Tăng cường giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi chống đối lực lượng CSGT
Theo báo cáo của Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019, đã có 11 vụ chống lại CSGT làm 1 đồng chí hy sinh, 3 đồng chí bị thương. Lực lượng chức năng đã bắt giữ 14 đối tượng về hành vi chống người thi hành công vụ.
Gia tăng các vụ việc chống người thi hành công vụ
Tính từ năm 2017 đến tháng 4-2019, cả nước đã xảy ra 107 vụ chống người thi hành công vụ, chống đối CSGT làm 4 chiến sỹ hy sinh, 26 chiến sĩ bị thương, trong đó có nhiều cán bộ bị thương rất nặng và vẫn đang trong quá trình điều trị. Đó là “con số biết nói” trong cuộc chiến đầy cam go trên những cung đường của CSGT khi các anh hàng ngày phải đối mặt với khói, bụi, tiếng ồn và những nguy hiểm do đối tượng xấu gây ra.
Sử dụng chất kích thích, phóng nhanh vượt ẩu gây bức xúc dư luận
Trưa 9-7, vừa vào bữa cơm, tôi được đồng nghiệp gửi cho clip Thượng uý Nguyễn Trọng Quý, cán bộ CSGT huyện An Lão, Hải Phòng bị đối tượng tông thẳng khiến cả người anh bị hất văng bay lên không trung rồi đập mạnh xuống đất. Xem clip, tất cả mọi người trong bữa cơm nghẹn lại, bởi nhìn hình ảnh đó, ai cũng biết, tính mạng đồng đội mình nguy hiểm đến mức nào.
Đối tượng gây án là một thiếu niên mới 16 tuổi tên là Đỗ Văn Thắng, chưa được phép sử dụng phương tiện giao thông nhưng vẫn lấy xe máy của gia đình để lưu thông trên đường, dẫn đến việc bị CSGT xử lý. Không những không dừng lại theo hiệu lệnh của CSGT, Thắng bất chấp tất cả khi lao xe tốc độ cao vào Thượng uý Nguyễn Trọng Quý.
Ngày 27-7, đúng vào ngày Thương binh, Liệt sỹ – một clip khác ghi lại hình ảnh đối tượng điều khiển ôtô tông thẳng vào tổ CSGT Công an huyện Kông Chro, Gia Lai khiến Đại uý Nguyễn Đức Nhã bị thương, chiếc xe chuyên dụng của CSGT quay ngang ra đường.
Hình ảnh trong clip khiến bất cứ ai xem cũng thắt lòng bởi chiếc xe 12 chỗ chạy với tốc độ lớn như vậy mà cố tình tông vào thì hậu quả thật khôn lường. Đối tượng tông vào tổ công tác Công an huyện Kông Chro là Nguyễn Thanh Hùng – kẻ nghiện ma tuý lâu năm, trước lúc điều khiển phương tiện đã sử dụng ma tuý đá nên không còn khả năng kiểm soát hành vi.
Đặc biệt, trên phương tiện của Hùng chở gỗ lậu nên Hùng đã cố tình lái xe bỏ chạy khỏi sự truy đuổi của CSGT. Đến khi bị chặn, Hùng tông thẳng vào lực lượng chức năng, bất chấp có thể nguy hiểm đến tính mạng của cả tổ công tác đang làm nhiệm vụ.
Cũng trong ngày 27-7, tại xã Tân Thành, huyện Kim Sơn, Ninh Bình, Cục CSGT đã phối hợp với chính quyền địa phương trao bằng Tổ quốc ghi công cho gia đình Liệt sỹ Trần Văn Vang, Trung tá, cán bộ Cục CSGT giao thông hi sinh khi làm nhiệm vụ trên tuyến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên.
Anh Vang hi sinh do đối tượng không đội mũ bảo hiểm, đi xe máy trên đường cao tốc cố tình phóng với tốc độ cao tông vào. Ánh mắt da diết của cháu Trần Ngọc Bảo Trâm – con gái duy nhất của Liệt sỹ Trần Văn Vang đầy ám ảnh khiến mọi người xót xa, bởi mới chỉ 4 tuổi, cháu đã mất đi người cha thương yêu.
Trước đó 1 ngày, Đại uý Mai Hùng Sơn, cán bộ Đội CSGT số 7, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội bị đối tượng Nguyễn Quang Hùng, SN 1965, tạm trú ở phường Văn Quán, Hà Đông dùng đá đập vào đầu, máu chảy lênh láng, vì vợ của Hùng đi xe máy đèo 3, không đội mũ bảo hiểm bị CSGT xử lý. Hùng là đối tượng có 2 tiền án, côn đồ, hung hãn, coi thường pháp luật.
