‘Taliban 2.0’ xuất hiện trên Internet, số người theo dõi tăng từng giờ

20/08/2021 21:20

Hơn 100 tài khoản của Taliban hoặc những cá nhân, tổ chức ủng hộ lực lượng này đã xuất hiện trên Facebook, YouTube và Twitter… cùng với đó là số người theo dõi tăng lên từng giờ.

Khi Taliban nắm quyền kiểm soát thủ đô Kabul vào ngày 15/8, một phát ngôn viên của nhóm này đã tải 5 video lên YouTube, dài từ 2-3 phút ghi lại cảnh lãnh đạo Taliban chúc mừng các chiến binh.

Taliban su dung mang xa hoi anh 1
Quang cảnh cuộc họp báo của Taliban diễn ra hôm 17/8 tại Kabul. Ảnh: New York Times.

“Đây là thời điểm phục vụ cho đất nước, mang đến hòa bình và an ninh”, Mullah Abdul Ghani Baradar, một lãnh tụ Taliban, ngồi trước máy quay, phát đi thông điệp của tổ chức này. Xung quanh ông là những thành viên cấp cao khác, cùng tề tựu trong văn phòng có rèm che.

Tờ Vice của Mỹ đã gọi Taliban là “Taliban 2.0”, khi tổ chức này tỏ ra biết cách tận dụng các phương tiện truyền thông xã hội để gửi đi các thông điệp của mình.

Tăng cường hiện diện trên mạng xã hội

Theo New York Times, hàng chục tài khoản ủng hộ Taliban đã xuất hiện trên Twitter trong những ngày gần đây, sau đó chia sẻ 5 video của lực lượng đang nắm quyền tại Afghanistan. Trong vòng 24 giờ, họ đã thu về tổng cộng hơn nửa triệu lượt xem. Số người theo dõi các trang Facebook do Taliban kiểm soát tăng 120%. Hàng chục nghìn người đã xem các video trên YouTube của lực lượng này.

Tài khoản Twitter của người phát ngôn Taliban, Zabihullah Mujahid có hơn 300.000 người theo dõi. Mujahid dễ dàng lách lệnh cấm trên WhatsApp bằng cách kết nối với tài khoản của các nhà báo.

Trên đường phố Kabul, các chiến binh vừa từ khu vực khác chuyển đến bắt đầu đăng những bài viết lên Twitter, gửi tin nhắn qua WhatsApp cho giới truyền thông.

Các nhà nghiên cứu cho rằng đây là một phần trong cố gắng của Taliban nhằm thiết lập quyền lực và hợp pháp sự kiểm soát Afghanistan thông qua việc sử dụng mạng xã hội. Bằng cách đăng tải nội dung trên Facebook và YouTube, Taliban cũng gây áp lực lên lệnh cấm của các nền tảng này.

“Taliban đang tăng cường sự có mặt của họ theo cách khác, với diện mạo mới trên Internet”, Ayman Aziz, một nhà nghiên cứu độc lập về Afghanistan và Pakistan trong hơn 10 năm, nói với New York Times.

Theo Graham Brookie, một quan chức cấp cao của NATO, việc Taliban sử dụng mạng xã hội là có chủ đích. “Họ biết rằng cần phải thể hiện một bộ mặt có trách nhiệm trước công chúng, hướng tới được công nhận rộng rãi trên trường quốc tế”, ông phân tích.

Taliban 2.0 trong thời đại công nghệ

Bức ảnh được chụp tại Trung tâm Thông tin Truyền thông Chính phủ Kabul hôm 17/8 ghi lại một khoảnh khắc hy hữu: 2 thành viên Taliban treo cờ chuẩn bị cho cuộc họp báo, một người đeo chiếc Apple Watch tên tay.

Taliban su dung mang xa hoi anh 2
Bức ảnh chụp thành viên Taliban đeo Apple Watch. Ảnh: AP.

