130115
topics
430184

Tâm sự của điều dưỡng nơi điều trị Covid-19

15/09/2020 22:34

Với nhiệm vụ chăm sóc bệnh nhân Covid-19, các điều dưỡng phải chấp nhận nguy hiểm và xa gia đình.

Tâm sự của điều dưỡng nơi điều trị Covid-19

“Ngày nào con cũng gọi điện, hỏi bao giờ mẹ về. Tôi chỉ trả lời khi nào xong việc, mẹ sẽ về”, điều dưỡng Thân Thị Sen, khoa Virus – Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung (Hà Nội), chia sẻ.

Bà là một trong nhiều điều dưỡng được huy động từ cơ sở Giải Phóng sang để đảm bảo sức khỏe và các nhu cầu của các bệnh nhân Covid-19 đang cách ly và điều trị tại đây.

Ca làm việc kéo dài 24 tiếng

Công việc của điều dưỡng gồm chăm sóc các bệnh nhân ở 2 phương diện: Chuyên môn y tế và nhu cầu sinh hoạt.

“Về chuyên môn y tế, hàng ngày, chúng tôi tiêm thuốc, truyền dịch, lấy mẫu bệnh phẩm của các bệnh nhân theo yêu cầu từ bác sĩ. Ngoài ra, một số trường hợp xuất hiện dấu hiệu bất thường, các điều dưỡng phải nhanh chóng liên hệ khoa Cấp cứu để xử lý kịp thời”, điều dưỡng này cho biết.

Đối với nhu cầu sinh hoạt, vị trí này phải đảm bảo các yếu tố cơ bản cho cuộc sống người bệnh như nước uống, quần áo, chăn ga, thực phẩm…

Nữ điều dưỡng cho hay: “Một ngày, ca làm việc của chúng tôi kéo dài 24 tiếng. Hầu hết công việc tập trung vào buổi sáng và tối. Nhân sự điều dưỡng được chia thành các nhóm và luân phiên thay ca”.

Buổi sáng, công việc của các điều dưỡng bắt đầu lúc 7h30. Họ mặc trang phục bảo hộ và thực hiện nhiệm vụ tại phòng bệnh. Một số đầu việc thường xuyên là đo chỉ số huyết áp, nhiệt độ, nhịp thở, lấy máu, đưa bệnh nhân đi chụp chiếu, phân phát đồ ăn… Ngoài ra, điều dưỡng cần liên tục hỏi thăm người bệnh, tổng hợp và thông báo lại với bác sĩ để xử lý.

Công việc của các điều dưỡng thường bắt đầu vào 7h30 sáng và kéo dài 24 tiếng. Ảnh: Phạm Thắng.

Buổi chiều, các điều dưỡng phải luôn sẵn sàng nếu vấn đề phát sinh. Số điện thoại điều dưỡng và nút bấm được bố trí trong phòng để người bệnh gọi nhân viên y tế khi có nhu cầu đặc biệt.

Khối lượng công việc sẽ tăng hoặc giảm tùy thời điểm. Điển hình, trong công tác chăm sóc đoàn 219 công dân Việt Nam từ Guinea Xích Đạo trở về cuối tháng 7, các điều dưỡng phải xử lý khối lượng công việc rất lớn. Nguyên nhân là số bệnh nhân đông, nhiều trường hợp đồng nhiễm virus sốt rét và SARS-CoV-2.

TS.BS Trần Văn Giang, Phó trưởng khoa Virus – Ký sinh trùng, cho biết: “Ngoài các xét nghiệm liên quan Covid-19, chúng tôi còn phải làm thêm xét nghiệm ký sinh trùng sốt rét, đánh giá tổn thương của chúng trên cơ quan nội tạng. Do đó, công việc sẽ tăng lên gấp đôi”.

Theo điều dưỡng Sen, việc chăm sóc và xét nghiệm cho các bệnh nhân đồng nhiễm khiến đội điều dưỡng gặp nhiều áp lực. Họ phải theo dõi các bệnh nhân sát sao hơn. Nguyên nhân là khi sốt cao, các trường hợp này thường khó chịu, mất nước, thiếu máu.

Đặc biệt, đối với những trường hợp nặng, điều dưỡng phải lấy máu và kiểm tra thường xuyên hơn. “Khi bệnh nhân có dấu hiệu khó thở, sốt cao, mệt mỏi nhiều, các chỉ số sinh tồn rối loạn, chúng tôi phải liên hệ và chuyển xuống khoa Cấp cứu. Việc này giúp các bệnh nhân an tâm và đảm bảo đầy đủ trang thiết bị, quá trình theo dõi cũng sát sao hơn”, điều dưỡng Sen nói.

