Tăng đại biểu chuyên trách để Quốc hội chuyên nghiệp, chuyên tâm hơn

04/11/2019 10:17

Ông Trương Trọng Nghĩa, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đánh giá như vậy trước đề xuất tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách lên 50%-60%

* Phóng viên: Tại kỳ họp lần thứ 8 của Quốc hội (QH) XIV đang diễn ra, khi thảo luận cho ý kiến dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức QH, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đề nghị tăng số lượng đại biểu (ĐB) QH chuyên trách lên 50%-60% (QH khóa XIV có 167/184 ĐBQH chuyên trách, chiếm 34,5%), đồng thời giảm ĐBQH kiêm nhiệm là bộ trưởng, chủ tịch tỉnh. Suy nghĩ của ông về đề xuất này?

– Ông Trương trọng nghĩa: Tôi rất đồng tình với đề xuất của Bộ trưởng Trần Hồng Hà. Nếu QH muốn nắm rõ, làm rõ trách nhiệm các bộ, ngành, địa phương thì tiến hành phiên giải trình, không cần thiết phải quá nhiều bộ trưởng làm ĐBQH. Tôi đồng ý nâng số ĐBQH chuyên trách lên trên 50% để QH chuyên nghiệp, chuyên tâm hơn.

Trong phiên họp tổ cho ý kiến về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức QH, tôi cũng đã có góp ý, đối với ĐBQH kiêm nhiệm thì cần làm rõ ai kiêm nhiệm thì tốt và ai thì không cần. Có những ĐBQH kiêm nhiệm như chủ tịch UBND tỉnh hay bộ trưởng rõ ràng là không hợp lý. Ngay cả những ĐB kiêm nhiệm khác cũng cần phải tính để cơ cấu cho hợp lý. Như ĐB phụ nữ phải xa nhà 2 tháng, cả ĐB cùng gia đình cùng vất vả trong khi ĐBQH đâu chỉ cần nghiên cứu tài liệu mà còn nhiều nhiệm vụ khác.

Việc cơ cấu hợp lý ĐBQH kiêm nhiệm còn làm tăng sức mạnh của QH. Nếu cơ cấu không hợp lý sẽ dẫn đến tình trạng ĐB không toàn tâm toàn ý cho QH, đóng góp cũng hạn chế.

Tất nhiên, chọn ai làm ĐBQH là do cử tri quyết định qua phiếu bầu nhưng QH cần tính toán để cơ cấu, giới thiệu người nào có thể toàn tâm, toàn ý và trách nhiệm với nhiệm vụ ĐBQH. Không thể phân bổ đồng đều, đủ thành phần. QH là nơi chọn mặt gửi vàng, tìm ra những ĐB có năng lực và điều kiện để làm nhiệm vụ dân cử.

Vừa qua, chúng ta có thí điểm nâng tỉ lệ doanh nhân trong QH nhưng qua thực tiễn thấy có những vấn đề không ổn nên đã điều chỉnh. Do đó, cần có điều tra, tính toán một cách khoa học nhiều nhiệm kỳ gần đây để rút ra được phương án hợp lý và hiệu quả nhất cho QH. Như nhiều ĐBQH góp ý là đang có quá nhiều ĐB bên khối hành pháp…

Tăng đại biểu chuyên trách để Quốc hội chuyên nghiệp hơn - Ảnh 1.
Ông Trương Trọng Nghĩa trả lời báo chí bên hành lang kỳ họp thứ 8 của Quốc hội Ảnh: BẢO TRÂN

* Theo ông, việc có ĐBQH đóng góp nhiều, có ĐB không đóng góp bao nhiêu là do họ phải kiêm nhiệm điều hành các bộ, ngành, địa phương và còn vấn đề nể nang giữa ngành này, địa phương này với nơi khác?

– Ông Trương trọng nghĩa: Đã kiêm nhiệm thì đúng là khó tránh khỏi việc nể nang. Như vị trí chủ tịch tỉnh, thấy vướng ở bộ, ngành nào đó thì cũng không dễ dàng lên tiếng được ở QH. Vì thế, khi định hướng khóa QH mới, cần nhận rõ các yếu tố này. Ở các nước cũng vậy và họ xem đó là vấn đề “xung đột lợi ích”. Cụ thể là khi một vị ĐBQH là bộ trưởng thì trong vị này đã có “xung đột” quan điểm, lợi ích mà mình đại diện.

* Không chỉ giảm cả khối hành pháp mà ngay cả giới chuyên môn cũng không nên “đủ mặt”, thưa ông?

– Ông Trương trọng nghĩa: QH cũng nên ưu tiên các ngành có thể đóng góp nhiều cho QH, như giảng viên các trường – khoa luật, kinh tế…, thay vì cơ cấu đủ bậc học. Ví dụ như trong ngành giáo dục chọn ra những người xuất sắc nhất nhưng không nên theo hướng đủ hết các cấp học…

* Vậy dự thảo luật sửa đổi lần này có đề cập đến việc giải quyết vấn đề này hay chưa?

