Tầm quan trọng của gia đình và bi kịch của một gia đình “chắp vá”
Đầu tháng 4 năm nay, công an quận Đống Đa, Hà Nội ra quyết định khởi tố vụ án mẹ ruột và cha dượng hành hạ cháu bé M.M 3 tuổi dẫn đến tử vong. Dư luận bàng hoàng vì không thể tưởng tượng nổi có gia đình nào lại hại chết con của mình đau đớn như vậy, có người mẹ ruột nào lại thông đồng với cha dượng để giết con. Nhưng hiện thực xã hội đã cho chúng ta thấy khi gia đình không còn là gia đình, mỗi tế bào đang bị tàn phá và xã hội này cũng dần đi đến hồi kết của lương tâm.
Bi kịch của một gia đình “chắp vá”
Trong vụ việc này, người mẹ đã li dị người chồng trước đó. Giá như cô có thể gặp một người chồng tốt hơn và cùng chăm sóc cho con mình. Nhưng “giá như” sao được, cô không thể kết hôn với một người tốt hơn khi chính bản thân cô không phải là một người tốt. Chừng nào còn chưa giải quyết được cho vấn đề của bản thân mình và những sai lầm từ cuộc hôn trước, thì những lần kết hôn tiếp theo, những sai lầm đó vẫn tiếp tục lặp lại. Hôn nhân không có nghĩa là giải thoát, hôn nhân chỉ giúp chúng ta bộc lộ ra tất cả bản thân mình, cả những điều xấu xa và tồi tệ nhất.
Quá khứ khi bị đào bới là điều chúng ta không thích, nhưng quá khứ đó phản ánh sự lựa chọn của mỗi người, và chúng ta nhìn vào đó để đánh giá, đây là điều dĩ nhiên trong cuộc sống. Người mẹ trong câu chuyện có đời tư rất phức tạp, là một cô gái thích ăn chơi và không thích gắn bó với cuộc sống hôn nhân. Cô gái này đã từng ly hôn, lận đận trong tình cảm, đưa ra quyết định cưới và hủy cưới rất nhanh chóng và bất cần.
Theo những thống kê, nghiên cứu về tâm lý, một người phụ nữ đã từng ly hôn và có sự gắn bó với nhiều người đàn ông thì tỷ lệ ly hôn ở lần thứ 2, thứ 3 sẽ cao hơn những người chọn lọc bạn đời kĩ càng. Và người mẹ từng trải qua ly hôn càng nhiều lần thì sự gắn kết với đứa con sẽ càng lỏng lẻo hơn. Bạn có thể thêm cụm từ “nhưng mà có những người”, “đa số”, “tuy nhiên cũng có những”… vào trong đó nhưng đây là kết luận hoàn toàn có căn cứ.
Khi chúng ta trải qua những lần đổ vỡ trong hôn nhân nhưng không thể sửa chữa và nhận ra lỗi lầm, thì điều gì đảm bảo lần kết hôn tiếp theo sẽ khá hơn lần trước? Chưa kể, bố mẹ thì rất yêu con, thật khó để chúng ta có thể giao đứa trẻ vào trong tay của một người khác. Làm sao có thể tin tưởng chắc chắn người vợ kế, người cha dượng này có thể yêu thương và dành nhiều tâm huyết trong việc dạy dỗ con riêng của mình. Những đứa con chính là sự gắn kết chặt chẽ giữa hai vợ chồng để luôn luôn có trách nhiệm với gia đình của mình, không thể thích là bỏ, không thích là ly hôn. Điều gì đảm bảo rằng người cha tiếp theo sẽ là một chỗ dựa vững chắc cho những đứa con của mình trong khi anh ta cũng cần con của anh ta, cũng cần nguồn gene của chính mình.
Nuôi một đứa trẻ không hề đơn giản, nó tiêu tốn một nguồn lực khổng lồ, từ tiền bạc, thời gian, công sức, sự kiên nhẫn, lòng yêu thương, sự dạy dỗ. Và nó đòi hỏi cả người bố và người mẹ cùng phải cố gắng nỗ lực để đảm bảo cho đứa bé lớn lên được phát triển toàn diện. Đâu ai muốn con mình khổ sở, thiếu thốn, thua thiệt và tự ti, chúng ta muốn những đứa con được hạnh phúc và trở thành một người có ích sau này. Nhưng khi kết hôn kiểu “chắp vá” như vậy, sự san sẻ nguồn lực, việc phải yêu thương cả đứa con không phải con đẻ của mình, chăm sóc, nuôi dưỡng nó sẽ trở thành một áp lực lớn cho người đến sau mà chính họ cũng không thể tự lừa dối được.
