Tăng mức giảm trừ gia cảnh sẽ giảm bớt khó khăn cho người nộp thuế
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Thức – Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Kiểm toán Đông Nam Á cho biết, việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân (TNCN) theo đề xuất của Bộ Tài chính là hoàn toàn cần thiết, kịp thời và đúng quy định của pháp luật.
Hơn nữa, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, thì việc tăng mức chịu thuế sẽ giảm bớt khó khăn cho người nộp thuế, nhất là nhóm người nộp thuế ở bậc thấp.
* PV: Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh thuế TNCN, theo đó sẽ tăng mức giảm trừ gia cảnh từ 9 triệu đồng/tháng lên 11 triệu đồng và người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng/tháng lên 4,4 triệu đồng/tháng. Ông đánh giá như thế nào về đề xuất này?
– Ông Nguyễn Văn Thức: Luật Thuế thu nhập cá nhân số 26/2012/QH13 ngày 22/11/2012 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNCN số 04/2007/QH12 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013 quy định: “Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng. Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo”.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng từ thời điểm Luật số 26 có hiệu lực thi hành (từ 1/7/2013 đến hết tháng 9/2019 tăng 19,65%; đến hết tháng 12/2019 tăng 23,2%). Với chức năng, nhiệm vụ của mình, với sự cầu thị, lắng nghe ý kiến của người nộp thuế, cũng như các chuyên gia đầu ngành, Bộ Tài chính đã đưa ra dự thảo Nghị quyết đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh thuế TNCN là cần thiết, kịp thời và hoàn toàn đúng theo luật định của pháp luật.
* PV: Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp thì việc điều chỉnh tăng mức thu nhập chịu thuế của Bộ Tài chính có ý nghĩa gì, thưa ông?
– Ông Nguyễn Văn Thức: Theo đánh giá sơ bộ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dịch bệnh Covid-19 sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam và chỉ số giá tiêu dùng. Qua thực tế, dịch bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến lĩnh vực dịch vụ như: Du lịch, khách sạn, dịch vụ ăn uống, dịch vụ cho thuê nhà, cho thuê văn phòng… Các lĩnh vực sản xuất liên quan tới nhập khẩu, xuất khẩu cũng ảnh hưởng khá trầm trọng vì các nước sở tại phải kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt, thậm chí là chưa cho hoạt động… Như vậy, dự thảo điều chỉnh tăng mức thu nhập chịu thuế của Bộ Tài chính sẽ góp phần giảm bớt khó khăn cho người nộp thuế, nhất là nhóm người nộp thuế ở bậc thấp.
* PV: Nhiều ý kiến cho rằng, mức tăng như đề xuất của Bộ Tài chính là chưa sát với mức sống hiện nay, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
– Ông Nguyễn Văn Thức: Một số ý kiến của chuyên gia và người dân cho rằng mức giảm trừ gia cảnh đã điều chỉnh là quá thấp. Tuy nhiên, theo tôi thì giảm trừ gia cảnh được xem như là khoản chia sẻ, hỗ trợ của nhà nước, giúp người có thu nhập chịu thuế giảm bớt gánh nặng về thuế, bởi vì họ còn nhiều vấn đề phải chi tiêu để duy trì mức sống cơ bản của bản thân và người phù thuộc. Vì vậy cao hay thấp thì mình phải đứng ở điều căn bản này để đánh giá.
Điểm qua các trang web tuyển dụng tại TP. Hồ Chí Minh và các thành phố lớn khác có mức sống khá cao, nhưng với vị trí kế toán viên, kế toán tổng hợp, nhân viên văn phòng, nhân viên kinh doanh, công nhân…, mức lương bình quân chỉ dao động ở khoảng 8 triệu đồng/tháng đến 15 triệu/tháng.