Với đoàn công dân trở về từ Guinea Xích Đạo, số lượng bệnh nhân Covid-19 được thông báo trước đó là 120 người. Tuy nhiên, sau khi xét nghiệm tại Việt Nam, chỉ 22 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.

Điều dưỡng Thân Thị Sen đã xa chồng và 2 con gần 20 ngày để phục vụ công tác điều trị. Ảnh: Quốc Toàn.

Tuy nhiên, nữ điều dưỡng cho hay: “Khối lượng công việc thực tế không thay đổi nhiều. Khi phát hiện số lượng bệnh nhân ít hơn, chúng tôi vẫn phải luân chuyển họ tới các khoa phòng phù hợp, đảm bảo an toàn cho người khỏe mạnh, người bệnh và nhân viên y tế. Với những người không mắc bệnh, việc theo dõi tình trạng của họ trong 14 ngày cách ly cũng yêu cầu nhân viên y tế tập trung tối đa”.

Đặc thù trong việc chăm sóc bệnh nhân Covid-19 là đội điều dưỡng cần đảm bảo phòng hộ đạt tiêu chuẩn, tránh lây nhiễm virus. Họ được yêu cầu mặc quần áo bảo hộ, khẩu trang N95, đeo kính và mũ chống giọt bắn.

Vấn đề này gây ra nhiều khó khăn cho đội. “Khi mặc đồ bảo hộ khoảng 30 phút, mồ hôi bắt đầu thấm ướt quần áo từ trong ra ngoài. Khẩu trang N95 an toàn nhưng tạo cảm giác bí và rất khó thở. Một thành viên trong đội đã phải tháo bỏ khẩu trang, tạm nghỉ vài phút trước khi quay lại công việc”, điều dưỡng Sen chia sẻ.

Theo điều dưỡng này, cả đội đã quen với vấn đề này. Mỗi ngày, các điều dưỡng phải mặc đồ bảo hộ trung bình 1-3 tiếng khi làm việc.

“Bao giờ mẹ về với con?”

Sau khi chuyển qua công tác tại cơ sở Kim Chung, điều dưỡng Thân Thị Sen phải cách ly và làm việc trong phạm vi khoa phòng hơn 20 ngày. Nữ điều dưỡng tâm sự: “Ngày nào con cũng gọi điện, hỏi bao giờ tôi về. Tôi chỉ dám trả lời khi nào xong việc, các bác cho, mẹ sẽ về”.

Điều dưỡng Phạm Thị Kim Phương (bên phải) cùng đồng nghiệp chuẩn bị đồ dùng cá nhân cho các bệnh nhân ngày đón đoàn công dân từ Guinea về nước. Ảnh: Việt Linh.

Trước đó, trong ngày đón 219 công dân Việt Nam về nước, điều dưỡng Phạm Thị Kim Phương, khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, cho hay: “Trước khi đi, tôi đã báo với chồng và 2 con sẽ cách ly 5 tuần tới. Gia đình cũng hiểu tính chất công việc của tôi và dặn dò cẩn thận”.

Ngày 14/8, 183 người âm tính với SARS-CoV-2 trong đoàn đã hết thời gian cách ly, quay lại quê hương, đoàn tụ cùng gia đình trong tâm trạng vui mừng và sức khỏe tốt.

Các công dân trong đoàn công dân từ Guinea Xích Đạo trở về được điều dưỡng phát giấy ra viện và kết quả xét nghiệm trong ngày hết cách ly. Ảnh: Phạm Thắng.

Nguyễn Văn Đức (36 tuổi, trú tại Hòa Bình), thành viên trong đoàn, chia sẻ: “Khi còn ở nước bạn, có người khóc nức nở vì lo không được sống tiếp. Tôi thấy mình may mắn vì có cơ hội về nước, được các y bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc rất chu đáo”.

Mới đây, ông Nguyễn Đình Thắng (BN812, nhân viên giao pizza tại Hà Nội), bày tỏ niềm cảm động trước sự quan tâm của các điều dưỡng. Ông từng là bệnh nhân Covid-19 nặng nhất miền Bắc trong đợt dịch này.

“Lúc mới tỉnh dậy, tôi hầu như không làm được gì. Ngay việc tắm rửa, vệ sinh, các điều dưỡng cũng phải giúp. Tôi cảm thấy may mắn khi rơi vào cảnh cận kề cái chết lại gặp các nhân viên y tế nhiệt tình. Tôi được sống đến ngày hôm nay là nhờ sự tận tâm của họ”, ông nói trong ngày xuất viện.

Quốc Toàn/ZN

Đọc nhiều