Cô gái trong câu chuyện thường xuyên nhờ cậy đến mẹ của mình, mỗi khi muốn thỏa mãn một điều gì đó như mua xe máy mới, nhờ bà trông cháu, cô đều tìm đến mẹ. Trong bài phỏng vấn, cô cũng nhắc đến người mẹ xuyên suốt mà không có sự xuất hiện hay bóng dáng của cha cô. Chính cô gái cũng là nạn nhân trong một gia đình mất cân bằng và thiếu vai trò của người cha, cũng dễ hiểu khi cô kết hôn với một người không tốt vì không có một hình mẫu về người đàn ông cụ thể. Một người phụ nữ sinh ra mà thiếu vắng vai trò của người cha lớn lên cũng rất dễ chới với trong chuyện tình cảm, thù ghét ba của mình và thù ghét đàn ông. Cũng không thiếu trường hợp con gái bị chính cha ruột của mình hãm hiếp mà không tự thấy ghê tởm. Còn nếu đứa trẻ là một đứa con trai thì số phận cũng thảm không kém khi gặp một người cha dượng không tốt, ông ta sẵn sàng đè bẹp nó xuống và tức tối vì phải nuôi con để đảm bảo mã gene cho một người đàn ông khác mà lại không phải là con mình.
Một câu hỏi đặt ra, tại sao người mẹ trong vụ án lại không bảo vệ con của mình, đi thông đồng với cha dượng để giết chết đứa bé? Có ý kiến cho rằng cô ta là một con nghiện, không còn tỉnh tảo để phân biệt đúng sai. Nhưng kể cả không bị nghiện ngập, cô ta cũng không thể bảo vệ được con của mình khỏi sự bạo hành ngang ngược và tàn nhẫn của người đàn ông. Phụ nữ vốn dễ bị thao túng và phụ thuộc vào người chồng vì dù sao họ cũng yếu đuối hơn đàn ông.
Để có một cuộc hôn nhân yên ổn, không bị đánh đập, mắng chửi và xúc phạm hay bạo hành tâm lý thường xuyên của một người chồng ưa thống trị cực đoan, họ đôi khi phải thỏa hiệp để cuộc sống của mình được dễ thở hơn. Họ có thể dùng một vài lời nói, một vài lời khuyên ngăn, một vài sự phản kháng nhưng làm sao bảo vệ được đứa con bé nhỏ của mình khỏi người chồng tàn bạo. Cách tốt nhất là phải bước ra khỏi cuộc hôn nhân đó và đưa đứa trẻ đến một nơi khác, nhưng cô ta không đủ dũng khí như vậy. Cô ta chỉ biết chìm ngập trong chất kích thích cùng với người đàn ông kia để quên đi sự đau đớn, bất lực của mình.
Còn ở phía người đàn ông, nếu phải ở trong tình cảnh vợ chồng ly hôn và một mình nuôi con, điều đó cũng chẳng bao giờ là dễ dàng. Anh có thể là một người cha tốt, nhưng anh không thể thay thế cho một người mẹ. Anh không thể mang những đặc tính vốn có của một người phụ nữ để mang đến cho đứa trẻ hơi ấm của một người mẹ. Không thể vừa làm bố vừa làm mẹ, lủi thủi gà trống nuôi con như người ta vẫn bảo “thế cũng được” đâu. Còn gì tốt hơn khi những ông bố bà mẹ có thể gắn bó với nhau và cùng hướng về mục tiêu là con cái. Chứ không phải ông bố này ghép với bà mẹ nọ rồi với những đứa con chung, con riêng, anh chị em cùng cha khác mẹ…
Nếu được lựa chọn, ắt hẳn ai trong chúng ta cũng mong muốn được hạnh phúc. Đâu ai muốn trải qua ly hôn, đổ vỡ, cưới hỏi nhiều lần để đau khổ, mất mặt và tai tiếng. Nên hiện nay, khi nghe thấy nhiều người trẻ dù chưa lập gia đình nhưng đã có tư tưởng xem nhẹ hôn nhân, không thích thì bỏ, không hợp thì ly dị thực sự rất đáng báo động. Sẽ cần bao nhiêu vụ án như thế này nữa, sẽ cần bao nhiêu sự đáng tiếc xảy ra để thành một con số thống kê nữa mà vẫn chưa thể cảnh tỉnh? Em bé trong câu chuyện cho đến phút cuối đời vẫn không thể tự kêu cứu, không thể oán trách và lên tiếng phản pháo cha mẹ mình. Một đứa trẻ làm sao có thể cầu cứu được ai khi chính cha mẹ của chúng lại muốn bỏ rơi và giết hại con của mình?
Han Cao
*Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả