Tại sao Việt Nam phê duyệt vaccine Sinopharm của Trung Quốc?

15/06/2021 13:09

Việt Nam hiện đang phải đối phó với đợt dịch Covid thứ tư dữ dội hơn những đợt dịch trước. Đợt dịch lần này gây lo ngại cho chính quyền lẫn người dân, nhất là khi chiến dịch chích ngừa Covid-19 ở Việt Nam còn ít. Để nâng cao miễn dịch cộng đồng, Chính phủ Việt Nam đã đề ra mục tiêu chích ngừa cho 75% dân số, để có thể đạt được miễn dịch cộng đồng. Trong nỗ lực đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng, Việt Nam đang ráo riết, chủ động, đa dạng các nguồn tìm mua vaccine chứ không chờ vào cơ chế COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới WHO viện trợ thuốc tiêm ngừa cho các nước nghèo.

Trong cuộc họp báo trực tuyến ngày 10/06, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Lê Thị Thu Hằng cho biết đến nay Việt Nam đã tiếp nhận khoảng 2,6 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 từ cơ chế COVAX và “cũng nhận được các cam kết viện trợ, cung ứng từ một số quốc gia, tổ chức quốc tế và các nhà sản xuất”. Nay trong số các quốc gia đó có cả Trung Quốc.

Theo  nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore cho rằng, có 3 lý do để Việt Nam phê duyệt vaccine Sinopharm của Trung Quốc:

Thứ nhất, trước đây Việt Nam không sớm phê duyệt các vaccine Trung Quốc nói chung và vaccine Sinopharm nói riêng là do các loại thuốc tiêm ngừa này chưa chứng minh đầy đủ mức độ an toàn và hiệu quả. Nguyên tắc là các vaccine phải có một mức độ an toàn và hiệu quả nhất định, thì các nhà quản lý ở Việt Nam mới có cơ sở để phê duyệt cho sử dụng. Tuy nhiên, thời gian qua đã có những dữ liệu đầy đủ hơn và minh bạch hơn để chứng minh mức độ an toàn và hiệu quả của các loại vaccine này. Trên cơ sở đó, cũng như với việc hãng Sinopharm nộp hồ sơ xin phê duyệt, các nhà quản lý của Việt Nam đã có thể phê duyệt. Đặc biệt, vaccine này chỉ mới được phê duyệt để sử dụng trong những tình huống khẩn cấp và cũng có những điều kiện đi kèm.

Thứ hai, đó là do làn sóng dịch thứ tư, bắt đầu từ cuối tháng 4, đã lan ra đến 39 tỉnh, thành phố, dẫn đến các tác động kinh tế, xã hội rất lớn, đặc biệt với việc đóng cửa nhiều nhà máy. Các nhà quản lý ở Việt Nam đã buộc phải chuyển hướng, tập trung đẩy mạnh chương trình tiêm chủng để giúp Việt Nam chống được dịch bệnh lâu dài. Trong bối cảnh đó, Việt Nam buộc phải tăng cường các nguồn cung ứng, không chỉ từ các nước G7, các nước phát triển, mà còn phải tính tới các loại vaccine của Trung Quốc, đặc biệt là những vaccine đã chứng thực mức độ an toàn và hiệu quả.

Thứ ba, đó là do mục đích ngoại giao. Trong thời gian qua, Việt Nam có một mức độ cải thiện nhất định, đã có các cuộc trao đổi song phương giữa các cấp lãnh đạo. Tất cả những dấu hiệu này cho thấy có vẻ như Trung Quốc muốn cải thiện quan hệ với Việt Nam và Việt Nam cũng muốn tăng cường quan hệ với Trung Quốc. Trong bối cảnh ấy, nếu Việt Nam đón nhận vaccine của Trung Quốc, điều này sẽ giúp củng cố thêm quan hệ song phương trong thời gian tới.

Tuy nhiên, chúng ta cũng không loại trừ đây chỉ là một động thái ngoại giao, còn việc sử dụng vaccine như thế nào thì chúng ta phải chờ xem. Lâu nay, Việt Nam vẫn có sự dè dặt nhất định trong việc đón nhận các biện pháp ngoại giao cũng như kinh tế của Trung Quốc. Đặc biệt là trong sáng kiến “Một vành đai một con đường” thì Việt Nam cũng tương đối ủng hộ, nhưng việc triển khai trên thực tế lại không được rộng khắp và hiệu quả như Trung Quốc mong muốn. Đối với chương trình ngoại giao vaccine này của Trung Quốc cũng vậy, Việt Nam cũng đón nhận, nhưng triển khai trên thực tế như thế nào thì chúng ta phải chờ xem.

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp cho biết thêm, ở Việt Nam từ lâu vẫn có thái độ nghi ngờ các sản phẩm của Trung Quốc, đặc biệt là sản phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe như vaccine, thì tâm lý này càng trở nên phổ biến hơn trong một bộ phận dân chúng. Đây sẽ là một trở ngại trong việc sử dụng vaccie Trung Quốc ở Việt Nam. Đón nhận vaccine Trung Quốc là một chuyện, còn triển khai như thế nào có thể là một chuyện khác.

Hạnh Nhân 

Đọc nhiều