– Ông Trương trọng nghĩa: Luật có tính chất nguyên tắc và hội đồng bầu cử sẽ phải tính toán định hướng, mục tiêu cụ thể. Tất nhiên, khi chọn lựa để giới thiệu, bầu ra những ĐB xuất sắc trong lĩnh vực chuyên môn của mình thì không có nghĩa họ biết sâu sắc nhiều lĩnh vực khác. Trong khi QH bàn đến vấn đề nóng, khó thì không phải ai cũng nắm rõ. Vì thế cũng không nên quá cầu toàn.

* Có ý kiến đề xuất cần tăng ngân sách để ĐBQH có kinh phí nghiên cứu về lập pháp, giám sát hay tuyển người giúp việc, giống như ở nhiều nước. Quan điểm của ông ra sao?

– Ông Trương trọng nghĩa: Đúng là cũng cần thiết tăng cường các phương tiện và điều kiện làm việc cho ĐBQH nhưng việc này phải cụ thể. Ví dụ như ĐB dân cử có thể cần đến phương tiện đi lại, song nếu phân theo chế độ cấp bậc của Bộ Tài chính như đối với bên hành pháp thì cần tính toán cụ thể cho phù hợp. Hay việc cơ cấu lại thư ký, giúp việc cũng phải có chính sách, chế độ riêng phù hợp… Dẫu vậy, tôi cho rằng trong điều kiện ngân sách còn nhiều khó khăn, việc tăng thêm ngân sách cho ĐBQH khó thực hiện được.

Trước mắt, theo tôi, quy định về thủ tục thanh toán kinh phí cho ĐBQH thuê luật sư nghiên cứu, xây dựng luật cần quy định thuận lợi hơn chứ như hiện nay thì rất hiếm có ĐBQH sử dụng quyền lợi này để đóng góp chung cho QH, đất nước. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện để ĐBQH có thể phối hợp thêm với cán bộ thuộc các cơ quan thường trực của QH như cung cấp tài liệu… Đặc biệt đối với các địa phương lớn, có từ 20-30 ĐBQH như Hà Nội, TP HCM, cần có văn phòng riêng…

Dành 3 ngày để chất vấn và trả lời chất vấn

Từ ngày 4 đến 8-11, kỳ họp thứ 8, QH khóa XIV bước vào tuần làm việc thứ 3 với rất nhiều nội dung “nóng”, trong đó có 3 ngày tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.

Theo dự kiến, ngày 4-11, QH sẽ nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng, trình bày Báo cáo công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2019. Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí và Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo công tác năm 2019. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng, trình bày Báo cáo về công tác thi hành án năm 2019. Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, thừa ủy quyền của Thủ tướng, trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019. Sau đó QH thảo luận ở hội trường về các nội dung này đến hết buổi sáng 5-11.

Từ sáng ngày 6 đến hết ngày 8-11, QH sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của ĐBQH. Theo chương trình kỳ họp, có 4 “tư lệnh” ngành sẽ đăng đàn trả lời chất vấn, theo thứ tự gồm: bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bộ trưởng Bộ Công Thương, bộ trưởng Bộ Nội vụ, bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Cùng tham gia trả lời có các phó thủ tướng và các bộ trưởng, trưởng ngành liên quan. Chiều 8-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của ĐB.

N.Thế

Thiếu cả người đi họp!

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh cho biết với số lượng ĐBQH chuyên trách còn ít như hiện nay, rất khó khăn trong việc rà soát các văn bản luật. Ngay cả ủy ban có 44 thành viên nhưng chỉ có 9 ủy viên thường trực, dẫn đến việc thiếu ĐB đi họp! Ông Thanh kiến nghị cần có cơ chế, chính sách để thu hút được các ĐB chuyên trách, có tâm huyết, trách nhiệm về làm việc cho các cơ quan của QH.

ĐBQH Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) cũng cho rằng hoạt động của QH muốn có hiệu quả thì vai trò của ĐBQH chuyên trách rất quan trọng. “Cần tăng tỉ lệ ĐBQH chuyên trách và từng bước giảm ĐB kiêm nhiệm” – ĐB Hiền góp ý.

Dù vậy, vẫn có một số ý kiến băn khoăn về đề xuất tăng ĐBQH chuyên trách. ĐBQH Vũ Trọng Kim (Hải Dương) nói rằng số lượng không quan trọng bằng chất lượng, năng lực. Theo ông Kim, nếu tăng cơ học số lượng ĐBQH ở cơ quan chuyên trách mà giảm ở địa phương sẽ dẫn đến việc thiếu tiếng nói, hơi thở dân chủ từ các vùng, miền, địa phương…

Thế Dũng / Người Lao Động

Đọc nhiều