Tăng khung giá bán lẻ điện bình quân

Hạ Băng 06/02/2023 15:04

Từ 3/2, khung giá bán lẻ điện bình quân thay đổi với mức tối thiểu là 1.826,22 đồng và tối đa là 2.444,09 đồng một kWh.

EVN cho biết, ước tính năm 2022 lỗ sản xuất kinh doanh khoảng 28.876 tỷ đồng, ước lỗ luỹ kế hết năm 2023 hơn 93.000 tỷ đồng

Theo quyết định Phó thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký (thừa uỷ quyền Thủ tướng Phạm Minh Chính), từ ngày 3/2, khung giá bán lẻ điện bình quân (chưa gồm thuế VAT) tối thiểu là 1.826,22 đồng một kWh; và giá tối đa là 2.444,09 đồng một kWh. Như vậy, so với mức khung cũ được quy định tại Quyết định 34/2017, giá tối thiểu tăng 220 đồng, giá tối đa tăng 538 đồng một kWh. Việc điều chỉnh khung này chưa làm thay đổi ngay giá điện bán lẻ sinh hoạt và sản xuất kinh doanh.

“Khung giá bán lẻ điện bình quân” là mức sàn và trần để Chính phủ quy định “giá bán lẻ điện bình quân”. Khung này cùng với kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện 2022 sẽ là cơ sở để Bộ Công Thương ra quyết định về giá bán lẻ điện bình quân sẽ áp dụng năm nay.

Đề cập việc tăng giá điện trong năm nay, đại diện Bộ Công thương cũng đã nhắc lại khoản lỗ sản xuất kinh doanh của EVN trong năm 2022 khoảng 31.000 tỉ đồng. Trong một báo cáo gửi Bộ Công thương mới đây, EVN ước lỗ lũy kế hết năm 2023 hơn 93.000 tỉ đồng và tiếp tục đề xuất tăng giá điện. Nghĩa là nếu không tăng giá điện kịp thời, khoản lỗ lã của EVN không dừng lại con số 31.000 tỉ đồng như năm qua mà sẽ gấp 3 con số đó. Nguyên nhân lỗ lớn năm qua được EVN chỉ ra do “thông số đầu vào tăng mạnh”. Cụ thể giá than nhập, giá than pha trộn, giá khí và giá dầu thế giới đều tăng.

Năm 2022, riêng giá than tăng gấp 6 lần so với giá đầu năm 2021, khiến chi phí sản xuất điện từ than nhập tăng tới 3.500 – 4.000 đồng/kWh. Trong khi đó, giá bán điện bình quân vẫn dừng ở mức 1.864 đồng/kWh. Với mức giá bán bình quân này, ước tính 6 tháng đầu năm nay, EVN dự kiến lỗ 44.099 tỉ đồng. Ngoài đề xuất tăng giá điện, EVN cũng đề xuất Bộ Công thương điều chỉnh giá truyền tải điện tăng 3,24 đồng lên 79,09 đồng/kWh so với mức đã được duyệt từ tháng 5.2022 là 75,85 đồng/kWh. Năm 2022, Tổng công ty truyền tải điện lỗ gần 685 tỉ đồng, chủ yếu do chênh lệch tỷ giá mà trong phương án giá truyền tải đã phê duyệt chưa tính tới yếu tố này.

Tại một hội nghị cuối tuần trước, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, giá điện Việt Nam không thể như các nước phát triển, và lưu ý Bộ Công Thương tính toán kỹ để dung hòa các mục tiêu, bởi tăng giá điện quá cao với thu nhập sẽ khiến “người dân, doanh nghiệp không chịu được”.

Hiện giá điện bán lẻ bình quân của Việt Nam là 1.864,44 đồng một kWh (tương đương 0,08 USD/kWh). Theo Globalpetrolprices, mức này hiện thấp hơn 50% so với Philippines – nước có giá điện cao nhất khu vực (0,172 USD/kWh); thấp hơn Indonesia (2.310 đồng một kWh), Thái Lan (3.273 đồng một kWh)… và hầu hết các nước phát triển khác.

Hạ Băng

Đọc nhiều