Một lúc sau, phát ngôn viên Taliban, Zabihullah Mujahid ngồi trước hàng chục micro, truyền đi thông điệp hòa bình đến người dân Afghanistan và thế giới. Cuối buổi họp, người này dành 20 phút để trả lời câu hỏi của các nhà báo, bao gồm phóng viên quốc tế, phụ nữ.

Điều này khác xa so với Taliban “truyền thống”, vốn đặt hầu hết sản phẩm điện tử ngoài vòng pháp luật vì “trái học thuyết Hồi giáo”.

Đã qua rồi thời kỳ của những tuyên bố bằng băng ghi hình, quay trong hang động và gửi cho báo chí quốc tế. Taliban hiện truyền tải thông điệp theo cách tiên tiến hơn: qua các trang web, người phát ngôn, tài khoản Twitter, Facebook.

Nhắn tin qua WhatsApp là kênh liên lạc được Taliban yêu thích vì nó mã hóa đầu cuối, nội dung không chịu sự kiểm soát của bên cung cấp hoặc quân đội.

Mạng xã hội có thể là công cụ trong cuộc chinh phục chóng vánh của Taliban. Bằng cách dùng WhatsApp như cơ quan ngôn luận công khai, một đường dây trực tiếp đến người dân, lực lượng này đã khởi động chiến dịch tuyên truyền và quảng bá tinh vi, thuyết phục người Afghanistan từ bỏ vũ khí.

Facebook, Twitter bối rối

Theo The Verge, các nền tảng mạng xã hội phổ biến như Facebook, Twitter và YouTube sẽ phải cân nhắc thật kĩ đối với việc xử lý tài khoản của Taliban – nhóm Hồi giáo vũ trang vừa lên nắm quyền tại Afghanistan sau khi quân Mỹ rút lui.

Taliban su dung mang xa hoi anh 3
Sự xuất hiện của Taliban trên mạng xã hội khiến cho các nền tảng này rơi vào tình huống khó xử. Ảnh: Getty Images.

Facebook và YouTube xóa tài khoản của phát ngôn viên Taliban, Mohammad Naeem, ngay trong ngày 17/8, sau khi New York Times yêu cầu bình luận về việc này. Các công ty không giải thích lý do tài khoản của nhân vật cấp cao Taliban tồn tại suốt nhiều tháng, ngay cả khi có lệnh cấm.

Hôm 17/8, trang Washington Post đặt vấn đề: Taliban có được phép kiểm soát tài khoản Facebook và Twitter của chính phủ Afghanistan hay không? Việc cấp quyền truy cập đồng nghĩa với công nhận tính hợp pháp của lực lượng này trên mạng xã hội.

Sau khi Taliban giành quyền kiểm soát lãnh thổ, Facebook tỏ ra bối rối trong việc công nhận tính hợp pháp của chính quyền mới. Họ sẽ chờ hướng dẫn từ những tổ chức khác về việc này.

“Facebook không đưa ra quyết định về việc chính phủ nào được công nhận hợp pháp, thay vào đó, chúng tôi tôn trọng thẩm quyền của cộng đồng quốc tế trong vấn đề này”, phát ngôn viên Facebook nêu quan điểm trên The Verge.

Twitter không đưa ra lệnh cấm đích danh Taliban. Họ dùng các quy tắc chống nội dung bạo lực hoặc thao túng nền tảng để chặn những tài khoản vi phạm.

Trong khi đó, YouTube tỏ ra kiên quyết hơn. Đại diện nền tảng chia sẻ video lớn nhất toàn cầu cho biết sẽ khóa mọi tài khoản có liên hệ với Taliban, dựa trên lệnh cấm của chính quyền Mỹ.

“YouTube tuân thủ tất cả lệnh trừng phạt và cấm vận thương mại hiện hành, bao gồm các quy định của Mỹ. Nếu tìm thấy tài khoản do Taliban sở hữu và điều hành, chúng tôi sẽ đóng”, người phát ngôn của hãng xác nhận.

Nguyễn Hiếu

Đọc nhiều