Tại sao tương lai kinh tế Việt Nam ngày càng tươi sáng?

Bảo Trâm 05/10/2022 14:50

Mặc dù vẫn còn một số khó khăn tiềm ẩn, nhưng Việt Nam đang có vị thế tốt để tận dụng các lợi thế về kinh tế, trước sự cạnh tranh Trung – Mỹ tại khu vực Mỹ La – Tinh đang gia tăng, theo trang The Diplomat.

Việt Nam được nhận định là quốc gia có tốc độ phát triển nhanh bậc nhất.

Theo The Diplomat, gần đây Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã thay đổi dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cho năm 2022. Theo đó, IMF điều chỉnh tăng trưởng từ 6 lên 7%. Đây là lần điều chỉnh tăng đáng kể duy nhất giữa các nền kinh tế của khu vực châu Á trong năm nay. Trong khi đó, các nền kinh tế khu vực lớn khác như Ấn Độ, Nhật Bản và Trung Quốc đều giảm từ 0,7 đến 1,1%.

Tuần này, Ngân hàng Thế giới cũng tiếp tục điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam từ 5,3 lên 7,2% – con số cao nhất đối với bất kỳ quốc gia nào ở khu vực Đông và Đông Nam Á.

Điều này, gây ngạc nhiên cho khá nhiều người nhưng không quá bất người với những ai thường xuyên theo dõi Việt Nam trong suốt vài thập kỷ qua. The Diplomat cũng nhận định rằng, Việt Nam đã chuyển mình từ một trong những nền kinh tế chậm phát triển trên toàn cầu sang một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất, mạnh mẽ nhất, kể cả khi sự cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ trong thời gian gần đây.

Bài viết nói về Việt Nam đăng tải trên The Diplomat

Trong quá khứ, sau khi quân đội Mỹ rút khỏi Việt Nam vào năm 1975, nền kinh tế của đất nước gặp nhiều khó khăn do sự kém hiệu quả của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Cùng với đó, là những hậu quả còn sót lại của chiến tranh và tỷ lệ năng suất cho các ngành sản xuất thấp, khiến Việt Nam phải phụ thuộc vào nhập khẩu.

Hơn thế nữa, việc Việt Nam đưa quân tình nguyện sang Campuchia vào năm 1979 nhằm lật đổ chế độ Pol Pot và giúp loại bỏ chính quyền Khmer Đỏ đã làm kinh tế ngày càng suy thoái. Đồng thời, việc này cũng kiến quốc gia Đông Nam Á chịu thêm áp lực quốc tế, bao gồm các lệnh trừng phạt, cấm vận của Hoa Kỳ và cuộc tấn công trả đũa của Trung Quốc năm 1979.

Những thiếu hụt về kinh tế và căng thẳng toàn cầu khiến Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế nghèo nhất ở châu Á, với tốc độ tăng trưởng GDP là 2,8% vào năm 1985 và tỷ lệ lạm phát 378% vào năm 1986.

Tuy nhiên, đến năm 1986 Việt Nam bắt đầu chuyển đổi nền kinh tế từ mô hình kế hoạch hóa tập trung sang mô hình sử dụng các lực lượng thị trường để phân bổ nguồn lực. Các cải cách, được gọi là chính sách đổi mới đã khuyến khích công nghiệp tư nhân phát triển, công nhận quyền tư hữu về ruộng đất và xóa bỏ canh tác tập thể. Những thay đổi tích cực này, cùng với việc rút quân khỏi Campuchia vào năm 1989 đã đưa Việt Nam tiến tới giai đoạn phát triển kinh tế nhanh và ấn tượng nhất trong lịch sử thế giới.

Với hàng loạt những thành tựu nổi bật, đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống còn 5% và hơn 10 triệu người đã thoát khỏi đói nghèo. Trong khi đó vào 10 năm trước, Việt Nam có tỷ lệ hộ nghèo trên 70% dân số. Không chỉ vậy, GDP bình quân đầu người cũng tăng gần 10 lần từ mức dưới 300 USD vào những năm 1980 lên 2.800 USD vào năm 2020.

Khi nền kinh tế phát triển nhanh chóng cùng chi phí lao động vẫn ở mức thấp, Việt Nam đã trở thành một điểm đến hấp dẫn để đầu tư. Các công ty lớn như Adidas, Nike hay Samsung cũng lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư lý tưởng,.

Các chuyên gia của Ngân hàng HSBC nhận định, Việt Nam tiếp tục là ‘ngôi sao’ trong thu hút FDI

Không có gì quá bất ngờ khi đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam đã tăng hơn 200 lần kể từ năm 1986, từ 40.000 USD năm 1986 lên khoảng 15,8 tỷ USD năm 2018. Trong khi đó, xuất khẩu cũng tăng 19% từ năm 2020 đến năm 2021.

Thời gian gần đây, Việt Nam là nước được hưởng nhiều lợi ích từ cuộc cạnh tranh giữa hai cường quốc là Mỹ và Trung Quốc, nhất là trong cạnh tranh về nguồn vốn FDI.

Khi căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng, Trung Quốc đã có thái độ ít thân thiện hơn với các doanh nghiệp nước ngoài. Chính sách Zero COVID của Trung Quốc càng khiến các doanh nghiệp phải đau đầu, khiến họ bắt đầu tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng để giảm thiểu bất kỳ sự gián đoạn. Chỉ tính riêng trong năm 2021, đã có ít nhất hơn 11.000 công ty nước ngoài đã hủy đăng ký tại thị trường Trung Quốc, trái ngược hoàn toàn với mức tăng ròng 8.000 công ty nước ngoài đăng ký vào năm 2020. Trong số đó, các công ty có nền sản xuất lâu đời như Apple, Samsung và Hasbro cũng quyết định giảm bớt hoạt động kinh doanh của họ trong nước.

Nhân công là một trong những lợi thế giúp thu hút FDI tại Việt Nam

Được hưởng lợi khi các công ty lớn chuyển sản xuất, Việt Nam đã tận dụng tốt lợi thế chi phí thấp, cơ sở hạ tầng phát triển, môi trường kinh doanh hỗ trợ và thành công trong việc giảm thiểu tác động kinh tế của Covid-19 để thu hút nhà đầu tư. Mới đây, Foxconn – nhà sản xuất điện tử nổi tiếng đã tuyên bố sẽ đầu tư 300 triệu USD vào một nhà máy mới ở miền Bắc Việt Nam. Hay Google cũng thông báo rằng họ có kế hoạch chuyển một nửa sản lượng điện thoại Pixel sang Việt Nam, trong khi Microsoft đã sử dụng Việt Nam cho một số sản xuất Xbox. Nhìn chung, FDI của Việt Nam đã tăng 8,9% từ tháng 1 đến tháng 6 năm nay so với cùng kỳ năm 2021.

Trong hơn 40 năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu kinh tế đáng kinh ngạc, trở thành một điểm đến hấp dẫn FDI. Với chiến lược đúng đắn cùng sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Nhà nước, giới chuyên gia quốc tế đặc biệt lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam trong những năm tới, trang The Diplomat nhận định.

Huyền Trang (Theo The Diplomat)

Đọc nhiều