“Tấn công” Covid-19 bằng mở rộng xét nghiệm: Việt Nam tung tuyệt chiêu
Theo Ths Nguyễn Quốc Thái, việc test nhanh kháng nguyên có thể hỗ trợ cho xét nghiệm PCR vì nó chỉ điểm ca nhiễm nhanh hơn chờ PCR.
Theo PGS Trần Đắc Phu – Cố vấn cao cấp của Trung Tâm đáp ứng các sự kiện y tế khẩn cấp của Bộ Y tế, đến thời điểm hiện tại đã có hơn 20 ổ dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng. PGS Phu cho rằng, đối với tất cả các địa phương, để nhận xét dịch có bùng phát hay không thì cần làm xét nghiệm nguy cơ để đánh giá, nhất là khi dịch đã có nhiều yếu tố nguy hiểm như tốc độ lây lan, virus biến chủng mới, lây lan ở các môi trường có nguy cơ cao như công xưởng, bệnh viện, các khu công nghiệp.
Vì vậy, PGS Phu cho rằng cần mở rộng xét nghiệm để đánh giá nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Ví dụ như Đà Nẵng đang thực hiện xét nghiệm những nơi đông người như chợ, quán bar, karaoke, vũ trường, những nơi công cộng; TP.HCM xét nghiệm sân bay, nhà gas, chợ, siêu thị. Hà Nội cũng cần làm xét nghiệm mở rộng xem nguy cơ đến đâu, nhất là khu vực có chuyên gia sinh sống, xung quanh bệnh viện, bar, vũ trường, karaoke, khu công nhân sinh sống… để đánh giá dịch đang ở mức độ nào.
“Tôi nghĩ rằng xét nghiệm mở rộng để đánh giá nguy cơ đưa ra đáp ứng chống dịch phù hợp, sẽ “rẻ” hơn giãn cách xã hội rất nhiều”, PGS Phu nói.
Hiện nay Bộ Y tế đã có hướng dẫn về việc thực hiện các xét nghiệm mở rộng, không chỉ xét nghiệm một hình thức mà có thể kết hợp test nhanh kháng nguyên và test nhanh kháng thể và Realtime RT-PCR để xét nghiệm khẳng định mắc Covid-19.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Quốc Thái- Trung tâm Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Bạch Mai cho biết, test nhanh kháng thể sử dụng hiện nay là xét nghiệm phát hiện kháng thể loại IgM và IgG. Sau khi nhiễm SARS-CoV-2 khoảng 1 tuần, cơ thể sản sinh các kháng thể chống lại virus. Xét nghiệm ở giai đoạn này có thể phát hiện được ai đã nhiễm virus.
Các test nhanh đạt tiêu chuẩn lưu hành thường có độ nhạy và độ đặc hiệu khá tốt – gần 100%. Tuy nhiên, kết quả dương tính hay âm tính còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ví dụ nồng độ kháng thể thấp quá thì kết quả sẽ âm tính. Một số bệnh lý có thể khiến cho test dương tính giả.
Test nhanh kháng nguyên khác với test nhanh kháng thể bởi vì xét nghiệm này dựa vào việc phát hiện protein từ virus SARS-CoV-2 trong các mẫu dịch tiết đường hô hấp (đờm, quệt họng). Xét nghiệm kháng nguyên cũng cho tỷ lệ chính xác rất cao. BS Thái cho rằng hiện 1 số bệnh viện đã sử dụng xét nghiệm này để test nhanh cho trường hợp cấp cứu.
Đối với tình hình dịch bệnh lần này, nếu cần xét nghiệm mở rộng, bác sĩ Thái cho rằng các địa phương hoàn toàn có thể sử dụng test nhanh kháng nguyên với ưu điểm là 15 phút biết kết quả. Tuy khả năng bỏ sót vẫn có thể xảy ra nhưng nếu trong một quần thể (ví dụ như 1 công ty, 1 tòa chung cư) thì việc sử dụng kết hợp test nhanh để nhanh có kết quả cũng phù hợp hơn.
Các xét nghiệm chẩn đoán nhanh dựa trên phát hiện kháng nguyên hoạt động tốt như thế nào còn tùy thuộc vào một số yếu tố, bao gồm thời gian từ khi phát bệnh, nồng độ virus trong mẫu bệnh phẩm, chất lượng mẫu bệnh phẩm thu được và cách xử lý và công thức chính xác của thuốc thử trong que thử.
Còn về xét nghiệm PCR, đây là xét nghiệm vàng trong chẩn đoán Covid-19 nhưng lâu có kết quả. Xét nghiệm này là phản ứng khuếch đại gen phát hiện vật liệu di truyền của virus. Phản ứng PCR sẽ cho biết tại thời điểm lấy mẫu xét nghiệm (mẫu bệnh phẩm đường hô hấp) người được làm xét nghiệm có nhiễm virus hay không.
So với các loại xét nghiệm thì test nhanh thực hiện dễ dàng hơn, không cần máy móc thiết bị đặc biệt, trả kết quả nhanh hơn.
Thạc sĩ Thái cho biết, việc test nhanh kháng nguyên nhằm hỗ trợ giám sát dịch bệnh Covid-19 hoàn toàn hữu ích, sẽ hỗ trợ cho kết quả của RT-PCR. Nó hoàn toàn khác test nhanh kháng thể mà Hà Nội đã sử dụng trong đợt sàng lọc dịch Covid-19 trong đợt dịch xảy ra ở Đà Nẵng nên người dân không cần quá hoang mang lo lắng về hiệu quả.
Ngọc Anh