Tăng lương tối thiểu vùng, người lao động được hưởng lợi ra sao?
Vừa qua, Bộ Nội vụ thống nhất với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) thời điểm tăng lương tối thiểu năm 2024 vào ngày 1/7, trùng với thời điểm cải cách tiền lương khu vực nhà nước. Điều này mang lại những lợi ích gì cho người lao động?
Theo sau đó, Bộ LĐ-TB-XH đang lấy ý kiến các bộ, ngành để hoàn thiện dự thảo Nghị định của Chính phủ về việc điều chỉnh mức tăng lương tối thiểu vùng 2024.
Trước đó, tại dự thảo Nghị định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động đang lấy ý kiến, cơ quan soạn thảo đề xuất mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ đối với người lao động làm việc cho người sử dụng lao động theo vùng.
Cụ thể, mức lương tối thiểu vùng được Bộ LĐ-TB-XH đề xuất như sau: vùng I tăng từ 4,68 triệu đồng/tháng lên 4,96 triệu đồng/tháng (tăng 280.000 đồng).
Vùng II tăng từ 4,16 triệu đồng/tháng lên 4,41 triệu đồng/tháng (tăng 250.000 đồng).
Vùng III tăng từ 3,64 triệu đồng/tháng lên 3,86 triệu đồng/tháng (tăng 220.000 đồng).
Vùng IV tăng từ 3,25 triệu đồng/tháng lên 3,45 triệu đồng/tháng (tăng 200.000 đồng).
Mức lương tối thiểu nêu trên tăng từ 200.000 đồng – 280.000 đồng/tháng (tương ứng tỷ lệ bình quân 6%) so với mức lương tối thiểu hiện hành.
Mức điều chỉnh lương tối thiểu này cao hơn khoảng 2% so với mức sống tối thiểu của người lao động đến hết năm 2024 để cải thiện cho người lao động; dự kiến cơ bản bảo đảm mức sống tối thiểu năm 2025.
Bộ Nội vụ cũng đề nghị cơ quan quản lý lao động rà soát việc điều chỉnh lương tối thiểu bảo đảm theo đúng quy định tại Khoản 3 Điều 91 Bộ luật Lao động năm 2019: “Mức lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp”.
Về phía Bộ LĐTBXH cũng cho rằng đến nay, có một số vấn đề đặt ra cần phải xem xét điều chỉnh mức lương tối thiểu quy định tại Nghị định số 38/2022/NĐ-CP. Sau 2 năm điều chỉnh, hiện giá trị thực tế của mức lương tối thiểu tại Nghị định số 38/2022/NĐ-CP bị suy giảm dần theo thời gian do chỉ số giá tiêu dùng tăng. Với dự kiến CPI năm 2024 tăng 4-4,5% thì mức lương tối thiểu hiện hành không còn đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ vào nửa cuối năm 2024.
Theo Bộ LĐ-TB-XH, mức điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng từ 1.7 có sự chia sẻ, hài hòa lợi ích của người lao động và doanh nghiệp vừa chú ý cải thiện đời sống cho người lao động, vừa chú ý đến việc bảo đảm duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Cạnh đó, việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu tháng và bổ sung mức lương tối thiểu giờ sẽ góp phần hoàn thiện chính sách tiền lương tối thiểu của Việt Nam, tăng tính tương thích với các điều ước quốc tế và Việt Nam đang đề xuất gia nhập.
Đối với người lao động, việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng sẽ giúp giảm gánh nặng tài chính và cải thiện chất lượng cuộc sống, giúp họ trang trải những chi phí cơ bản như ăn uống, nhà ở và y tế. Mặt khác, lương tối thiểu tăng đồng nghĩa mức đóng BHXH cũng tăng theo.
Như vậy, người lao động sẽ được hưởng lợi khi tới tuổi hưu bởi theo quy định, doanh nghiệp đóng phần nhiều trong các khoản bảo hiểm xã hội. Nguồn thu ngân sách cho các quỹ phúc lợi theo đó cũng được nâng cấp và góp phần đảm bảo đời sống của người dân.