Minh chứng thực tế ở 2 đơn vị tôi đang công tác là Công ty TNHH Kiểm toán Đông Nam Á và Đại lý thuế Công ty TNHH BCTC cho thấy, một kế toán viên hay kế toán tổng hợp được hưởng mức lương từ 11 triệu đồng/tháng đến 15 triệu đồng/tháng hay 20 triệu đồng/tháng thì phải thực sự khá và giỏi, còn lại mức lương của nhân viên chỉ bình quân từ 8 triệu đồng/tháng đến 11 triệu/tháng.
Ngoài ra, trong cơ cấu thu nhập của người lao động có khoản thu nhập chịu thuế và có khoản thu nhập không chịu thuế, nên khi người lao động có thu nhập cao, nhưng chưa chắc phải đóng thuế thu nhập cá nhân theo quy định.
Tôi lấy ví dụ: Người lao động có mức thu nhập 22 triệu/tháng, tham gia bảo hiểm xã hội đầy đủ theo mức tổng thu nhập, có nuôi 2 con nhỏ theo tiêu chuẩn gia đình Việt Nam. Giả định 22 triệu/tháng này đều là thu nhập chịu thuế, vậy theo mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân và người phụ thuộc mới của Bộ Tài chính, người lao động này sẽ không phải nộp thuế. Vì theo cách tính thuế TNCN hiện nay, số tiền giảm trừ gia cảnh cho bản thân (mức mới là 11 triệu đồng) + giảm trừ gia cảnh cho 2 người phụ thuộc (mức mới là 4,4 triệu đồng x 2 = 8,8 triệu đồng) = 19.800.000 đồng/tháng; số tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp người này phải đóng là: 22 triệu x 10,5% = 2.310.000 đồng/tháng.
Thu nhập tính thuế TNCN là: 22.000.000 đồng – 19.800.000 đồng – 2.310.000 đồng = 19.670.000 đồng, thấp hơn mức thu nhập phải chịu thuế (trên 19.800.000 đồng). Điều này có nghĩa, một người có thu nhập 22.000.000 đồng/tháng, có 2 người phụ thuộc sẽ không phải nộp thuế TNCN.
Như vậy ta có thể thấy, một người có tổng thu nhập 22 triệu/tháng, giả định là toàn bộ thu nhập đều chịu thuế TNCN, sau khi đã trừ đi tiền đóng bảo hiểm các loại, thu nhập thực nhận là 19.690.000 đồng/tháng, chưa tính tới các khoản thu nhập khác không chịu thuế thu nhập cá nhân theo quy định (nếu có), thì với mức thu nhập này để sống ở các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội hay các thành phố lớn khác có mức sống cao ở Việt Nam, một người lớn nuôi được 2 đứa con nhỏ là có thể đáp ứng được. Đó là chưa kể, nếu một gia đình có 2 vợ chồng cùng đi làm thì việc nuôi dưỡng 2 đứa con là hoàn toàn trong tầm tay.
Vì lý do trên, theo tôi với mức giảm trừ gia cảnh bản thân người nộp thuế và giảm trừ gia cảnh người phụ thuộc theo dự kiến tăng lên lần lượt là 11 triệu đồng/tháng và 4,4 triệu đồng/tháng theo đề nghị của Bộ Tài chính là phù hợp với thực tế.
* PV: Là người làm công tác tư vấn thuế, ông thấy doanh nghiệp tiếp nhận thông tin này như thế nào. Mong muốn của người nộp thuế đối với sự điều chỉnh này như thế nào?
– Ông Nguyễn Văn Thức: Khi có thông tin điều chỉnh giảm trừ gia cảnh mà Bộ Tài chính đề xuất, hầu hết doanh nghiệp rất tích cực đón nhận, vì đề xuất này kịp thời trong bối cảnh kinh tế đang cho thấy dấu hiệu khó khăn. Mong rằng đề xuất của Bộ Tài chính sẽ sớm thông qua và áp dụng ngay cho năm tài chính 2020.
* PV: Xin cảm ơn ông!
Nhật Minh (thực hiện)