/9/1969, vào thời điểm thiêng liêng xúc động nhất trong lễ tang Bác Hồ, trên bầu trời Hà Nội xuất hiện hai biên đội MIG-17 và MIG-21 bay thật thấp qua Quảng trường Ba Đình nghiêng cánh chào vĩnh biệt Bác. Phi đội trưởng của nhóm MIG-17 là anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy, vừa bay vừa khóc và nhớ tới lời Bác năm nào. 51 năm Bác đi xa nhưng Bác vẫn mãi mãi sống trong lòng dân, trong trái tim mọi người, trong trái tim các chiến sĩ bộ đội, các tướng lĩnh của Quân đội nhân dân Việt Nam, trong đó có Đại tá Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Bảy.

T.H

Tags :
Đọc nhiều