Tăng giá bất chấp cảnh báo, thịt lợn đắt đỏ chưa từng có, khi nào về mức 60.000 đồng/kg?

15/05/2020 06:14

 Bất chấp “lệnh” đưa giá thịt lợn hơi về mức 60.000 đồng/kg của Chính phủ và các bộ ngành, mặt hàng này vẫn tiếp đà tăng phi mã, lập kỷ lục mới về giá khi cán mốc 96.000-97.000 đồng/kg.

Ghi nhận của PV, 10 ngày đầu tháng 5, giá lợn hơi ổn định ở mức 92.000-93.000 đồng/kg. Song, vài ngày gần đây, giá mặt hàng này bật tăng mạnh, lập kỷ lục mới. Nhiều trang trại tại các tỉnh phía Bắc xuất bán lợn hơi giá lên tới 96.000-97.000 đồng/kg.

Anh Trương Văn Nhất, chủ một trang trại lợn ở Khoái Châu (Hưng Yên), cho biết, giá lợn hơi ngày 14/5 được thương lái trả 95.000 đồng/kg, lợn hơi loại đẹp là 97.000 đồng/kg. Trang trại nhà anh hiện có 150 con, vài ngày nữa có thể xuất chuồng.

“Giá lợn hơi về chợ đầu mối đầu tháng năm chỉ dao động 92.000-93.000 đồng/kg, song 2-3 ngày nay tăng lên 95.000 đồng/kg. Lợn đẹp giá 96.000 đồng/kg” Ban quản lý Chợ đầu mối gia súc gia cầm Hà Nam cho hay.

Tại các tỉnh như Vĩnh Phúc, Thái Bình, Thái Nguyên giá lợn hơi cũng tăng lên 94.000-95.000 đồng/kg.

Tăng giá bất chấp cảnh báo, thịt lợn đắt đỏ chưa từng có
Lợn hơi xuất chuồng tiếp tục tăng giá mạnh, lập kỷ lục mới

Tương tự, giá lợn hơi tại các tỉnh thành phía Nam cũng tiếp đà tăng mạnh. Cụ thể, tại Tiền Giang, Bà Rịa Vũng Tàu, giá tăng lên 92.000-93.000 đồng/kg, còn ở Đồng Nai lợn hơi xuất chuồng 95.000-96.000 đồng/kg.

Dịp này, giá lợn hơi tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên có mức thấp nhất cả nước, song cũng đạt 85.000-90.000 đồng/kg.

Theo cơ quan chức năng, giá lợn hơi cao là do thiếu hụt nguồn cung. Trong khi việc tái đàn, tăng đàn gặp khó vì thiếu lợn giống. Giá lợn giống tăng lên 2,8-3 triệu đồng/con nhưng người dân vẫn không thể mua được dù đã đặt trước cả tháng. Các doanh nghiệp đang xin nhập khẩu 110.000 con lợn giống, lợn bố mẹ về nhân giống phục vụ nhu cầu tái đàn, tăng đàn trong thời gian tới.

Tại Hội nghị trực tuyến bàn giải pháp thúc đẩy chăn nuôi lợn sáng 6/5, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chỉ rõ, giá thịt lợn vẫn tăng vì cung cầu thịt lợn mất cân đối. Nguyên nhân khiến nguồn cung giảm mạnh là do dịch tả lợn châu Phi. Chưa kể, lợn giống giờ giá rất cao, chi phí chăn nuôi tăng cũng khiến giá thành tăng theo.

Bên cạnh đó, 15 doanh nghiệp chăn nuôi lợn quy mô lớn chỉ chiếm 35% thị phần lợn thịt. 65% còn lại do doanh nghiệp nhỏ, trang trại, hộ nông dân chưa xuống giá. Vì thế, chưa đủ sức để kéo giá bình quân lợn hơi xuống 70.000 đồng/kg.

Muốn giải quyết vấn đề cung cầu, đưa giá thịt lợn về mức hợp lý, theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, cần tái đàn, tăng đàn lợn theo hướng bền vững, an toàn. Với tốc độ tái đàn, tăng đàn như hiện nay, khoảng cuối quý III, đầu quý IV sẽ đủ cung thịt lợn, giúp mặt hàng này dần hạ nhiệt.

Sớm đưa giá lợn về mức 60.0000 đồng/kg

Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá quý I/2020 mới đây nêu rõ, để kiểm soát tốt giá thịt lợn thời gian tới, trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc thị trường, quy định của pháp luật và tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước; các bộ, ngành, địa phương cần triển khai tích cực các giải pháp theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là các giải pháp đảm bảo nguồn cung và kiểm soát các khâu trung gian, lưu thông trên thị trường.

Trong đó, Bộ NN-PTNT và Bộ Công Thương thực hiện đồng bộ các giải pháp để sớm đưa giá lợn hơi giảm về mức khoảng 60.000 đồng/kg, phấn đấu ngay đầu tháng 5, gắn với việc bảo đảm lợi ích hợp lý, hài hòa giữa người sản xuất, khâu lưu thông phân phối và người tiêu dùng.

Tăng giá bất chấp cảnh báo, thịt lợn đắt đỏ chưa từng có
Thủ tướng yêu cầu Bộ ngành thực hiện đồng bộ các giải pháp sớm đảm bảo nguồn cung, đưa giá lợn hơi về mức 60.000 đồng/kg

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ NN-PTNT xây dựng kế hoạch tái đàn cụ thể, tổ chức chăn nuôi theo từng vùng, từng khu vực chăn nuôi (doanh nghiệp, hộ gia đình) với lộ trình cụ thể, thời gian theo từng tháng để sớm đảm bảo nguồn cung đáp ứng đủ nhu cầu trong nước ngay đầu quý III.

Đồng thời theo dõi, tổng hợp, phân tích và đưa ra số liệu cụ thể về dự kiến lượng lợn thịt (đủ tiêu chuẩn xuất chuồng theo quy định để giết mổ, cung cấp ra thị trường) trong từng tháng để từ đó chủ động có phương án điều hòa cung cầu thịt lợn.

Bộ NN-PTNT chỉ đạo các doanh nghiệp chăn nuôi lớn thực hiện đúng cam kết về việc giảm giá và cung ứng số lượng lợn hơi. Chủ trì, phối hợp với các bộ kiểm tra giá thành lợn hơi tại các doanh nghiệp chăn nuôi lớn; nếu có hiện tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh để thao túng giá thì thực hiện xử lý nghiêm, kịp thời theo quy định pháp luật và yêu cầu doanh nghiệp giảm giá lợn hơi về mức hợp lý.

Về nhập khẩu thịt lợn, cần đảm bảo nhập đủ số lượng thịt còn thiếu từ nay đến quý III, không để thiếu nguồn cung thực phẩm quan trọng này trong mọi trường hợp, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thông quan đối với lượng hàng thịt lợn nhập khẩu.

Ngoài ra, tăng cường tuyên truyền định hướng người tiêu dùng tăng cường sử dụng đa dạng các loại thịt lợn, trong đó tiêu dùng thịt lợn mát, thịt lợn đông lạnh đảm bảo chất lượng và các sản phẩm thay thế như thịt gia súc, gia cầm và thủy, hải sản.

Mai Đăng/VNN

Tags :
Đọc nhiều