Tân Thủ tướng Đức – hành động quyết đoán như người tiền nhiệm
Olaf Scholz, 63 tuổi, đã thành công trong chiến dịch tranh cử đưa ông trở thành Thủ tướng tiếp theo của Đức chủ yếu bằng cách thuyết phục cử tri rằng ông sẽ có phong cách rất giống người mà ông sẽ thay thế: Thủ tướng Angela Merkel.
Rành mạch, súc tích và không thể hiện bất cứ cử chỉ đắc thắng nào, Scholz không chỉ có phong thái giống người tiền nhiệm, ông còn thấm nhuần khí chất trầm ổn và bình tĩnh của Merkel đến mức thường xuyên đặt hai bàn tay tạo hình viên kim cương, cử chỉ đặc trưng của bà.
“Ông ấy giống như một cầu thủ bóng đá chuyên xem băng hình của cầu thủ khác để thay đổi lối chơi của mình”, nhà quan sát chính trị lâu năm Robin Alexander nhận xét. “Từ tính khí, phong cách chính trị đến biểu hiện khuôn mặt, Scholz đều tương đồng với Merkel”.
Sau khi Scholz công bố chính phủ trung tả mới của mình hôm 24/11 và chuẩn bị nhậm chức vào tháng tới, một câu hỏi đặt ra cho nước Đức cũng như toàn bộ châu Âu và thế giới: Liệu ông có thể đi vừa “đôi giày lớn” mà Merkel để lại hay không.
Hiếm có lãnh đạo Đức nào lên nắm quyền mà phải đối mặt với nhiều khủng hoảng nhức nhối như Scholz hiện nay.
Ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức vào đầu tháng tới, Scholz sẽ phải lập tức đối phó với đại dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại ở Đức, khủng hoảng người di cư ở biên giới Ba Lan – Belarus, căng thẳng biên giới phía đông Ukraine, một Trung Quốc ngày càng quyết liệt và một nước Mỹ ít tin cậy hơn.
“Áp lực rất lớn”, Jana Puglierin từ Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, nhận định. “Và khi nói đến chính sách đối ngoại, Olaf Scholz vẫn còn là một ẩn số”.
Scholz sẽ thể hiện mình ra sao sau hai tuần nữa đang là câu hỏi được thảo luận nhiều nhất tại châu Âu. Với tư cách thành viên trọn đời của đảng Dân chủ Xã hội (SPD), Scholz đã là một gương mặt quen thuộc trên chính trường Đức trong hơn hai thập kỷ qua, từng phục vụ trong hai chính phủ do đảng Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của bà Merkel lãnh đạo. Vai trò gần đây nhất của ông là Bộ trưởng Tài chính dưới chính quyền Merkel.
Nhưng Scholz cũng được nhận xét là một chính trị gia theo đường lối thực dụng, người có thể dễ dàng nghiêng về cả cánh hữu lẫn cánh tả, đến mức khó biết được ông đang đứng ở đâu.
Sinh ra ở Osnabruck, miền bắc Đức, Scholz lớn lên ở Hamburg, thành phố mà sau này ông điều hành với tư cách thị trưởng. Ông nội ông làm trong ngành đường sắt, còn bố mẹ ông làm nghề dệt. Scholz cùng các anh em trai của ông là những người đầu tiên trong gia đình học đại học.
Thời điểm gia nhập SDP, Scholz vẫn còn là một học sinh trung học. Trẻ tuổi và đầy nhiệt huyết, ông từng giữ vai trò luật sư bảo vệ lợi ích cho các công nhân khi nhà máy đóng cửa. Sau đó, với tư cách tổng thư ký SDP dưới thời chính quyền trung tả của thủ tướng Gerhard Schroder, ông là người đã ra sức bảo vệ những cải cách thị trường lao động với phong cách quyết đoán giống như một cỗ máy, khiến ông có biệt danh “Scholzomat” (Người máy Scholz).
Lần đầu tiên được bầu vào quốc hội, ông đứng về phe cánh tả của đảng mình. Nhưng hiện tại, ông lại được coi là người nghiêng về phía cánh hữu.
Scholz để thua trong cuộc đua giành vị trí lãnh đạo SDP trước hai chính trị gia cánh tả cách đây hai năm. Tuy nhiên, ông sau đó đã gây kinh ngạc và ấn tượng khi với tư cách Bộ trưởng Tài chính đã góp sức thông qua gói cứu trợ trị giá hàng trăm tỷ euro hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp đang lao đao vì Covid-19.
Scholz, người được cho là đã giảm 12 kg và ngừng uống rượu trước cuộc bầu cử Đức, từ lâu đã bị đánh giá thấp. Tuy nhiên, ông luôn hướng đến những mục tiêu dài hơi và bắt đầu nung nấu tham vọng trở thành thủ tướng Đức từ năm 2011, theo một đồng minh thân cận của Scholz.
Ngay cả các đối thủ trên chính trường cũng phải thán phục bản năng chính trị, sự bền bỉ và niềm tin thầm lặng vào bản thân của ông. Ba năm trước, khi xếp hạng tín nhiệm của đảng ông rơi xuống gần mức thấp kỷ lục, Scholz đã quả quyết với NY Times rằng SDP sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tiếp theo.
Giống như Merkel, Scholz nổi tiếng là một người đáng tin cậy và nhã nhặn, có khả năng hóa giải bất đồng đảng phái.
“Merkel vượt ra ngoài chính trị đảng phái, bà là tiếng nói của lý trí”, nhà quan sát chính trị Alexander cho hay. “Đứng ở trung tâm sân khấu chính trị với tư cách một con người, đó là những gì Merkel đã làm rất thành thạo và cũng là những gì Scholz muốn hướng tới”.
