Tâm thế Quốc hội giữa nhiệm kỳ

An Diễm 07/10/2022 17:55

Xuyên suốt tuần qua, những nội dung bàn thảo, những tranh luận thẳng thắn tại Kỳ họp thứ 4 luôn là tâm điểm được quan tâm theo dõi. Đây có thể coi là kỳ họp bước vào giai đoạn giữa nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XV.

Xuyên suốt tuần qua, những nội dung bàn thảo, những tranh luận thẳng thắn tại Kỳ họp thứ 4 luôn là tâm điểm được quan tâm theo dõi.

Kỳ họp cuối năm của Quốc hội thường có khối lượng rất lớn do phải tổng kết và đánh giá tình hình kinh tế xã hội, dự kiến kế hoạch phát triển, kế hoạch ngân sách, dự toán. Trong bối cảnh kinh tế xã hội nước ta đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19, kỳ họp đã và đang xem xét các vấn đề mới và khó nhưng được kỳ vọng sẽ tạo ra đột phá cho sự phát triển của đất nước.

Theo dõi các phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ 4 thấy nổi lên nhiều vấn đề: cử tri bày tỏ lo lắng dù kinh tế nước ta đã bước sang giai đoạn phục hồi và phát triển nhưng chưa đồng đều và bền vững. Những khó khăn mới phát sinh như học phí và giá các dịch vụ tăng cao; việc đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh gặp nhiều bất trắc; việc làm, thu nhập của người lao động eo hẹp trong khi tiền lương của công chức, viên chức và người lao động chưa tăng.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban nhất trí với mức tăng lương cơ sở (1,8 triệu đồng/tháng) và tăng chi trả cho một số đối tượng như phương án Chính phủ trình. Cần biết là nước ta vừa trải qua đại dịch Covid-19 với nhiều thiệt hại về kinh tế, xã hội, đồng thời gây tổn thất rất nhiều cho ngân sách. Vừa hết đại dịch thì thế giới lại lâm vào khủng hoảng cho hậu quả của lạm phát, khiến giá cả của nhiều mặt hàng tăng mạnh, ảnh hưởng đời sống người dân ở khắp mọi nơi. Thế nhưng không những lạm phát được kiềm chế (chỉ 2,72% so với 8-9% như ở các nước khác), mà còn tăng được cả mức lương cơ bản, quả là hết sức ý nghĩa và đúng lúc, đúng thời điểm.

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021“. Đây là nội dung giám sát thiết thực, có phạm vi ảnh hưởng lớn trong mọi lĩnh vực kinh tế xã hội của đất nước và được các vị đại biểu Quốc hội, Nhân dân cùng cử tri cả nước rất quan tâm và gửi gắm nhiều kỳ vọng.

Kỳ họp Quốc hội bắt đầu giai đoạn giữa nhiệm kỳ này cũng đặt ra sự quan tâm về những kỳ họp tiếp theo của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, khi sẽ lấy phiếu tín nhiệm các chức danh Quốc hội bầu, phê chuẩn vào năm sau và cùng với đó là nghị trình của Ban chấp hành Trung ương sẽ lấy phiếu tín nhiệm các thành viên ban lãnh đạo cao nhất của Đảng để chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới của quốc gia, dân tộc.

Trong dòng chảy vận hành ấy, Quốc hội khóa XV từ đầu nhiệm kỳ đã có những cải tiến, đổi mới và nay xuất hiện nhu cầu phải sửa đổi, bổ sung Nội quy kỳ họp Quốc hội. Phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 4, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nêu rõ, lấy chất lượng Kỳ họp làm chính và phấn đấu để tiết giảm tối đa thời gian…

Những đổi mới thực sự ở Quốc hội sẽ ít nhiều lan tỏa, thúc đẩy dân chủ cũng như duy trì trật tự kỷ cương, trước hết trong vận hành quyền lực nhà nước và từ đó lan tỏa ra cả hệ thống chính trị.

An Diễm

Đọc nhiều