Bên cạnh những giá trị trực tiếp, việc tăng lương tối thiểu có thể gián tiếp tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội. Khi các nhu cầu cơ bản của cuộc sống được đảm bảo, người lao động được giải tỏa một phần áp lực và có thể chuyên tâm nâng cao sản xuất cũng như tham gia vào các hoạt động phát triển sự nghiệp. Mặt khác, người lao động cũng có thể nâng cao chất lượng cuộc sống qua các hoạt động vui chơi, giải trí, mua sắm từ đó tăng sức mua cho nền kinh tế khu vực. Điều này đặc biệt đúng đối với các địa phương có nền kinh tế phụ thuộc vào người tiêu dùng như TPHCM, Đà Nẵng, Hội An…
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, việc tăng lương tối thiểu không phải lúc nào cũng hoàn hảo. Một trong những vấn đề tiềm ẩn là việc các doanh nghiệp tăng giá để bù cho các khoản chi phí tăng từ chí phí nhân công, bảo hiểm… và khiến cho việc tăng lương trở nên vô nghĩa. Điều này đặt ra một thách thức cho các cơ quan, bộ ngành trong việc hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và người lao động, cũng như giám sát và ngăn chặn các hành vi lợi dụng để tăng giá.
Thực tế, vấn đề lương tối thiểu là một trong những vấn đề gây tranh cãi triền miên suốt 20 năm qua trong chính trường Mỹ. Các nhà làm luật lưỡng đảng tại nước này tranh cãi gay gắt giữa áp lực cho doanh nghiệp và nhu cầu trang trải chi phí sống của người dân. Gần đây nhất, trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ Tổng thống Joe Biden, vấn đề tăng lương tối thiểu từ 15 USD/giờ lên 25 USD/giờ là một trong những chương trình nghị sự gây xung đột nhất giữa Nhà Trắng và Hạ Viện do đảng Cộng hòa chiếm đa số.
Trong khi giá cả hàng hóa và chi phí sinh hoạt không ngừng leo thang và tăng hàng chục lần trong 20 năm qua, mức lương tối thiểu của người dân Mỹ vẫn “mắc cạn” ở múc 15 USD/giờ, khiến nhiều người lao động phải làm cùng lúc 2-3 công việc chỉ để trang trải các chi phí cơ bản như điện nước, thuê nhà, học phí… Khả năng tích lũy gần như bằng không, khiến những mâu thuẫn giữa người lao động và doanh nghiệp không ngừng tăng nhiệt.
Trong khi đó, sự chi phối quá lớn của các tập đoàn kinh tế vào chính trường thông qua “vận động hành lang” khiến những ý tưởng về cải cách tiền lương tại Mỹ luôn bị cản trở bởi lợi ích của doanh nghiệp, còn quyền lợi của người lao động dần bị phớt lờ.
Điều này phần nào phản ánh những nỗ lực đáng ghi nhận của Việt Nam trong việc cải cách tiền lương và lương tối thiểu vùng tại Việt Nam. Đó là minh chứng cho cam kết của Chính phủ và các cơ quan liên quan trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động và tạo ra một môi trường kinh doanh công bằng và bền vững, vừa đảm bảo nhu cầu thiết yếu của người dân và hài hòa lợi ích của các doanh nghiệp.
Hơn nữa, việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng cũng phản ánh sự nhạy bén và linh hoạt của Chính phủ trong việc thích nghi với biến động của nền kinh tế và thị trường lao động. Điều này thúc đẩy sự phát triển kinh tế và tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, giúp thu hút đầu tư và tạo ra việc làm.
Tổng thể, công tác cải cách tiền lương và lương tối thiểu vùng của Việt Nam đang dần khẳng định vai trò quan trọng trong việc xây dựng một xã hội công bằng và phát triển bền vững. Các nỗ lực này cần tiếp tục được đẩy mạnh và đồng bộ hóa, đồng thời cần có sự tham gia tích cực từ các bên liên quan để mang lại hiệu quả tốt nhất cho cả người lao động và doanh nghiệp.
Hạnh Văn