Cần cái nhìn khách quan, không định kiến
Công việc của lực lượng CSGT gian khổ, nguy hiểm là thế, nhưng có một bộ phận người dân cố tình không hiểu hoặc xuyên tạc theo hướng tiêu cực. Thậm chí, một số tờ báo và một số cá nhân sử dụng mạng xã hội đã khai thác vụ việc theo hướng “chỉ trích ngược”.
Thay vì phân tích đúng sai sự việc, họ đặt ra vấn đề rằng “CSGT có nên dừng xe khi người vi phạm phóng xe như bay”? Một số người còn cho rằng, lỗi một phần cũng thuộc CSGT. Họ không hề nghĩ rằng, nếu CSGT không lập tức ngăn chặn hành vi vi phạm, thì đối tượng đang điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ đó, đang vi phạm đó sẽ gây nguy hiểm đến an toàn, tính mạng của người tham gia giao thông khác.
Cụ thể như trường hợp xảy ra tại An Lão, Hải Phòng, nếu Thượng uý Nguyễn Trọng Quý không ra hiệu dừng xe, ngăn chặn thì đối tượng Thắng đang phóng nhanh vượt ẩu như vậy cũng rất có thể tông vào người khác. Lúc đó “cư dân mạng” lại quay sang trách móc, thậm chí chĩa mũi dùi vào CSGT vì “có chốt CSGT ở đó mà không dám làm gì”.
Hay như vụ đối tượng Nguyễn Thanh Hùng tông vào tổ CSGT Công an huyện Kông Chro. Hùng chở gỗ lậu, phóng tốc độ cao, nếu không ngăn chặn kịp thời có thể để lọt tội phạm. Đấy là chưa kể đối tượng này còn sử dụng ma tuý không làm chủ được hành vi. Để “thoát” đối tượng này lưu thông trên đường, không biết hắn sẽ gây tai ương cho bao người vô tội.
Không chỉ đổ lỗi cho CSGT trong các vụ việc ngăn chặn người vi phạm cố tình chống người thi hành công vụ mà khi CSGT làm nhiệm vụ giải quyết tai nạn giao thông, một số người cũng cố tình xuyên tạc, dẫn dắt dư luận theo ý kiến riêng, đầy định kiến của mình.
Như vụ TNGT xảy ra trên QL5 đoạn qua huyện Kim Thành, Hải Dương. Lực lượng CSGT đã đỗ phía trước để làm nhiệm vụ bảo vệ hiện trường, bảo vệ thi thể nạn nhân lúc này chưa được khám nghiệm. Xe bật đèn quay tín hiệu để cảnh báo.
Ngoài ra, còn có cán bộ CSGT phân luồng, hướng dẫn các phương tiện đi đúng làn đường. Dù vậy, nhưng xe tải chở nước chạy hướng Hà Nội – Hải Phòng mất phanh đã đâm vào dải phân cách rồi lật ngang, đè vào đám đông đang tập trung tại lối mở sang đường khiến 5 người chết, 2 người bị thương.
Sự việc hai năm rõ mười là vậy, nhưng ngay sau đó, một số người lại suy diễn ra là, vì tránh xe CSGT nên xe tải mới gây tai nạn. Thượng tá Hoàng Tiến Nam, Trưởng phòng CSGT tỉnh Hải Dương đã phải khẳng định rằng nhận định trên là thiếu cơ sở, vì việc đỗ xe chuyên dụng là để đóng làn đường xảy ra tai nạn, tránh việc xe cộ lao vào hiện trường và thi thể nạn nhân. Còn ôtô tải gây ra tai nạn thảm khốc, chạy ở làn ngoài, sát dải phân cách cứng.
“Đáng ra đến gần đó, xe tải phải giảm tốc độ nhưng chiếc xe mất phanh nên mới lao vào dải phân cách, lật và đè vào những người đứng chờ sang đường”, Thượng tá Hoàng Tiến Nam giải thích và cho biết, trong bản tường trình, tài xế cũng khai rõ việc xe bị mất phanh, không hề bị khuất tầm nhìn hay có yếu tố bất ngờ.
Hành vi chống lại mệnh lệnh của CSGT ngày càng nhiều, thay vì lên án cái ác, thay vì phê phán trực tiếp vào những kẻ coi thường pháp luật, coi thường tính mạng người khác, không ít người lại quay “mũi dùi” sang hướng phê phán CSGT.
Họ mặc nhiên cho mình cái quyền phán xét xem CSGT phải làm gì, được sử dụng những công cụ hỗ trợ nào, làm ở đâu, kế hoạch ra sao…. Có lẽ, đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến việc cái ác vẫn nhen nhóm và có dấu hiệu bùng phát nhiều hơn, gây mất an toàn cho người dân mỗi khi tham gia giao thông.
(Theo Công An Nhân Dân)