Năng lực linh hoạt về chính trị giờ đây được đánh giá là phẩm chất hoàn hảo có thể giúp Scholz giải quyết những thách thức mà ông phải đối mặt trên cương vị thủ tướng, trong đó có nhiệm vụ giữ hòa khí trong một liên minh ba đảng chưa từng được thử nghiệm trước đây.
Nhưng Scholz cũng có nguy cơ không thể làm hài lòng bất kỳ ai. Theo các nhà quan sát, mức độ sẵn lòng đáp ứng những yêu cầu trái ngược nhau ở trong nước đến đâu sẽ ảnh hưởng đến khả năng ông thông qua được một chương trình nghị sự tham vọng nhằm chuẩn bị cho nước Đức hướng đến tương lai không carbon và kỷ nguyên kỹ thuật số.
Nó cũng sẽ xác định vai trò của Đức trên trường quốc tế. Các nhà phân tích dự đoán nếu Scholz bị phân tâm quá nhiều bởi những căng thẳng chính trị nội bộ, ông sẽ đánh mất vị thế lãnh đạo mà Đức đang nắm ở cả châu Âu và trên thế giới, điều mà Thủ tướng Merkel đã gây dựng được trong 16 năm qua.
Nhưng nếu mọi thứ diễn ra suôn sẻ, nước Đức của Scholz có thể trở thành chất keo gắn kết châu Âu, sợi dây kết nối xuyên Đại Tây Dương trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu và cạnh tranh với những đối thủ chiến lược như Trung Quốc hay Nga.
Chính sách đối ngoại hầu như không được Scholz thảo luận khi vận động tranh cử, nhưng cùng với Covid-19, nó có thể sẽ là chủ đề chính trong những tháng đầu tiên của chính quyền mới. Đức sẽ tiếp quản vai trò chủ tịch G7 vào tháng một năm sau và Scholz sẽ ngay lập tức thu hút chú ý với hàng loạt vấn đề quốc tế cấp bách.
Theo các cố vấn của Scholz, ông sẽ dồn lực cho nhiệm vụ củng cố Liên minh châu Âu (EU). Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông sẽ là tới Pháp gặp Tổng thống Emmanuel Macron, người đang phải đối mặt với một chiến dịch tranh cử đầy chông gai vào năm tới. Hỗ trợ Macron là một trong những mục tiêu Scholz hướng tới.
“Một châu Âu tự chủ là chìa khóa cho chính sách đối ngoại của chúng tôi”, Scholz nói ngày 24/11. “Là quốc gia mạnh nhất về kinh tế và đông dân nhất ở trung tâm châu Âu, nhiệm vụ của chúng tôi là biến định hướng về một châu Âu tự chủ trở nên khả thi, thúc đẩy và phát triển nó”.
Rất ít nhà phân tích kỳ vọng Scholz sẽ thay đổi hướng đi đáng kể so với Thủ tướng Merkel, người đã đưa ông tới hội nghị G20 tháng trước và giới thiệu ông với một số nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có Tổng thống Mỹ Joe Biden.
“Đừng mong đợi quá nhiều thay đổi”, Nils Schmid, phát ngôn viên chính sách đối ngoại của SDP, tuần trước nói.
Với những đồng minh của Đức, họ có thể yên tâm phần nào với điều này. Nhưng với rất nhiều vấn đề đang đốt nóng chính trường quốc tế và vô số thay đổi cơ cấu địa chính trị đang diễn ra, tân thủ tướng Scholz có thể buộc phải thay đổi, chuyên gia Thomas Kleine-Brockhoff từ Quỹ Marshall Đức đánh giá.
Một trong những bài kiểm tra đầu tiên mà Scholz sẽ phải đối mặt là cuộc khủng hoảng biên giới Ba Lan – Belarus.
Belarus bị EU cáo buộc đưa hàng nghìn người di cư, hầu hết từ Trung Đông, đến biên giới với Ba Lan và thúc đẩy họ vượt biên trái phép vào châu Âu, được coi là biện pháp nhằm trả đũa các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên Minsk.
Đảng SDP của Scholz lâu nay vẫn giữ truyền thống ôn hòa với Nga, ủng hộ các dự án gây tranh cãi như đường ống dẫn khí đốt Nordstream II. Nhưng nếu Nga có những động thái gây sức ép cứng rắn với Ukraine, đây sẽ là một bài kiểm tra quan trọng khác đối với Scholz.
Quan hệ Nga – Ukraine cũng lao dốc sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 và phong trào đòi ly khai bùng lên ở miền đông Crimea. Ukraine gần đây cáo buộc Nga tập trung lực lượng sát biên giới nước này.
Vấn đề Trung Quốc thậm chí còn là thử thách đối ngoại phức tạp hơn với tân thủ tướng Đức. SDP đã phát tín hiệu rằng chính quyền Scholz sẽ không lập tức hợp lực cùng Mỹ thể hiện sự cứng rắn với Trung Quốc chỉ sau một đêm.
“Nhìn vào chính sách với Trung Quốc của Merkel, tôi nghĩ Scholz sẽ đi theo hướng này hơn là theo chiến lược gây sức ép của Washington với Bắc Kinh”, Lars Klingbeil, tổng thư ký SDP, đồng minh thân cận với Scholz, cho biết hồi tháng trước.
“Scholz có ảnh hưởng và ông ấy sẽ còn có ảnh hưởng lớn hơn nữa trên cương vị thủ tướng”, Holger Schmieding, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Ngân hàng Berenberg, nhận xét. “Ông ấy có tiềm năng trở thành một lãnh đạo mạnh mẽ, có vị thế trên trường quốc tế, miễn là ông ấy duy trì được liên minh ba đảng của mình”.
Khai Tâm