Tăng giá điện sao cho hợp lí?

Hạ Băng 29/09/2022 13:48

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân thay thế Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg.

Công nhân điện lực sửa chữa trên đường dây trong mùa nắng nóng. Ảnh: EVN

Từ khi xảy ra xung đột giữa Nga và Ukraine, các nước bạn trong khu vực như Thái Lan, Indonesia hay Philippines đã tăng giá điện cao gấp 2-2,5 lần giá điện Việt Nam. Trước đó, ngay từ đầu tháng 4, cơ quan quản lý của Singapore đã quyết định tăng 30% giá bán lẻ điện so với mức giá 26 cent/kWh hiện nay. Cuối tháng 8, giá điện tại Pháp lên tới 1100 euro/MWh, còn ở Đức lên tới 995 euro/MWh…

Theo đánh giá của France24 thì mức giá trên cao cấp 10 lần cùng kỳ năm trước. Tại Anh, cơ quan quản lý năng lượng Ofgem thông báo tăng giá điện và khí đốt lên gấp đôi vào 1/10/2022 vì nhu cầu mùa đông tăng đột biến và khan hiếm nhiên liệu. Cần nói rằng, các quốc gia trên sở hữu nguồn điện hạt nhân rẻ, ổn định và dồi dào, vậy mà họ còn không thể tránh khỏi “bão giá điện”.

Ngành điện và năng lượng là một trong những nền công nghiệp đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách quốc gia. Nếu để hai ngành này thua lỗ kéo dài, tới lúc doanh nghiệp không thể tự đứng vững, phải dựa vào Nhà nước thì kinh tế vĩ mô của Việt Nam sẽ bị đe doạ nghiêm trọng. Bên cạnh đó, việc thua lỗ kéo dài có thể ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng hoạt động của EVN.

Trong khi đó, nhu cầu sử dụng điện lại đang tăng cao. Nếu không đáp ứng đủ thì không chỉ thiệt hại về kinh tế mà còn đe dọa đến vấn đề an ninh năng lượng. Trong khi đó, duy trì an ninh năng lượng lẫn an ninh kinh tế trong thời điểm hiện tại là một thách thức vô cùng lớn của không chỉ Việt Nam mà còn của nhiều quốc gia trên thế giới. Đây là khó khăn chung mà chúng ta phải cùng nhau chung tay tìm cách tháo gỡ.

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến dự thảo về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân.

Trong bối cảnh đó, với nhiệm vụ của mình Bộ Công thương đã đề xuất, tăng giá điện khi giá bán lẻ bình quân tăng 1% thay vì 3% đang được quy định tại Quyết định 24/2017/QĐ-TTg. Thiết nghĩ, việc tăng giá điện là hợp lý vì phù hợp với quy luật thị trường, khi mức giá bán lẻ điện bình quân vẫn được áp dụng theo mức từ năm 2019 đến nay.

Cần nhấn mạnh một lần nữa, 2022 là năm thứ 3 liên tiếp giá bán lẻ điện bình quân giữ nguyên dù giá nhiên liệu đầu vào cho phát điện tăng rất cao. Nếu lấy mốc tăng giá điện gần nhất vào tháng 3/2019 thì giá than bình quân lúc đó chỉ rơi vào khoảng 75-85 USD/tấn. Trong khi vào trong 8 tháng đầu năm 2022, giá than nhập khẩu bình quân lên tới trên 300 USD/tấn. Theo Reuters, giá than nhiệt điện Australia (đối tượng xuất khẩu than chính cho Việt Nam) chào bán cuối tháng 8 vẫn duy trì trên 400 USD/tấn, cao gấp 170% so với cùng kỳ năm ngoái và cao gấp 770% năm 2020.

Tuy nhiên, về đề xuất trên thì theo một số chuyên gia cần phải cân nhắc. Điện và nước là ngành liên quan đến an sinh xã hội nên phải được sự kiểm soát của Nhà nước chứ không phải là mặt hàng tự do buôn bán ngoài thị trường. Nếu không kiểm soát chặt thì rất dễ tăng thêm tính độc quyền cho ngành điện.

Để tiếp nối những nỗ lực ổn định giá của EVN trong thời gian qua thiết nghĩ, việc tăng giá điện cần có lộ trình, không nên quyết định ngay một cách hành chính. Nên có bước chuẩn bị về tâm lý để người dân, doanh nghiệp có thể chấp nhận được, cho các ngành sản xuất chủ động tính toán chi phí đầu vào cũng như có thời gian kịp đổi mới công nghệ.

Đồng thời, nên lắng nghe ý kiến của dư luận, Bộ Công thương cũng cần thành lập một hội đồng độc lập để giúp giám sát và đáp ứng yêu cầu của người dân, doanh nghiệp liên quan đến điều chỉnh giá điện và hoạt động kinh doanh của ngành điện. Đây cũng là một yêu cầu rất lành mạnh giúp EVN phát triển và nhận được sự ủng hộ của người dân. Và cũng giúp Chính phủ giải quyết bài toán về an ninh năng lượng đang rất cấp bách.

Hạ Băng 

Đọc nhiều